Talkshow Chuyện Cuối Tuần, chủ đề “Bóng đá & Sân khấu” sẽ ra mắt khán giả vào lúc 21:35 thứ bảy ngày 23/2 trên kênh VTV9. Khách mời đặc biệt tham sự Chuyện Cuối Tuần là ca sĩ Tuấn Hiệp.
Sự giống nhau đến “lạ lùng” của sân khấu và bóng đá
Tuấn Hiệp là ca sĩ được nhiều người yêu nhạc và giới chuyên môn đánh giá cao về năng lực khi theo đuổi dòng nhạc xưa – dòng nhạc mà chỉ những người từng trải mới có đủ cảm xúc để chuyển tải vào ca từ của một bài hát.
Anh là giọng hát đơn ca chính và là solist chính trong tốp ca nam khi anh về công tác tại Nhà hát Quân đội. Anh từng tham gia solo nhiều chương trình nghệ thuật lớn và đoạt giải Nhì cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội năm 2002. Đặc biệt, anh gây được chú ý khi lần đầu xuất hiện trong album nhạc trữ tình “Mắt biếc” chung với Tùng Dương và Lệ Quyên và album đầu tiên của chính mình “Bơ vơ”. Nhiều năm qua, anh luôn gắn bó với dòng nhạc trữ tình, ra mắt nhiều album như: “Tuấn Hiệp và những tình khúc Đoàn Chuẩn – Từ Linh”; “Nếu một ngày”; “Còn yêu em mãi” hát nhạc của các tác giả: Đoàn Chuẩn, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương… Mới đây, album thứ 6 của Tuấn Hiệp “Hà Nội run run heo may” tạo được một dấu ấn riêng đối với các tác phẩm âm nhạc của Phú Quang, mang lại sự thành công trên con đường sự nghiệp của anh.
Điều thú vị ở chàng ca sĩ Tuấn Hiệp không dừng lại ở đó, anh chia sẻ rằng ngoài sân khấu thì niềm đam mê bóng đá là số 1. Tuấn Hiệp hào hứng, nhiệt tình khi tham gia vào Câu lạc bộ Bóng đá Ngôi Sao Việt Nam (Ngôi Sao FC) – nơi anh em nghệ sĩ có dịp giao lưu niềm đam mê trái bóng với nhau.
Trong Chuyện Cuối Tuần, chủ đề “Bóng đá & Sân khấu”, giao lưu với ca sĩ Tuấn Hiệp, Lê Hoàng đặt vấn đề “khán giả ngày nay xem bóng đá như một màn trình diễn, sân vận động giống như sân khấu”.
Ca sĩ Tuấn Hiệp thổ lộ đồng tình với nhận định trên, cho biết bóng đá hiện tại đã gần với giải trí: “Khi lưu diễn ở nước ngoài, tôi được xem những trận đấu đỉnh cao. Khán giả xem cầu thủ khởi động, có những tình huống trong bóng đá tạo sự phấn khích cho người xem, thậm chí những thứ xung quanh ngoài bóng đá cũng được ống kính phóng viên lưu lại tạo cảm xúc vui sướng, buồn vui cho khán giả”.
Lê Hoàng viết kịch và học ở bóng đá tính ngẫu hứng, quy luật nhưng luôn có sự sáng tạo, mới mẻ, hấp dẫn. “Một vở kịch hay có hai luồng tư tưởng, hai nhận thức, hai tính cách. Bóng đá cũng có sự va chạm như vậy. Điều thứ hai, bóng đá hay kịch phải bất ngờ. Một trận đấu nếu đối thủ yếu thì trận cầu sẽ thành dở. Một tác phẩm mà địch yếu, ta mạnh sẽ thiếu sự cân bằng. Thứ ba, bóng đá có thắng, thua, ghi bàn hay không thì kịch cũng như vậy, khán giả không thể ra về và không biết kết cục của tác phẩm.
Tuấn Hiệp cho rằng một kịch bản, trận đấu hay phụ thuộc vào người biên kịch, đạo diễn và huấn luyện viên. “Ở nước ngoài, khi một đội bóng trụ hạng thành công thì tất cả các cổ động viên tràn xuống sân cỏ ăn mừng. Nếu giải chiến thắng ở Ngoại hạng thì đẳng cấp khác hẳn với giải hạng nhất thành ra phút cuối cùng cả đội đều khóc hết. Trình độ, chuyên môn của bóng đá nước ngoài và Việt Nam khác nhau, chúng ta đang ở vùng trũng so với bóng đá thế giới nhưng cảm xúc mà bóng đá Việt Nam mang lại cho mỗi người xem rất lớn, bởi ai cũng xem bằng trái tim, tự hào dân tộc”, anh thổ lộ.
Sự khác nhau khi xem bóng đá nước ngoài và bóng đá Việt Nam
Lê Hoàng kể lại một kỷ niệm bóng đá anh nhớ mãi, chứng minh việc khán giả xem bóng đá bằng niềm tự hào dân tộc. Lê Hoàng kể trận cầu AFF Cup năm 2014, Việt Nam gặp đội tuyển Malaysia, lượt đi thắng 2 – 1 nhưng lượt về lại thua 4 – 2. Lần ấy, anh làm bình luận viên cùng với biên tập viên Long Vũ. Những phút cuối trận, anh ngồi nhìn màn hình, phải bình luận thì lại không biết nói gì, vì quá buồn.
