Mai Phương Thúy là một trong những người đẹp tích cực tham gia đội tình nguyện, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM thời gian qua. Tự nhận bản thân không có sức khỏe tốt nhưng cô vẫn muốn góp sức mình, giúp các bác sĩ, nhân viên y tế đang căng mình làm việc trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hoa hậu Việt Nam 2006 trải lòng với Zing về những ngày làm tình nguyện viên đáng nhớ.
“Chỉ ngại sức khỏe không đảm bảo”
– Chị chuẩn bị những gì trước khi tham gia vào đội tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu xét nghiệm, tiêm vacccine Covid-19?
– Sức khỏe và luôn ghi nhớ nguyên tắc phòng chống dịch, nhắc mình không được ngại khó ngại khổ, cũng không ngại đấu tranh nếu có ai đó vi phạm 5K. Như mọi người cũng đã thấy, ai tham gia tình nguyện đều mặc đồ bảo hộ, và tôi có vẻ như hơi cao quá so với bộ đồ nên phải mặc thật khéo để đồ bảo hộ có thể che đậy được hết cơ thể.
Trước đó, tôi cũng đến bệnh viện, bỏ 3 triệu đồng để xét nghiệm Covid-19. Khi biết chắc chắn mình ổn, tôi mới đăng ký làm tình nguyện.
Mai Phương Thúy làm tình nguyện viên ở Nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Á.
– Cụ thể những công việc chị làm trong đội tình nguyện trong thời gian qua?
– Như tôi đã chia sẻ bản thân không tham gia được nhiều, phần vì sức khỏe yếu và còn phải làm việc. Công việc không bỏ được vì còn phải giúp bao nhiêu người kiếm thêm thu nhập mùa dịch. Tuy vậy, tôi vẫn luôn cố gắng sắp xếp tham gia ngay mỗi khi rảnh. Lịch trình tình nguyện ngày nào cũng có, ngoài tôi, còn có rất nhiều anh chị em nghệ sĩ khác tham gia nữa.
Những công việc tôi từng làm trong đội tình nguyện đều theo sự sắp xếp của các anh chị. Ví dụ tôi dọn sạch ký túc xá sinh viên làm nơi cách ly, nấu ăn cho các bác sĩ bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.
Trong đợt tiêm vaccine ở Nhà thi đấu Phú Thọ, tôi giúp điều phối, phân luồng người đến khu vực tiêm cũng như thông tin về việc tiêm phòng. Tôi phụ trách việc hướng dẫn khu vực người bị cao huyết áp ngồi nghỉ để ổn định khi vào chích vaccine.
– Mỗi ngày tiếp xúc với nhiều người, điều khiến chị lo lắng nhất?
– Điều tôi lo nhất là mình không giúp được mà lại thành vướng chân người khác. Bản thân luôn muốn giúp đỡ mọi người nhưng nhiều lúc sức khỏe không cho phép nên ngày nào cảm thấy ổn, tôi mới dám đi phụ.
Khi mình đủ khỏe mới đảm bảo thực hiện được những công việc tình nguyện một cách trọn vẹn nhất có thể.
– Chị đánh giá thế nào về ý thức chống dịch của người dân TP.HCM?
– Tôi cảm thấy người dân chống dịch tốt nhưng có những tình huống bất khả kháng họ lại quên, không để ý đến việc giữ đúng khoảng cách 2 m. Được phân công hướng dẫn người bị cao huyết áp đến tiêm vaccine, tôi thấy nhiều người thân tập trung đông quanh người thân. Điều này khiến người bị cao huyết áp càng bị choáng.
Tôi hiểu cảm giác lo lắng và hoang mang khi thấy người nhà mình như vậy, nhưng điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh trước mọi tình huống để không vi phạm quy định về chống dịch.
– Cái khó của một hoa hậu, người nổi tiếng khi làm tình nguyện viên là gì?
– Bản thân tôi không cảm thấy có gì khó hay khác mọi người. Nếu khó đều là khó chung. Với tôi, cái khó chỉ là với trang phục bảo hộ. Quần áo bảo hộ hơi ngắn, tay chân lại hơi dài nên cũng hơi khó mặc.
– Nếu có ý kiến rằng hoa hậu tham gia vào đội tình nguyện chỉ làm màu, chị phản hồi ra sao?
– Tôi cũng có nghe qua ý kiến này nhưng không để tâm đâu. Tôi nghĩ mình phải chủ động hơn, có trách nhiệm với cộng đồng và không ngại đấu tranh. Chẳng hạn khi mọi người túm tụm, tôi phải dám quyết liệt tách họ ra để tuân thủ quy định về khoảng cách. Bình thường, tôi không lớn tiếng với ai bao giờ nhưng khi làm tình nguyện, tôi thấy mình đanh đá đấy.
“Sống một mình tôi vẫn thấy vui”
– Sống một mình trong những ngày dịch bệnh ở TP.HCM, một ngày của chị thế nào?
– Tôi vẫn phải làm việc như bình thường nên không có gì thay đổi so với trước. Ở nhà ngày dịch, tôi có thêm thú vui dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Sống đến 32 tuổi mới biết mình thích làm nội trợ. Điều thú vị là trong lúc làm việc nhà, tôi nghĩ được nhiều ý tưởng trong việc kinh doanh.
Hoa hậu chuẩn bị các suất ăn cho bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới. Ảnh: NVCC.
Từ khi TP.HCM có ca nhiễm đầu tiên, tôi đã cắt toàn bộ đi lại xa. Tôi nghĩ mình không thể biết bản thân có là F0, F1 lúc nào nên không mạo hiểm về nhà, khiến người thân đi cách ly. Đó là lý do tôi không về Hà Nội.
– Cách chi tiêu của chị trong mùa dịch khác ngày thường ra sao?
– Những ngày này, tôi tiêu nhiều hơn bình thường vì mua sắm online thường xuyên. Tôi coi đó như cách kích cầu mua sắm, tăng doanh thu cho các doanh nghiệp. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình có đóng góp phần nào đấy cho xã hội.
Từ trước đến nay, tôi luôn để dành sẵn một khoản tiền đủ tiêu xài cho bản thân, gia đình trong 3-4 năm mà không cần có doanh thu.
– Vì sao chị lại có quan điểm này?
– Tôi luôn có khoản dự trữ hai năm cho công ty và 3-4 năm cho gia đình. Tôi sống và làm việc theo kế hoạch 5-10 năm. Tôi tự giác chuẩn bị cho các tình huống bất khả kháng xảy ra. Tôi không thích lâm vào tình cảnh trớ trêu và kẹt về dòng tiền. Nếu phải rơi vào cảnh đó sẽ rất khổ.
Theo Zing.vn