logo
Chủ nhật, 12/05/2024 04:24:17

Kiều bào vượt hàng nghìn hải lý đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1


Gần 70 kiều bào từ 24 quốc gia đã có những ngày lênh đênh đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Tại đây, họ được chứng kiến tận mắt cuộc sống của những người lính ngày đêm bám biển.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 1

Người lính Trường Sa qua nét vẽ của chàng kiều bào

Biển Đông những ngày cuối tháng 4, từng áng mây trắng xóa lăn nhẹ trên mặt biển tĩnh lặng. Giữa khung cảnh bao la ấy, một con tàu Việt Nam rẽ sóng, xuất phát từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) – tàu KN 491. Đó là chuyến đi của gần 70 kiều bào từ 24 quốc gia trên thế giới đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1/18 Phúc Tần. Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 2

Cao Sơn Tùng (1991) là một trong số kiều bào tham dự chuyến hải trình này. Anh sống và làm việc ở Singapore 8 năm nay. Anh biết đến chuyến đi từ dịp Tết Nguyên đán, và cho đến trước ngày khởi hành hai tuần, Tùng quyết định lên đường. Đối với Tùng và nhiều kiều bào khác, việc dành ra hơn chục ngày lênh đênh trên biển không phải là lựa chọn đơn giản nhưng anh tin rằng, đây sẽ là những tháng ngày không thể nào quên trong cuộc đời mình.

Gác lại công việc dang dở ở một trong những đất nước đáng sống nhất trên thế giới, Cao Sơn Tùng mang những món quà của kiều bào Singapore gửi gắm và không quên mang theo cuốn sổ nhỏ để ghi chép lại những điều anh sẽ trải qua trong chuyến đi có một không hai này.

Vài tiếng ít ỏi được lên thăm các đảo, Tùng luôn tận dụng thời gian để vẽ phác họa những chân dung người lính mình gặp. Đó là chiến sĩ Phạm Đình Diệu (quê Quảng Ngãi, vừa tròn 20 tuổi) đang đứng canh gác tại cột mốc đảo Sinh Tồn, hay chiến sĩ Phạm Tuấn Hải (quê Thanh Hóa) với vẻ hồi hộp khi lần đầu tiên được người khác vẽ chân dung…

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 6

“Tôi đã vẽ rất nhiều người, mỗi gương mặt lại có biểu cảm riêng, và những người lính lại càng luôn có thứ thần thái không lẫn đi đâu được. Nhất là những người lính tại đây, khi hình ảnh của họ đứng bên bầu trời và mặt biển… Lúc cầm bút lên vẽ, quả thực tôi rất xúc động và tự hào”, lật giở những bức tranh của mình, Tùng chia sẻ.

Với Tùng, xa quê hương đã lâu, những gì anh biết về Trường Sa là nơi đầu sóng ngọn gió, nơi các chiến sĩ trên đảo còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và luôn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập. Anh đến với Trường Sa bởi có lẽ đây sẽ là cơ hội duy nhất trong cuộc đời anh có được.

Với các chiến sĩ Diệu, Hải – những chàng trai vừa rời ghế nhà trường đã lên đường nhập ngũ – sẽ là một năm với nhiều thử thách, bao chông gai đang chờ đón.

Dù với bất cứ lý do gì đi nữa, nhưng đối với những chàng trai 9X đó, khi đã có cơ duyên được đặt chân lên mảnh đất này, được vẽ cho nhau xem, được kể cho nhau nghe câu chuyện, những trải nghiệm đầu đời, thì niềm vui đã tràn ngập gương mặt.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 7

Lễ tưởng niệm xúc động giữa biển

Không chỉ ấn tượng với những khuôn mặt chiến sĩ sạm đi vì nắng vì gió mà Tùng còn ngỡ ngàng với phong cảnh biển đảo. Là người xa xứ, anh đã đi nhiều nơi, nhìn những chân trời khác lạ. Biển khơi với anh cũng không phải quá xa vời, miền đất nơi anh đang sống cũng là đảo quốc. Nhưng với Tùng, ngay tại đây, ngay lúc này, mảnh đảo nhỏ bé của quê hương lại lớn lao chẳng kém gì hòn đảo giàu sang số một Đông Nam Á.

Thời gian lưu lại trên mỗi đảo chẳng đủ nhiều để anh có thể ghi lại được hết những gì mình nhìn thấy, anh đành chụp vội vài ba bức ảnh bằng điện thoại. Buổi tối ngày hôm ấy, trên chiếc giường tầng không đủ cao để ngồi thẳng lưng, chàng trai cặm cụi ngồi phác họa lại những đảo chìm, đảo nổi bằng những nét vẽ trân trọng.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 8

Buổi sáng đoàn công tác đến thăm đảo Cô Lin, nơi chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử Tùng được những người anh người chị đi trước kể lại. Tùng nhìn ra biển, trong mắt anh một màu xanh ngắt dài vợi. Biển những lúc hiền hòa vẫn thường như thế. Nhưng những khi giông tố kéo đến, đôi khi là màu máu đỏ đã hòa cùng biển. Đó là những ngày tháng của ba mươi năm trước, là những quá khứ mà không phải ai cũng nhớ, đặc biệt là thế hệ 9x về sau này như Tùng.

“Cuộc chiến đấu rạng sáng ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Điều đó đủ nói lên sự tàn khốc của chiến tranh và đau thương, mất mát to lớn mà chúng ta phải gánh chịu. Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Máu của các anh đã hòa cùng biển sâu, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Chính sự hy sinh của các anh đã đem lại niềm hạnh phúc cho dân tộc, “Làm cho đất nước ta được nở hoa độc lập, kết trái tự do”, “Các anh chết cho Tổ quốc sống mãi”!.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 9
Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 10

Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa được đoàn công tác tổ chức ngay trên con tàu KN 491. Con tàu neo đậu gần đảo Cô Lin, nơi Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm…

Từ phía đảo Cô Lin nhìn sang Gạc Ma, không thể quên được hình ảnh anh hùng liệt sĩ Thiếu uý Trần Văn Phương – Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 15

Từng lời diễn văn âm vang lên giữa tiếng gió trời lồng lộng. Đâu đó phía dưới nhiều người không kìm được cảm xúc, bật khóc nức nở. Máu đã đổ từ 30 năm trước, và cho đến 30 năm sau, nước mắt vẫn tuôn rơi nơi những người ở lại. Tùng đón lấy một nhành hoa cúc vàng. Bức tranh lột tả hết cảm xúc mỗi người lúc này, có lẽ anh không vẽ được.

Sau phút tưởng niệm, dòng người lặng lẽ thắp những nén hương thành kính lên các anh hùng liệt sĩ, những bông hoa cúc vàng mỏng manh trong gió, những cánh hạc giấy được các kiều bào gấp bắng cả lòng biết ơn, sự tự hào được thả về biển cả mênh mông.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 20

Tình cảm xóa nhòa khoảng cách

Bắt đầu từ năm 2012, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đưa kiều bào ra thăm Trường Sa với số lượng ban đầu chỉ khoảng 20-40 người. Theo ông Lương Thanh Nghị – Phó Chủ nhiệm Ủy ban – thì những năm gần đây, con số dần tăng lên thành 60-70 đại biểu.

Chuyến thăm thứ 7 của đoàn kiều bào tới Trường Sa trong tháng 4 này đã trao tặng phẩm với tổng giá trị một tỷ đồng và 600 triệu tiền mặt cho các chiến sĩ, nhân dân trên 5 đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/18. Đoàn kiều bào tại Hàn Quốc tặng máy phát điện mặt trời tại một số đảo và nhà giàn, trong khi đoàn từ Singapore gửi tặng các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây 10 máy tập thể dục đa năng. “Trên đảo, đặc biệt là đảo chìm không có nhiều không gian để các chiến sĩ tập luyện mà thể lực là điều rất cần thiết, vì thế bọn mình đã quyết định tặng máy tập cho các chiến sĩ”, Tùng chia sẻ.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 21

Không chỉ có lớp thanh niên như Cao Sơn Tùng, trong chuyến đi còn có những kiều bào lớn tuổi hơn, với muôn vàn những hoàn cảnh khác nhau. Chị Nguyễn Ngọc Linh, người phụ nữ Ấn Độ mang trong mình chỉ 1/6 dòng máu Việt, đã bỏ qua mọi lời thuyết phục ở nhà của chồng để có mặt trên chuyến tàu KN 491. Trước khi đặt chân đến Trường Sa, chị chỉ kịp biết vài thông tin ngắn ngủi về nơi sẽ đến qua Internet. Và chị biết là mình đã quyết định đúng: “Nhất định về nhà tôi sẽ kể cho chồng, con nghe về mảnh đất này”.

Trong đoàn còn có những thành viên cao tuổi như bác Bùi Công Tuyến, năm nay đã 78 tuổi, là người cao tuổi nhất trong đoàn công tác. Sinh ra và lớn lên ở Lào, đây là lần đầu tiên bác được đến với biển. Dù sức khỏe không được tốt nhưng bác đều cố gắng có mặt trên gần hết các đảo. Đôi chân nhiều lúc do không quen với việc đi dép rọ, xước xát, chảy máu, bác đã được y bác sĩ tại trạm xá trên đảo Sơn Ca chăm sóc.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 26

“Tụi con vẫn sống bình thường cô ơi”, bà Phong Lan (kiều bào Ukraina) không kìm nổi những giọt nước mắt khi nghe thấy các chiến sĩ trên đảo Đá Nam kể về cuộc sống của mình. Những bài hát về Trường Sa bà vốn được nghe đi nghe lại nhiều lần nhưng ngày hôm đó khi bài hát cất lên trong căn phòng nhỏ hẹp bằng giọng hát của những người lính trẻ, cảm xúc trong người phụ nữ này bỗng nhiên dâng trào. “Có cảm giác như đang ở cạnh những đứa con ruột thịt của mình vậy”, bà Lan tâm sự.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 27

Những chuyến thăm hỏi ngắn ngủi, mỗi người chỉ kịp chào hỏi đôi ba câu, chỉ kịp nắm tay, trao cho nhau cái ôm thật chặt và lời hẹn hò ngày tái ngộ trên đất liền. Cao Sơn Tùng khép lại cuốn sổ ghi chép của mình, bên trong là những bức tranh về Trường Sa anh đã thực hiện. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, và chúng không chỉ nằm vô tri vậy trên giấy.

Những bức vẽ dần hoàn thiện trong tâm trí anh về một Trường Sa và nhà giàn DK1 ngày càng rõ nét, chân thực hơn so với những gì anh biết trước ngày lên tàu.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 34

Con tàu lại rời đảo và hướng về phía Tây, để lại phía sau những ánh mắt thân thương của những người lính trẻ. Phía đó là những con người mà họ chỉ vừa mới quen, những người mà chỉ vài ngày tới cũng rời Việt Nam, với khoảng cách còn lớn hơn cả khoảng từ đất liền ra đến Trường Sa.

Những người lính nơi biển đảo và những người con xa xứ hóa ra lại rất gần nhau – trong trái tim của họ đều có chung một nơi chốn thân yêu.

Việt Nam – hai tiếng thân thương sẽ còn vang lên ở bất cứ nơi nào người Việt đặt chân tới trên mọi ngõ ngách của địa cầu. Nhưng ở Trường Sa, nơi biển và trời ngăn cách nhau bằng một đường chân mây tít tắp, tiếng gọi ấy không chỉ được cất lên, mà sẽ được gìn giữ bằng mồ hôi và cả máu của những người lính hải quân mang màu cờ đỏ.

Kieu bao vuot hang nghin hai ly den tham Truong Sa va Nha gian DK1 hinh anh 35


Từ Khóa:

Tin Liên Quan