“Tôi xem bóng đá nước ngoài, dù ai thắng, thua tôi không sao nhưng nếu bóng đá Việt Nam thắng tôi sướng âm ỉ, thua thì buồn day dứt”, Lê Hoàng khẳng định bóng đá mang đến cảm xúc lạ và thăng hoa bởi tính cộng đồng. Trong một trận đấu Việt Nam gặp đội Iraq, anh vào quán bia xem nhưng khi đội tuyển nước nhà thắng, anh cùng mọi người ôm lấy nhau, hô hào dù tất cả đều xa lạ.
Tuấn Hiệp giải thích cảm xúc với bóng đá của khán giả Việt bùng nổ như bây giờ do bị “kìm nén” nhiều năm. “Bóng đá như một dàn nhạc giao hưởng lớn, bộ dây như một dàn tiền đạo với những kỹ thuật, kết hợp tấn công réo rắc như violon 1 và 2, viola kết nối của Violoncelle. Bộ đồng, bộ kèn như một dàn hậu vệ lúc lên lúc xuống quyết liệt vào bóng rõ ràng, bộ gõ thì như một dàn tiền vệ. Người nhạc trưởng không khác gì người huấn luyện viên. Bước ra sân khấu, thỉnh thoảng cầu thủ cũng bị ảnh hưởng tâm lý giống như ca sĩ, nghệ sĩ, có người chuyên môn giỏi, hát, diễn hay nhưng bước ra sân khấu thấy khán giả đông thì cũng có khi bị áp lực”.
Lê Hoàng chia sẻ anh làm giám khảo gameshow ca nhạc, nhận thấy có “nhiều gương mặt hát hay nhưng lại không thành ngôi sao”. Sau này anh mới hiểu, có người hát hay trong gameshow nhưng bước ra sân khấu lớn lại không thể tỏa sáng. Tuấn Hiệp cho biết: “Cầu thủ bóng đá cũng vậy, khởi động tốt, kĩ thuật ổn nhưng khi vào trận đấu lại bối rối, không biết đá đường nào”.
Những phút cuối Chuyện Cuối Tuần, Lê Hoàng cùng Tuấn Hiệp cùng chỉ ra sự khác nhau của bóng đá xưa và nay. Lê Hoàng khẳng định bóng đá ngày trước những năm 1975, “hiếm có khán giả nữ đẹp và ăn mặc gợi cảm khi xem bóng đá như bây giờ”.
Tuấn Hiệp thì cho rằng truyền thông đã tạo nên sự khác biệt rõ rệt đó. “Đôi khi có những người họ mua vé ra sân để xem vì bạn vì bè chứ không phải vì bóng đá. Rồi Facebook, mạng xã hội có những người đến chụp ảnh “check in” rồi về. Bóng đá thời xưa là bóng đá bằng mồ hôi, nước mắt thực sự còn bây giờ bóng đá cũng là mồ hôi nước mắt nhưng còn đi kèm giải trí, đặt nặng vào vấn đề truyền thông. Truyền thông quá đáng gây ảnh hưởng đến tâm lý cầu thủ, khán giả. Nhận thức của người xem mỗi người mỗi khác nên nếu đặt nặng vào truyền thông thì hình ảnh cầu thủ sẽ bị méo mó đi”, anh nhấn mạnh.
Lê Hoàng – Tuấn Hiệp nhận xét “truyền thông là con dao 2 lưỡi với bóng đá”
Lê Hoàng cho biết bóng đá ngoài sự trình diễn đẹp và ngày nay còn mang sự bất công: “Một cầu thủ đá một quả không vào thì cầu thủ bị công chúng “ném đá” trên mạng xã hội nhưng ngày xưa thì khán giả yêu mến cầu thủ một cách bền vững hơn. Truyền thông làm bóng đá được nhiều người biết đến, nhiều khán giả trẻ, nam, nữ đến rất đông để xem và khác gì các sân khấu giải trí. Còn ngày xưa, tôi đi xem bóng đá, thấy mình lẻ loi bởi đối tượng trung niên là chính”.
Tuy nhiên, Tuấn Hiệp và Lê Hoàng chỉ ra “mặt được” của truyền thông với bóng đá: được cộng đồng quan tâm sẽ mang đến những cái lợi như mạng xã hội làm công chúng tiếp cận bóng đá nhiều hơn, những người không thích bóng đá cũng dần thích bởi “ai nấy cùng đều rầm rộ, bàn luận”. Bóng đá trình diễn bằng sự đối kháng, nếu đối thủ có sự va chạm chơi xấu với cầu thủ nhà, thì sẽ có sự phản ứng mạnh mẽ đến từ cổ động viên. Các cầu thủ khi đam mê, luôn luôn đặt mình vào vị trí nghề nghiệp, để trình diễn bằng tài năng ấn tượng thì chắc chắn sẽ nhận được nhiều phần thưởng, lợi ích tương xứng.
Chuyện Cuối Tuần chủ đề “Bóng đá & Sân khấu” với sự đối thoại thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và ca sĩ Tuấn Hiệp sẽ được phát sóng vào 21:35 thứ bảy 23/2/2019 trên kênh VTV9.
Hình ảnh: Hoàng Khôi