Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây như lợi dụng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để lừa đảo và thói quen bẻ khớp cổ và những hệ lụy.
Lợi dụng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để lừa đảo
Chỉ trong một buổi sáng, anh H.V.Đ ở TP.HCM liên tục bị các cuộc gọi lạ làm phiền với nội dụng chào mời tham gia sự kiện, tặng kỳ nghỉ dưỡng du lịch 5 sao miễn phí 100% cùng các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch. Để khi tham gia sự kiện, người dùng lại được điều hướng sang các gói dịch vụ tốn phí với lời mời chào hấp dẫn với gói nghỉ dưỡng kéo dài nhiều năm. Khi rơi vào bẫy, bên cạnh khoản tiền phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng, khách hàng còn phải thanh toán chi phí hàng năm từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để có thể sử dụng kỳ nghỉ dưỡng trên thực tế. Trong khi đó, hợp đồng thường không quy định cụ thể, rõ ràng về khoản chi phí này và các vấn đề có liên quan. Những nội dung trong hợp đồng thường khó có thể kiểm chứng đúng sai cũng như bất lợi có thể được cài cắm.
ThS Võ Sơn Đông (Khoa du lịch, Trường Đại học Mở TP.HCM) cho biết, yếu điểm nhất trong mô hình sở hữu kỳ nghỉ là thời gian sở hữu kỳ nghỉ quá dài, có thể kéo dài từ 5 – 30 năm thậm chí là cả cuộc đời của khách hàng. Khách hàng không thể kiểm soát được khi ký kết một hợp đồng có thời gian quá dài, những rủi ro có thể kể đến như hợp đồng thuê đất của chủ đầu tư đối với doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân không được tiết lộ cho khách hàng, chẳng hạn như hợp đồng thuê 20 năm nhưng họ lại bán gói nghỉ dưỡng dài hạn cho khách hàng lên tận 30 năm. Tiếp theo là về vấn đề hợp đồng thường rất dày từ 20 – 40 trang, khách hàng đôi khi không đủ thời gian và kiên nhẫn để phát hiện ra những yếu điểm được cài cắm trong đó. Cuối cùng, khách hàng được nhắm tới của mô hình này thường là những người lớn tuổi, nhóm khách hàng này đôi khi không có cách để xác định được dịch vụ đó ở đẳng cấp 4 hay 5 sao mà chỉ tiếp nhận thông tin một chiều từ phía tư vấn viên.
TS – Luật sư Lê Bá Thường (Thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) đưa ra 3 vấn đề cần lưu ý đối với khách hàng trước khi tham gia vào mô hình này: “Đầu tiên là cơ sở pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lữ hành, thứ hai là quy định về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng của dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ, cuối cùng là quy định về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng”.
Trước những lời mời gọi những gói dịch vụ siêu rẻ, siêu hời, người dân cần tỉnh táo đọc kỹ các điều khoản và kiểm chứng thông tin để tránh mất tiền oan.
Tập 43: Lợi dụng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để lừa đảo
Thói quen bẻ khớp cổ và những hệ lụy
Chị Lê Thị Phượng ngụ TP. Đà Nẵng phải làm việc trong trạng thái đứng liên tục và cúi cổ xuống, khiến cho chị bị mỏi cổ. Những lúc như vậy, chị thường có thói quen bẻ khớp cổ, cảm giác đau mỏi nhẹ hẳn đi và mang lại cảm giác thoải mái nhất thời.
Không chỉ dừng lại ở thói quen, nhiều người còn bị thu hút bởi âm thanh ‘rắc rắc’ phát ra khi bẻ khớp cổ. Tâm lý chung của nhiều người khi nghe tiếng kêu này mang lại cho họ cảm giác thoải mái, thư giãn.
Ở giai đoạn đầu, các biểu hiện và triệu chứng bệnh lý từ thói quen bẻ khớp cổ sai cách thường không rõ ràng, rất bình thương như đau đầu, mỏi cổ nên người bệnh dễ chủ quan và bỏ qua việc thăm khám. Lâu dần thói quen bẻ khớp cổ không đúng cách này có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
BS CKII Vũ Tam Trực (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM) cho biết: “Không ít trường hợp sau khi bẻ khớp cổ xong gây ra triệu chứng cứng đơ, xuất hiện triệu chứng tê, yếu một hoặc thậm chí là hai tay. Khi bẻ cổ hoặc vặn cổ có thể xuất hiện những triệu chứng thiếu máu não đột ngột thoáng qua hoặc có thể lâu dài. Khi cột sống cổ thoái hóa, việc bẻ khớp cổ có thể dẫn đến những gai xương đè lên các dây thần kinh, tủy sống… dẫn đến việc liệt tứ chi hoặc thiếu máu não cấp tính gây ra liệt nửa người, thậm chí là hội chứng khóa trong là liệt từ cặp mắt trở xuống”.
Do vậy, mọi người cần tránh thói quen bẻ khớp cổ, thay thế bằng việc duy trì thói quen vận động, tập thể dục thể thao kết hợp những bài tập xoay trở cổ một cách nhẹ nhàng.
Tập 44: Thói quen bẻ khớp cổ và những hệ lụy
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.