Mai Phương Thuý đọc nhiều sách từ nhỏ, bắt đầu bằng những cuốn tiểu thuyết kinh điển. Cô nhớ nhất là khi đọc Những người khốn khổ hay Sông Đông êm đềm, trong lòng dâng lên nỗi buồn vô tận và thấy khó hiểu vì khi đó còn nhỏ quá, chưa thể hiểu hết. Sau này, cô thích đọc các tác phẩm đơn giản, không u buồn.
– Mai Phương Thúy đọc rất nhiều sách từ nhỏ. Chị có thể chia sẻ về một trong những cuốn sách mình yêu thích nhất?
– Từ bé tôi đã đọc lệch hẳn sang tác phẩm văn học nước ngoài. Những tác phẩm Việt Nam như truyện Nguyễn Nhật Ánh, tôi lại không được tiếp cận và đến bây giờ vẫn chưa đọc. Trong trí nhớ của mình, tôi đọc nhiều tác phẩm kinh điển khi còn nhỏ quá, nên nhiều bi kịch tầm vóc lớn lao làm mình thấy bế tắc. Tuy nhiên các yếu tố khác như cách kể chuyện, từ ngữ, nội dung hấp dẫn đã khoả lấp lỗ hổng đó.
Tôi nhớ nhất là khi đọc Những người khốn khổ hay Sông Đông êm đềm, trong lòng dâng lên nỗi buồn vô tận và thấy khó hiểu vì mình bé quá. Lớn lên tôi tránh đọc các tác phẩm làm mình phải suy tư nhiều.
Thế nên truyện tôi thích nhất là Ba chàng lính ngự lâm. Khi đọc Ba chàng lính ngự lâm, tôi mới hiểu gu của mình thực ra là trào phúng và tươi sáng chứ không phải đẹp, nhân văn và buồn.
Ngoài ra tôi còn thích sử thi Hy Lạp, truyện trinh thám Sherlock Holmes hay truyện của Agatha Christie và đặc biệt là Dracula của Bram Stoker.
|
Hoa hậu Mai Phương Thúy đọc nhiều văn chương kinh điển từ nhỏ. Ảnh: FBNV. |
– Trong “Ba chàng lính ngự lâm”, chị thích nhân vật nào nhất?
– Tôi thích Athos nhất. Tác giả miêu tả chàng ngự lâm già nhất như một vị thánh với các phẩm chất tốt đẹp. Các nhân vật còn lại đều đại diện cho những tính cách từ khôn ngoan đến lươn lẹo, tinh anh nhưng thủ đoạn, sốc nổi, hám danh lẫn đạo đức giả nhưng riêng Athos thì không.
– Những tác phẩm kinh điển chị yêu thích từ thời tuổi thơ ấy đã tác động thế nào đến nhân sinh quan sau này của Mai Phương Thúy?
– Trước đó tôi từng nghĩ những thứ đẹp đẽ thường buồn bã, nhân văn nhưng kém sinh động. Đa số nhân vật tốt đều có số phận bi thảm. Sau này tôi thấy không nhất thiết mọi thứ hay ho, sâu sắc đều phải buồn và nhuốm màu bi kịch. Tác phẩm Ba chàng lính ngự lâm thực sự rất đời và làm cho tôi cảm thấy vui vẻ.
– Khi đọc một cuốn sách, nhất là lại những cuốn kinh điển, sẽ có những câu nói hoặc đoạn trích nào đó khiến người đọc nhớ mãi. Với chị thì sao?
– Tôi lại không như vậy. Tôi để ý đến cách tác giả kể chuyện, sắp xếp tình huống sau đó tự hỏi điều gì đã làm tác phẩm này trở nên phổ biến. Ví dụ như Kiêu hãnh và định kiến, Harry Potter, Chúa Nhẫn, Sherlock Holmes, Frankenstein, Dracula và truyện Charles Dickens đều cho tôi nhiều bài học về cách sáng tác.
Ba chàng lính ngự lâm là một trong những cuốn yêu thích nhất của Mai Phương Thúy. |
– Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về “cách sáng tác” mà mình vừa đề cập?
– Mỗi năm có bao nhiêu tác giả cho ra đời không biết bao nhiêu sách, nhưng phần lớn tác phẩm lẫn tên tuổi họ chìm trong yên lặng. Một số tác phẩm khác nổi lên đến một mức nào đó rồi thôi. Các tác phẩm đó tôi nghĩ một phần do tác giả không thực sự hiểu chất liệu nào làm nên một câu chuyện hấp dẫn.
Việc tham khảo những tiểu thuyết ăn khách qua nhiều năm giúp tôi hiểu thế nào là một câu chuyện thú vị, một nhân vật hấp dẫn, lôi cuốn. Phần lớn các tác giả phải rất hiểu tâm lý người đọc, từ đó mới dẫn dắt cảm xúc của họ qua các tình tiết. Tác phẩm nào cũng phải đưa ra một vài mâu thuẫn cơ bản cần giải quyết. Nhưng cuộc sống thì có bao nhiêu là vấn đề, biết chọn một vấn đề đánh thẳng vào góc tăm tối nhất của con người không phải dễ. Các tác phẩm trên ăn khách qua nhiều thế hệ, vì thế tôi rất chăm chú đọc, hy vọng mình vỡ lẽ ra điều gì đó.
– Người thích đọc văn chương kinh điển thường là người sâu sắc và thích hoài cổ cũng như chiêm nghiệm. Chị có thấy mình thuộc nhóm này?
– Tôi hay chiêm nghiệm thì đúng, hoài cổ thì thỉnh thoảng. Nhưng sự thật đọc nhiều văn chương kinh điển thời trẻ làm mình thấy hoảng hốt. Di chứng để lại là càng lớn tôi càng đọc nhiều chuyện đơn giản, ít chiều sâu hoặc nhân văn.
