Nguy cơ tiềm ẩn khi tự điều trị đau nhức xương khớp tại nhà
Mới đây, một bệnh nhân tại Phú Thọ nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị kèm theo chướng hơi, đầy bụng. Nguyên nhân là do người này đã tự ý mua thuốc để về uống để điều trị đau xương khớp, dẫn đến tình trạng viêm dạ dày biến chứng thủng dạ dày.
Tương tự như trường hợp trên, bà M.A.N ngụ tại TP.HCM, thấy mình có biểu hiện xương khớp nhức mỏi, bà đã lên mạng tìm hiểu và tự ý mua thuốc về sử dụng. Hậu quả là bệnh ngày càng nặng hơn.
Theo các bác sĩ, các thuốc chống viêm, giảm đau tức thì là một biện pháp điều trị quan trọng và hữu hiệu trong các bệnh lý cơ, xương, khớp. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp lâu dài, nếu như lạm dụng và hiểu sai tác dụng của thuốc, có thể gây ra nhiều biến chứng như tổn thương nội tạng, loãng xương, thậm chí là hoại tử xương.
Ths, BS Huỳnh Khôi Nguyên (Khoa Cơ – Xương – Khớp, BV ĐHYD TP.HCM) cho biết: “Các bệnh lý có biểu hiện cơ, xương, khớp chỉ là bề nổi, còn căn nguyên của các triệu chứng đó cần phải có các bác sĩ chẩn đoán. Khi tự điều trị bằng thuốc tại nhà sẽ làm lu mờ các triệu chứng, bệnh nhân sau khi tự dùng thuốc cảm thấy không còn triệu chứng gì nữa liền nghĩ là mình đã hết bệnh, tuy nhiên bản chất căn bệnh vẫn cứ tiếp diễn bên trong, dẫn đến chậm trễ việc chẩn đoán trong thời gian vàng điều trị bệnh”.
Bác sĩ khuyên người bệnh cần giải tỏa tâm lý ngại đi khám bệnh, khi có các triệu chứng sưng, đau, viêm khớp cần đến ngay các bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không tự ý chẩn đoán bệnh của mình thông qua những thông tin trên mạng và tự tìm thuốc để điều trị, đặc biệt là những loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Tập 47: Nguy cơ tiềm ẩn khi tự điều trị đau nhức xương khớp tại nhà
Nguy hiểm từ món tiết canh lợn
Liên cầu khuẩn lợn có tên khoa học là Streptococcus suis, là một loại cầu khuẩn gram dương, có hình hạt đậu. Vi khuẩn này là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn).
Thời gian qua, nhiều trường hợp nhiễm khuẩn liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì phát hiện quá trễ. Một phụ nữ ở Thái Bình đã tử vong sau khi ăn tiết canh lợn, hai người cùng ăn chung cũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Những sự việc trên đang phản ánh sự nguy hiểm khi ăn tiết canh, thực phẩm tái sống một cách tùy tiện dẫn đến nhiễm khuẩn viêm cầu lợn.
Quan niệm ăn tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao và có thể chữa bệnh là một sai lầm lớn, thực tế, trong tiết canh không có nhiều dinh dưỡng như mọi người lầm tưởng, mà lại rất nguy hại cho sức khỏe. Trong tiết canh, nhiều khả năng có vi khuẩn và mầm bệnh, làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh như liên cầu lợn, nhiễm sán, giun, bệnh đường tiêu hóa và kể cả viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể gây tử vong.
BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết: “Vi khuẩn liên cầu lợn thường trú ngụ trong cơ thể lợn nhiễm bệnh. Nếu không bảo đảm an toàn trong quá trình chế biến và sử dụng, vi khuẩn có thể lây qua vết xước của da và xâm nhập vào máu, gây ra nhiễm trùng huyết, viêm màng não…”.
Bác sĩ khuyên nếu cơ thể xuất hiện những triệu chứng như sốt, nổi mảng xuất huyết dưới da, nôn ói sau khi ăn uống, cần đến ngay bệnh viện, khai báo quá trình ăn uống, chế biến thực phẩm có nguy cơ mắc viêm cầu lợn, để bác sĩ phát hiện kịp thời và chữa trị.
Người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, rõ nguồn gốc, tránh mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Không giết mổ, ăn thịt lợn bị bệnh không rõ nguồn gốc, không ăn thịt lợn chết, các món tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Tập 48: Nguy hiểm từ món tiết canh lợn
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.