logo
Thứ sáu, 10/05/2024 06:15:31

Luật Điện ảnh không được mập mờ


PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cơ quan soạn thảo luật phải có hệ thống tiêu chí, quy định cụ thể, rõ ràng hơn để làm căn cứ trong quá trình kiểm duyệt phim.

Ngày 27/10, ở hành lang Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, đã trao đổi về các phương án kiểm duyệt phim.

Khó tiền kiểm với phim chiếu mạng

Theo ông, điện ảnh kỹ thuật số (PV: Phát hành hoặc trình chiếu phim thông qua công nghệ kỹ thuật số) là vấn đề chắc chắn theo đuổi, cập nhật để tiến tới mặt bằng chung của điện ảnh thế giới.

Luat Dien anh anh 1
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết Luật Điện ảnh đang cân nhắc các vấn đề của người làm phim tư nhân. Ảnh: Quốc hội.

“Tức chúng ta phải quan tâm xu hướng chung của thế giới là điện ảnh kỹ thuật số. Nhưng chúng ta cũng cần quan tâm tới những loại hình điện ảnh khác để có sự công bằng trong ngành công nghiệp điện ảnh”, đại biểu cho biết.

Về vấn đề kiểm duyệt, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng phương án tiền kiểm hay hậu kiểm đều có ưu, nhược điểm riêng. Phương án tiền kiểm có bộ lọc, xem xét và xử lý trước các vấn đề có thể gây ra xung đột, hiểu nhầm, tác hại về mặt đạo đức, thuần phong mỹ tục và thậm chí chính trị.

Tuy nhiên, hiện chỉ có một hội đồng kiểm duyệt phim, trong khi mỗi ngày có hàng trăm bộ phim phát hành. Do đó, phim chiếu rạp có thể đảm bảo chuyện đó nhưng với phim chiếu mạng, việc tiền kiểm không dễ dàng, đặc biệt về mặt kỹ thuật, thời gian, nguồn lực con người.

“Bởi vậy để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong việc thưởng thức phim ảnh, chúng tôi chuyển sang hậu kiểm. Hậu kiểm có lợi thế là mọi người được thưởng thức những tác phẩm đa dạng trên toàn thế giới với số lượng lớn, xuất hiện nhanh. Nhưng về nhược điểm, có những sản phẩm không phù hợp về thuần phong mỹ tục, chủ quyền quốc gia”, ông nói thêm.

Luat Dien anh anh 2
Cơ chế kiểm duyệt, đấu thầu hay vấn đề liên quan đến quỹ điện ảnh đã được đưa ra thảo luận. Ảnh: CJ CGV.

Tuy nhiên, hậu kiểm không có nghĩa không có rào cản nào để đánh giá, thẩm định các bộ phim. Đó là lý do cơ quan soạn thảo luật phải có hệ thống các tiêu chí, quy định cụ thể, rõ ràng hơn, không được mập mờ.

“Điện ảnh là sáng tạo, hư cấu do đó, việc vượt rào rất dễ xảy ra. Cần có những tiêu chí, quy định cụ thể để dựa vào đó, chúng ta làm các công tác hậu kiểm. Đối với nhà sản xuất phim Việt Nam, họ cũng có bộ quy tắc để tự làm công tác kiểm duyệt trong quá trình thực hiện phim để tránh sau này các nhà sản xuất phim, đặc biệt tư nhân và quản lý Nhà nước có sự mâu thuẫn với nhau”, ông nhận định.

Quỹ điện ảnh hỗ trợ phim tư nhân

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định trong những năm qua, điện ảnh tư nhân phát triển, có những năm các nhà sản xuất tư nhân hoàn toàn khống chế điện ảnh Việt Nam mà không có phim nào của Nhà nước. Tuy nhiên, nhà sản xuất, đạo diễn hay người làm phim ở thành phần tư nhân có thể chưa đạt được kỳ vọng của họ.

“Luật Điện ảnh lần này đã chú ý rất nhiều tới điện ảnh tư nhân. Có nhiều quy định thông thoáng hơn, cơ chế kiểm duyệt được xem xét, cơ chế đấu thầu hay vấn đề liên quan đến quỹ điện ảnh đã được đưa ra thảo luận”, ông nói.

Theo ông chia sẻ, quỹ điện ảnh không phân biệt Nhà nước hay tư nhân mà sẽ tài trợ cho tất cả nhà làm phim Việt Nam, miễn họ đạt được yêu cầu, tiêu chí nhất định. Tư tưởng này được phổ biến, quán triệt từ đầu đến cuối trong Luật Điện ảnh. Những thuật ngữ liên quan đến cá nhân, tư nhân đều được thể hiện trong luật lần này.

“Cơ quan soạn thảo và thẩm tra luật mong muốn tiếp nhận những ý kiến đa chiều từ các nhà sản xuất hoặc những người liên quan để trên cơ sở đó, chúng ta có được bộ Luật Điện ảnh tốt nhất, phù hợp nhất với bối cảnh xã hội”, ông khẳng định.

Theo Zing.vn


Từ Khóa:

Tin Liên Quan