Ngày 22/2, ca khúc Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng bị xóa khỏi YouTube với lý do “bị tranh chấp bản quyền bởi GC”.
16h ngày 23/2, giọng ca gốc Thái Bình tiếp tục bị Robin Wesley, nhà sản xuất âm nhạc người Hà Lan từng hợp tác với Châu Đăng Khoa, tố tự ý sử dụng beat của mình. “Phần giai điệu gốc của bài Có chắc yêu là đây được làm bởi Robin Wesley”, anh đăng trên kênh cá nhân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quan điểm từ phía Wesley, phía Sơn Tùng chưa lên tiếng.
Song, khái niệm đạo nhạc vốn phức tạp hơn nhiều. Lời tố của Robin Wesley rơi vào trường hợp “sử dụng beat trái phép”.
“Làm lại ca khúc là việc phổ biến trong quá trình tạo ra bài hát. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa việc sao chép tốt (hợp pháp, có bản quyền, xin phép) và đạo nhạc bất hợp pháp, không biết xấu hổ”, cây bút Jeff Peretz viết trên Vulture.
Trong một bản nhạc, một số yếu tố để xác định việc đạo nhạc là: hòa âm, nhịp, giai điệu, phép nội suy, sampling, flipping, tái chế phong cách và lời bài hát.
Trong âm nhạc, hòa âm nói chung là quá trình tổng hợp các âm thanh riêng lẻ, hoặc là sự chồng chất của âm thanh, được phân tích bằng thính giác.
Nó chủ yếu thể hiện bằng guitar, keyboard hoặc bộ tổng hợp. Phần giới thiệu piano trong bản nhạc cổ điển Let It Be (1968) của The Beatles đã trở thành nền tảng, cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ khác.
Nhịp điệu thường được xem là tiết tấu, nhịp thúc đẩy bài hát. Đây là yếu tố quan trọng xác định hai ca khúc có giống nhau hay không.
Giai điệu là khái niệm chỉ việc các nốt nhạc được chơi tiếp nối nhau. Khi chúng ta hát ca khúc yêu thích, chúng được gọi là “hát theo giai điệu bài hát”. Trong các yếu tố xác định việc đạo nhạc, Giai điệu và nhịp điệu là điều dễ nhận thấy.
Nhiều bài hát sử dụng cùng tiến trình hợp âm, tương tự với nhau về nhịp. Giai điệu là yếu tố khiến bài hát trở nên đặc biệt. Vì vậy, việc sử dụng trái phép giai điệu bài hát này cho ca khúc khác thường dễ bị chỉ trích, thậm chí bị kiện.
Nếu một người sao chép giai điệu, điều đó gọi là trộm cắp, đạo nhạc. Tuy nhiên, nếu trả tiền bản quyền cho nhạc sĩ gốc, giống với trường hợp Ariana Grande sử dụng giai điệu My Favourite Things của Rodgers và Hammerstein vào 7 Rings, đây gọi là nội suy. Có nghĩa là việc ca sĩ mượn một giai điệu hiện có và sáng tạo lại (được cấp phép) ca khúc hoàn toàn mới là có thể chấp nhận được.
Sampling nói về việc sử dụng một đoạn nhạc sẵn có để tạo ra bài hát mới. Đây là cách dễ nhất để nhận biết đạo nhạc. Tuy nhiên, điều này thường bị nhầm lẫn với phép nội suy.
Flipping là phương pháp được nhiều nhà sản xuất hip hop áp dụng. Flipping nói về việc sử dụng nhiều đoạn nhạc nhỏ khác nhau của các bài hát cũ để tạo ra thứ âm nhạc hoàn toàn mới. Đây là phương pháp quan trọng mà hip hop cống hiến cho nền âm nhạc đại chúng.
Tái chế phong cách là kỹ thuật phổ biến để tạo ra âm nhạc mới. Nếu việc này biến mất, một số phong cách âm nhạc sẽ biến mất vĩnh viễn.
Mark Ronson dựa nhiều vào âm thanh của Motown những năm 1960 để đưa Amy Winehouse thành ngôi sao năm 2006. Với Bruno Mars, anh lấy âm điệu funk đầu những năm 1980 của Minneapolis để làm nên thành công của Uptown Funk (2014).
Tuy nhiên, sao chép phong cách có thể mang lại những vụ kiện tụng không mong muốn. Song, yếu tố này khó xác định hơn vì suy cho cùng phong cách không phải là thứ được cấp bản quyền.
Lời bài hát là yếu tố cuối cùng để xác định bài hát có bị đạo không. Ngoài những cụm từ phổ biến như Oh baby (Này em), In your arms (trong vòng tay bạn), Walked on out the door (bước ra khỏi cửa)… việc sử dụng lại những cụm từ mang đặc trưng ca khúc khác dễ vướng vào kiện tụng.
