Cẩn trọng với thủ đoạn lừa tiền cọc khách sạn
Nắm rõ nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, các đối tượng xấu đã vào vai nhân viên, chủ khách sạn tư vấn trực tuyến giá phòng hợp lý để thu hút khách du lịch đặt cọc phòng, sau đỏ lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc. Cách thức thường thấy là khi có người đặt phòng, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền cọc từ 30% đến 50% thậm chí nhiều hơn vào tài khoản cá nhân. Sau khi nhận tiền cọc, các đối tượng vẫn giữ liên lạc thường xuyên cho đến thời điểm khách du lịch sắp đến thì cắt đứt mọi liên lạc.
“Nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng, chi phí thấp và không phải chờ đợi”, đây là những yếu tố khiến không nhiều người chọn phương thức đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ trực tuyến thay vì đến tận nơi. Ngay khi thấy khách du lịch có nhu cầu thuê, các đối tượng để liên hệ qua tin nhắn để giới thiệu các dịch vụ đi kèm, thủ đoạn này khiến du khách nhầm tưởng đối tượng là chủ khách sạn, villa, homestay. Để tăng thêm sự tin tưởng cho khách du lịch các đối tượng đã chụp ảnh, quay video thậm chí là livestream nơi nghỉ cho khách xem.
Không ít người đã sụp bẫy. Theo như lời chia sẻ của chị P.T.M (nạn nhân) cho biết: “Tôi và các bạn có lên kế hoạch đi du lịch nên đã đăng bài viết lên các hội nhóm du lịch để tìm thuê biệt thự, sau đó có một tài khoản Facebook nam đã tương tác với tôi khá nhiệt tình nên tôi có vào tài khoản của người này để kiểm tra thông tin. Thấy tài khoản đó đăng nhiều bài viết về khách sạn cùng với đó là những bình luận tích cực về việc khen phòng đẹp, giá hợp lý nên tôi nghĩ đó là những người khách cũ của anh ta. Do đó tôi cũng cảm thấy an tâm và tin tưởng hơn, sau đó tôi đã liên lạc với người này để thuê biệt thự và chuyển 3 triệu đồng tiền cọc”.
Một nạn nhân khác cũng mắc bẫy do các đối tượng xấu đã giả mạo website của một villa có thương hiệu nên anh đã không phân biệt được thật giả. Anh N.V.T kể lại: “Qua thông tin tìm phòng trên mạng, tôi đã được bạn bè giới thiệu một căn villa với giá 17 triệu đồng, tôi thấy giá tiền này phù hợp với gia đình của mình nên đã nhắn tin cho chủ bài viết để đặt phòng. Sau khi trao đổi, tôi đã chuyển khoản 50% giá trị tiền thuê phòng cho người này. Sau khi chuyển tiền, tôi đã xin mã code để nhận phòng thì người này nhiều lần đưa ra lý do để không đưa mã code cho tôi, đến lúc gần đi tôi có nhắn lại để xin mã code thì mới phát hiện người này đã chặn tôi”.
Luật sư Đàm Văn Hùng (Công ty Luật TNHH Lập Phương) cho biết: “Các đối tượng xấu thực hiện rất tinh vi và bài bản bằng việc lập ra các trang web, app và mạo danh các chủ đầu tư có uy tín trong xã hội, từ đó tạo niềm tin cho mọi người để thực hiện hành vi này. Mọi người nên nâng cao tinh thần cảnh giác và khi đặt phòng khách sạn hãy lựa chọn những chủ đầu tư uy tín trên thị trường. Khi phát hiện bị lừa đảo hãy chủ động liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền để tố cáo hành vi này và liên hệ với các luật sư, chuyên gia pháp lý để được tư vấn hỗ trợ”.
Các đối tượng lừa đảo thay đổi liên tục các phương thức, thủ đoạn nhằm tạo niềm tin với khách hàng và có không ít người đã tin theo. Nhằm đánh vào tâm lý ham rẻ của người dân, các đối tượng còn tự nhận mình là chủ của các khách sạn lớn, do khách hàng quá đông trong khi nhân viên tư vấn đang rất bận nên trực tiếp tư vấn và sẵng sàng giảm giá đến 50% kèm theo đó là các ưu đãi hấp dẫn nếu đặt phòng sớm. Ông Bùi Thanh Tú (Giám đốc Maketing Công ty Du lịch Betsprice) cho biết đã nhận được nhiều thông tin các đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty như mạo danh nhân viên của công ty để bán các tour du lịch với giá rất thấp.
Người dân không nên giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin, địa chỉ, nên liên lạc cho các trang mạng có dấu tích xanh, có uy tín và biết rõ thông tin người bán. Kiểm tra kĩ thông tin về khách sạn, tra cứu số điện thoại trên hệ thống và gọi xác minh. Cảnh giác các quảng cáo, giảm giá phòng bất thường, nhất là các lời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn 30% đến 50% so với giá chung trên thị trường.