– Ngoài danh hiệu Hoa hậu Việt Nam, chị còn được biết đến là một nhà đầu tư. Chắc hẳn chị đọc không ít sách kinh tế. Cuốn sách nào mà chị tâm đắc và muốn chia sẻ?
– Tôi bắt đầu đọc về kinh tế từ cấp 3, lên đại học đọc nhiều hơn. Còn bây giờ thì cần tìm hiểu gì thì mới đọc.
Thật không dễ chọn cuốn yêu thích nhất vì mỗi cuốn đều có những điểm mình học được. Và mỗi thời điểm có thể mình sẽ thích những cuốn khác nhau. Nếu phải chọn, tôi nghĩ các bạn nên xem qua cuốn tự truyện của Warren Buffet Hòn Tuyết Lăn (The snowball). Theo tôi, đây là cuốn hay nhất về Warren Buffet.
Đôi lúc xem lại các sai lầm của những nhà đầu tư lớn cũng là bài học cho ta trong đầu tư vì chắc chắn không ai tránh được những sai lầm. Quan trọng là cái giá của sai lầm đó thế nào.
Bạn cũng nên xem qua cuốn Big mistake của Michael Batnick mới ra gần đây. Cuốn này sẽ đi một vòng các lỗi thường gặp trong đầu tư mà ngay cả các nhà đầu tư nổi tiếng nhất vẫn gặp phải. Tôi không đồng ý hết với các bài học trong Big mistake nhưng nó là một cuốn sách đọc khá dễ chịu và cách viết sinh động, làm mình hình dung được các sai lầm có thể liên quan đến mình thế nào.
Về kinh tế, tôi nghĩ bạn nên xem clip của Ray Dalio: How the economic machine works. Một góc nhìn rất mới, rất hay và rất sinh động.
|
“Tôi thực sự không tin vào việc có quá nhiều kiến thức” – Mai Phương Thúy. |
– Người ta đọc sách và nghĩ rằng mình nắm vững kiến thức nhưng rõ ràng kinh tế và thị trường luôn thay đổi. Nhiều người đọc sách làm giàu và cố làm theo nhưng vẫn dẫn đến thất bại. Chị từng thất bại trong đầu tư kinh doanh chưa?
– Thất bại ai cũng có, chưa có thì rồi sẽ có. Từ năm 15 tuổi tôi đã thích mê cuốn Dám thất bại để rèn luyện một tâm thế vững cho mình. Tôi thực sự không tin vào việc có quá nhiều kiến thức. Có rất nhiều thứ chúng ta thực sự không cần dùng đến và cũng không cần phải biết.
Nhiều lúc tôi còn chủ động không nạp thêm kiến thức vào đầu, chỉ nạp vừa đủ thôi. Tôi muốn trở thành người nhẫn nại nhất, có sức chịu đựng cao nhất, chăm chỉ nhất chứ không hề muốn mình là người biết nhiều nhất.
Cái quan trọng là phải dám thử, dám sai, dám làm nhưng không được mù quáng, thiếu cân nhắc. Tôi nghĩ chúng ta thất bại đôi khi là vì thiếu nhẫn nại, vì hiếu thắng, muốn làm giàu nhanh và để lòng tham làm mờ mắt. Cũng có những người không hề có tố chất làm kinh doanh thế nên đầu tiên mình phải xác định được mình là ai và mình hợp làm gì.
Nên tôi nghĩ, muốn thành công, phải dám thất bại. Tôi đọc Dám thất bại, để có được thành công trong kinh doanh và những kế hoạch tài chính.
– Theo chị, hướng để đọc các cuốn sách làm giàu hay kinh tế thông minh và hiệu quả nhất là gì?
– Có lẽ là đọc vừa đủ thôi. Chọn một hai người mình tâm đắc nhất để nghiền ngẫm, học hỏi là đủ.
Quan trọng nhất vẫn là tự mình đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Thế nên trừ phi bạn làm trong ngành đòi hỏi phải đọc rất nhiều như ngành đầu tư, còn lại bạn vẫn nên tích luỹ kinh nghiệm thực tế nhiều hơn là chỉ chăm chăm đọc sách.
– Chị có phổ đọc rất lớn, từ tiểu thuyết hư cấu sang kinh tế, vậy chị có đọc các dòng sách khác không, ví dụ như self-help chẳng hạn?
– Tôi bắt đầu đọc sách self-help từ cấp 2, không hiểu có quá sớm không. Nhờ tiếp cận sớm nên mình sớm xây dựng nền tảng tâm lý vững chắc và thế giới quan rộng mở, tích cực. Tuy nhiên dòng sách này gần đây tôi không đụng tới nữa.
– Gần đây các nhà sách xuất bản khá nhiều cuốn tự truyện của các nhân vật nổi tiếng, từ ngôi sao Hollywood như Angelina Jolie đến chính trị gia như Hillary Clinton… Họ là những hình mẫu lý tưởng của phụ nữ hiện đại. Chị có nghĩ mình sẽ trở thành một hình mẫu phụ nữ như thế và làm gì để đạt được?
– Thực sự làm một biểu tượng rất mệt, tôi không có ước mơ đó. Mình chỉ là mình thôi và thấy rất mãn nguyện rồi.
– Do dịch bệnh, năm nay nhân Ngày sách Việt Nam 19/4, Hội sách trực tuyến quốc gia đã được khai mạc trên địa chỉ book365.vn, chị có tham gia mua sách online ở sự kiện này?
– Tôi sẽ tham gia và tìm mua cuốn sách mình yêu thích.
Theo Zing.vn