Girlfriend của Avril Lavigne từng bị kiện bởi câu hát “I want to be your girlfriend”. Lời bài hát được cho là sao chép câu hát “I wanna be your boyfriend” trong bài hát cùng tên của The Rubinoos phát hành năm 1979, chỉ đổi giới tính.
Robin Wesley là chuyên gia bán beat trực tuyến. Từ năm 2013 đến nay, anh cấp khoảng 10.000 giấy phép cho hơn 160 bản nhạc. Nhà sản xuất người Hà Lan bán beat thông qua các trang trực tuyến như BeatStars, Airbit và Soundee…
Nói trên Urban Master Class, Wesley cho biết anh chưa tìm ra người tiên phong cho mô hình kinh doanh beat. Chỉ biết rằng chỉ sau một thời gian ngắn, việc bán beat từ một lĩnh vực kinh doanh không chính thống trở thành thị trường âm nhạc sôi động.
Có hai cách cấp phép beat là Độc quyền và Không độc quyền.
Cấp phép beat không độc quyền được hiểu là “thuê beat”. Với mức giá khoảng 20-300 USD, người mua có thể phát hành chúng trên các nền tảng âm nhạc và kiếm tiền từ nó. Nói cách khác, nhạc sĩ – ca sĩ có thể mua nó từ cửa hàng trực tuyến và sử dụng ngay.
Tuy nhiên, beat không độc quyền có giới hạn về doanh số, lượt phát, lượt xem và cả hạn sử dụng. “Nó có hiệu lực khoảng từ 1-10 năm, tùy vào người bán. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, người mua phải gia hạn”, Robin Wesley giải thích.
Vì là beat cho thuê nên chúng có thể được cấp phép cho vô số nghệ sĩ khác nhau, đi kèm một số điều khoản. Ngay cả “beat không độc quyền” cũng có nhiều mức giá, trường hợp của Robin Wesley là từ 30 USD (bản MP3) đến 200 USD (Không giới hạn).
Với beat độc quyền, người mua hoàn toàn có quyền quyết định đến mọi thứ mua được từ nhà sản xuất. Loại beat này được sử dụng cho đĩa đơn, album, MV… so với beat không độc quyền thường chỉ được sử dụng trong một dự án duy nhất.
Với loại beat độc quyền cũng chia làm hai loại: nhà sản xuất được đứng tên hoặc người mua có hoàn toàn quyền quyết định với bản nhạc. “Trong ngành cấp phép, việc mua bán, sử dụng beat trái phép là sai trái, phi đạo đức và không tuân thủ Luật bản quyền”, Robin Wesley nói trên Urban Master Class.
Quy trình bán beat cơ bản trải qua các bước: Sáng tạo beat, Đăng tải trên các nền tảng mua bán, Quảng bá sản phẩm, Beat được người mua tìm đến và cuối cùng là Nghệ sĩ trả tiền để mua beat.
“Năm 2012, tôi nhờ một người bạn thiết kế giúp trang web bán hàng, nghĩ lại thật kinh khủng”, Robin Wesley hồi tưởng về những ngày đầu bán beat.
Nhà sản xuất người Hà Lan cho biết không một ai truy cập vào trang web. Anh cũng không biết làm thế nào để có được lượng truy cập nhất định. Cuối cùng, Wesley phải nhờ đến bên thứ ba, tải beat lên các nền tảng như YouTube, Soundcloud, SoundClick…
“Tôi thậm chí tìm đến nghệ sĩ nổi tiếng và nhắn tin cho từng người. Lúc đó, tôi rất nản lòng. Tôi cũng mua quảng cáo để được nhiều người biết đến. Nghĩ lại thật xấu hổ”, Wesley kể lại.
“Ngày 23/11/2013, tôi dậy trễ và bị muộn làm. Đêm qua tôi thức suốt đêm để sáng tạo beat. Tôi bỗng nhìn vào điện thoại và thấy có người vừa mua beat của mình với giá 30 USD. Không thể tin được”, nhà sản xuất âm nhạc nói, gọi đây là trải nghiệm tuyệt vời.
|
Hành trình trở thành chuyên gia bán beat của Robin Wesley không hề dễ dàng. |
“Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất cuộc đời tôi. Khoảnh khắc có được 30 USD từ việc bán bản quyền beat đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Tuy nghe sáo rỗng nhưng đó là sự thật”, Wesley kể.
Năm 2013, Robin Wesley chỉ kiếm được 500 USD từ việc bán beat. Sau khoảng 8 năm, anh tự tin kiếm được vài trăm nghìn USD/năm. Bán beat từ công việc cá nhân dần trở thành mô hình kinh doanh có hiệu quả. Đến hiện tại, nhà sản xuất âm nhạc người Hà Lan cho rằng thành công của mình được tạo nên từ quá trình làm việc chăm chỉ, kiên trì và liên tục sáng tạo.
Để trở thành nhà sản xuất kiếm được lương 6 con số/năm trong vòng vài năm ngắn ngủi, Wesley cho rằng điều cần thiết là phải đảm bảo đó là beat đáng tiền.
Theo Zing.vn