Clip Cẩn trọng với thủ đoạn lừa tiền cọc khách sạn:
Nguy cơ đột quỵ do chạy bộ quá sức
Chạy bộ là phương pháp được nhiều người lựa chọn để rèn luyện sức khỏe bởi đây là bài tập đơn giản để tăng sức bền, giữ gìn vóc dáng. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chạy bộ không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác hại thậm chí dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Chạy bộ quá sức sẽ dẫn đến sự thay đổi của các cơ quan trong cơ thể, không kiểm soát tốt sẽ khiến nhịp tim huyết áp tăng nhanh, xuất hiện các cơn thiếu máu lên não, cơn đột quỵ nguy hiểm có thể xảy ra sau vài phút. Ngoài ra còn có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác kèm hậu quả kéo dài.
Mới đây Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã điều trị thành công cho bệnh nhân T.Q.T, 31 tuổi ngụ tỉnh Bình Thuận bị hội chứng ly giải cơ vân phải lọc thận cấp do vận động mạnh sau khi tham gia một giải chạy bộ. Trước đó nhiều người tham gia chạy bộ cũng xảy ra tình trạng tương tự, mặc dù chạy bộ giúp cơ thể dẻo dai, săn chắc tăng sức đề kháng và sảng khoái tinh thần, song nếu vận động quá sức có thể để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách.
Chị N.T.D chia sẻ: “Lúc trước tôi rất là tự ti về vóc dáng của mình nên tôi muốn chạy bộ để có thể là giảm cân nhanh chóng. Tôi đã chạy bộ liên tục dù rất mệt mỏi nhưng tôi vẫn gắng sức để chạy. Có một lần đang chạy thì tôi cảm thấy hoa mắt chóng mặt, xây xẩm và sau đó thì ngất đi, do là tôi được cấp cứu kịp thời và bác sĩ bảo là tôi xỉu là do là tôi chạy bộ quá sức”.
BS Võ Tân Được (Khoa Nội tim mạch – Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.HCM) cho biết: “Cơ thể con người là chuỗi thống nhất nên việc vận hành mỗi hoạt động trong cơ thể đều cần huy động các cơ quan trong cơ thể. Trong đó, chạy bộ sẽ tác động đến rất là nhiều cơ quan. Trong trường hợp chúng ta hoạt động quá mức, quá sức khả năng chịu đựng của cơ thể thì toàn bộ các hệ thống cơ quan sẽ bị quá tải dẫn đến các hoạt động không còn bình thường được nữa, đơn cử nếu nhịp tim quá nhanh có thể gây đột tử hoặc bị đau nhức mỏi cơ, kéo dài sẽ rách cơ, chấn thương, thậm chí đột quỵ”.
Trong những điều giúp cơ thể chúng ta duy trì tình trạng sức khỏe khỏe mạnh thì chạy bộ rất tốt. Tuy nhiên trước khi quyết định hoạt động thể lực thì chúng ta cần khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra các hệ thống cơ quan trong cơ thể, có mắc các yếu tố nguy cơ của các bệnh lý về tim mạch, xương khớp gì hay không để chúng ta điều chỉnh trước khi có kế hoạch hoạt động thể lực. Đặc biệt trong vấn đề chạy bộ chúng ta cần phải kiểm tra về sức khỏe tim mạch, sức khỏe hô hấp, kiểm tra về thần kinh cơ xương khớp.
Khi chạy bộ cần phải có kế hoạch từng bước, từ quá trình chạy bộ ngắn cho đến quá trình chạy bộ dài và khoảng thời gian chạy bộ ngắn cho đến khoảng thời gian chạy bộ dài để giúp cho chúng ta thích nghi một cách hợp lý. Tình trạng hoạt động quá mức hoặc cường độ cao trong thời gian dài cần nghỉ ngơi hợp lý, xả stress. Chạy bộ cần phải có các trang phục rộng rãi thoáng mát, tránh tình trạng quá bó có thể gây khó thở hoặc cử động khó khăn và chúng ta phải lựa chọn những đôi giày hợp lý để khi chúng ta chạy bộ, lực phản hồi từ sàn chạy lên chân của chúng ta tới các khớp được tương đối tốt nếu không có thể gây ra tình trạng bị đau khớp nhưng phổi khớp gối hoặc là khớp cổ chân”.
Chạy bộ thường xuyên rất tốt cho sức khỏe nhưng phải lưu ý là chạy đúng cách, an toàn. Ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình luyện tập mỗi người cũng cần lắng nghe cơ thể nhận biết các dấu hiệu bất thường để có sự can thiệp kịp thời.