logo
Thứ tư, 08/05/2024 10:26:14

Lời Cảnh Báo: Hệ lụy khi dùng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn


(Dispatch.vn) - Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây như hệ lụy khi dùng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn và cẩn trọng khi để trẻ ở nhà một mình.

Hệ lụy khi dùng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn

Mới đây, tại khu vực thành phố Hà Nội, một nhóm thanh niên do mâu thuẫn cá nhân, đã chửi bới, thách thức nhau qua mạng xã hội. Nhóm này đã giải quyết vấn đề trên bằng cách đuổi đánh nhau với hung khí là dao và tuýp sắt, hậu quả là một trong số đó bị thương tích vùng đầu, xây xước chân tay và xe bị đập phá.

Từ mâu thuẫn bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm đến những hiểu lầm, rạn nứt trong chuyện tình cảm lứa đôi, chuyện riêng tư lại biến thành chuyện chung khi công khai trên mạng và để cho cộng đồng mạng phán xét khi chưa rõ thực hư, đúng sai. Thậm chí, nhiều người trước đó chưa hề quen biết, nhưng chỉ vì không hài lòng phát ngôn của đối phương trên mạng, liền đáp trả qua lại gay gắt. Đáng nói, không ít vụ việc bị đẩy lên cao trào, mất kiểm soát, thậm chí có thể đi đến xung đột trực tiếp.

Một cô gái vừa rơi vào trạng thái trầm cảm khi bị người khác đăng bài trên mạng xã hội để vu khống việc quỵt tiền nợ, mặc dù đã cung cấp những bằng chứng minh oan cho mình, nhưng nhiều người dù không hiểu thực hư, đúng sai đã lao vào chửi bởi thậm tệ. “Tôi cảm thấy ức chế vì mình bị vu oan trên mạng xã hội, nhiều người không hiểu rõ câu chuyện vẫn tranh nhau phán xét, tôi bị khủng hoảng tinh thần vì liên tục bị đám đông nhắn tin chửi bới”, cô gái nói.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trương Văn Vỹ (Chuyên gia Xã hội học) cho biết, mạng xã hội là một mạng công cộng, cho nên hiệu ứng đám đông rất mạnh, không cần biết thực hư, cứ nghe nói một người nào đó lừa đảo hay là người xấu thì họ ngay lập tức ùa vào chửi bới, lăng mạ người bị đưa tin lên. Người sử dụng mạng xã hội trước khi đưa tin lên mạng xã hội để giải quyết vấn đề, cần phải thật bình tĩnh để suy xét xem liệu là có giải quyết được vấn đề hay không, hay chỉ làm nó trở nên trầm trọng hơn.

Theo Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, hành vi lợi dụng mạng xã hội để chửi bới, xúc phạm hoặc đưa những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật, sự việc gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức sẽ có hai hình thức xử phạt lần lượt là phạt 7 triệu đồng nếu vi phạm hành chính và mức tù từ 5 – 7 năm đối với hành vi bị truy xét trách nhiệm hình sự.

Tập 38: Hệ lụy khi dùng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn

Cẩn trọng khi để trẻ ở nhà một mình

Vừa qua, một số thị xã thuộc thành phố Biên Hòa, thuộc tỉnh Đồng Nai xuất hiện tình trạng một người phụ nữ hoặc một nam, một nữ đi xe máy đến nhiều gia đình, tiếp cận trẻ em nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Với thủ đoạn yêu cầu các em lấy hàng hay đóng tiền hộ người thân, các đối tượng này đã chiếm đoạt hàng chục triệu đồng. Tương tự tại địa bàn thành phố Huế, xuất hiện đối tượng lạ lợi dụng trẻ em ở nhà một mình, nên đã dùng lời ngon tiếng ngọt để dụ các cháu đưa tiền cho chúng.

Chị N.T.L, một nạn nhân của thủ đoạn trên cho biết, công việc bận đột xuất khiến chị phải để con ở nhà một mình, vừa rời khỏi nhà không lâu, liền có một người lạ mặt đóng giả là nhân viên giao hàng và yêu cầu con chị nhận hàng và thanh toán số tiền 2,5 triệu. Cho đến khi về đến nhà, chị phát hiện con mình đã bị lừa vì thời gian qua chị không hề mua hàng online trên mạng, số hàng mà kẻ gian giao cho chỉ là vài gói mì.

Bên cạnh nguy cơ bị lừa đảo, bắt cóc, xâm hại khi trẻ ở nhà một mình còn có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, điện giật, va đập gây thương tích cho các em ngay trong ngôi nhà của mình. Bên cạnh đó, những sự cố ngoài ý muốn về sức khỏe không lường trước cũng có thể dẫn đến những tình huống bất ngờ, không kịp xử lý. Những bậc phụ huynh cần đề cao cảnh giác, giáo dục con em mình tuyệt đối không được tin tưởng những người lạ mặt có nhiều biểu hiện nghi vấn. Đối với những gia đình xảy ra sự việc tương tự, cần phải khẩn trương trình báo với cơ quan chức năng để có phương án xử lý kịp thời.

Đối với những lưu ý khi trường hợp bất khả kháng phải để con ở nhà một mình, thạc sĩ Nguyễn Trần Trung Hải (Chuyên gia Xã hội học) cho biết: “Phụ huynh cần hướng dẫn cho con trẻ tránh xa những nguồn gây nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn, thương tích cho con trẻ như ổ điện, bếp gas, dao kéo… Phụ huynh cần nhắc nhở hướng dẫn cách xử lý cho con em cách xử lý tình huống khi có người đến liên hệ, dù cho là người quen hay người lạ.


Tập 40: Cẩn trọng khi để trẻ ở nhà một mình

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan