logo
Thứ tư, 08/05/2024 10:55:58

Lời Cảnh Báo: Cảnh giác với các dịch vụ hỗ trợ rút bảo hiểm xã hội 1 lần trên mạng


(Dispatch.vn) - Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây như rủi ro với dịch vụ hỗ trợ rút bảo hiểm xã hội 1 lần trên mạng và cảnh báo chiêu trò mở tài khoản ngân hàng theo tên, ngày sinh.

Cảnh giác với các dịch vụ hỗ trợ rút bảo hiểm xã hội 1 lần trên mạng

Vì công việc bận rộn, không có nhiều thời gian để tham khảo cũng như tìm hiểu về các quy trình rút bảo hiểm xã hội 1 lần, chị H.T.N tìm đến các fanpage có dịch vụ hỗ trợ rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Cứ tưởng tìm được người giúp, ai ngờ chị lại sập bẫy kẻ gian. Họ nói sẽ hỗ trợ giải ngân trong hai ngày, với điều kiện phải đóng trước 2 triệu đồng tiền phí làm hồ sơ dịch vụ, sau khi đóng tiền cho họ xong thì tôi không hề nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào”, chị H.T.N kể.

Nắm bắt tâm lý của người lao động, sau khi nghỉ việc thường có kinh tế khó khăn, muốn nhanh chóng rút bảo hiểm xã hội 1 lần, các đối tượng lừa đảo đã tạo ra những trang web, fanpage giả mạo, giới thiệu rầm rộ để thu hút những người quan tâm. Trong quá trình đó, các đối tượng lừa đảo giả làm tư vấn viên bảo hiểm xã hội, yêu cầu người lao động cung cấp quá trình đóng bảo hiểm xã hội để tính số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, các đối tượng sẽ tư vấn, hứa giúp người lao động làm thủ tục giải ngân trong 2 ngày và thu phí, số tiền phí buộc phải thanh toán trước.

Ông Trần Dũng Hà (Phó Giám đốc BHXH TP.HCM) cho biết: “Tất cả các cơ quan bảo hiểm xã hội, khi giải quyết tất cả các thủ tục cho người lao động thì không thu bất kỳ khoản phí nào, những vấn đề liên quan đến sổ, hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, chúng tôi đều công khai hết trên các trang thông tin của cơ quan bảo hiểm xã hội, cũng như các trang mạng xã hội của bảo hiểm xã hội, người lao động có nhu cầu chỉ cần kiểm tra thông tin tại các trang chính thống để xem các thủ tục, hồ sơ và thực hiện đúng theo những gì mà cơ quan quy định. Trong trường hợp hồ sơ có trục trặc cần bổ sung, các viên chức của cơ quan nhận sổ sẽ gọi điện trực tiếp để hướng dẫn các thủ tục”.

Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết hồ sơ rút bảo hiểm xã hội thông qua 2 hình thức: Một là người lao động nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc thông qua các hệ thống bưu điện. Hai là nộp trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Tập 29: Cảnh giác với các dịch vụ hỗ trợ rút bảo hiểm xã hội 1 lần trên mạng

Chiêu trò mở tài khoản ngân hàng theo tên, ngày sinh

Sở hữu một chiếc thẻ ngân hàng theo tên, ngày sinh hoặc một dãy số đẹp được nhiều người lựa chọn, thế nhưng nhiều người do bận công việc, hoặc ngại đến ngân hàng để làm thủ tục, nên đã thuê các dịch vụ trên mạng xã hội. Chỉ cần cung cấp tên, ảnh chụp căn cước công dân 2 mặt, số điện thoại là đã được đáp ứng ngay.

Tuy nhiên, nếu bất cẩn có thể dẫn đến những rủi ro khi bị kẻ gian làm giả tài khoản ngân hàng, có họ tên giống như vậy để sử dụng cho mục đích xấu. Bên cạnh đó, việc cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân tiềm ẩn rất nhiều lỗ hỏng về bảo mật, dẫn đến nguy cơ bị làm giả giấy tờ, vay nợ và bị hack tài khoản mạng xã hội.

Mới đây, chị L.T.B ngụ quận Tân Bình, Tp.HCM, đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này, tiền phí mở thẻ đã chuyển khoản, nhưng thẻ ATM chẳng thấy đâu, bên kia lại không liên lạc được. Giờ điều mà chị lo nhất là đối tượng lừa đảo sẽ làm gì với những thông tin cá nhân mà chị cung cấp để mở thẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Đỗ Bích Nga (Bộ môn Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) cho biết:“Hiện nay, chúng ta dễ dàng vay tín dụng từ việc cung cấp hình ảnh của căn cước công dân hoặc số điện thoại cho bên cho vay. Khi có được thông tin cá nhân của bất kỳ ai đó, tín dụng đen sẽ lợi dụng vào việc này để giải ngân số tiền, người thực sự nhận được số tiền lại là một người khác. Khi đến hạn thanh toán số nợ, người bị lộ thông tin cá nhân sẽ bị gọi điện để đòi tiền một cách vô cớ, thậm chí các đối tượng xấu sẽ dùng đủ mọi cách để đe dọa, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người đó và người thân, bạn bè xung quanh”.

Để hạn chế những rủi ro không mong muốn, người dùng chỉ nên thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng, hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Bên cạnh đó, đối với các tài khoản công khai, dùng để giao dịch online, cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.


Tập 30: Chiêu trò mở tài khoản ngân hàng theo tên, ngày sinh


Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan