Theo Variety, làng giải trí châu Á những năm gần đây chứng kiến liên tiếp scandal về lối sống, hành xử của những ngôi sao thần tượng. “Cú ngã ngựa” của các idol tên tuổi trong ngành giải trí, gần đây nhất là Seungri (cựu thành viên Big Bang) hay Ngô Diệc Phàm cho thấy sự lệch lạc, tha hóa của một bộ phận nghệ sĩ thời đại mới.
Hàng loạt ngôi sao vướng vòng lao lý
Chiều 12/8, Hankyung đưa tin Tòa án quân sự của Bộ chỉ huy Tác chiến Mặt đất tại Yongin, Gyeonggi tuyên án Seungri 3 năm tù và nộp phạt 1,1 tỷ won (khoảng 946.000 USD) với 9 tội danh.
9 tội danh của cựu thành viên Big Bang bao gồm: vi phạm đạo luật về trường hợp đặc biệt liên quan đến mại dâm, môi giới mại dâm, bạo lực tình dục, cờ bạc, vi phạm đạo luật giao dịch ngoại hối, vi phạm đạo luật về vệ sinh thực phẩm, tham ô, vi phạm quy định về hình phạt tăng nặng với tội phạm kinh tế cụ thể và hành hung đặc biệt.
Theo SBS News, nam ca sĩ sinh năm 1990 bị bắt giữ tại chỗ và áp giải đến một trại tạm giam thuộc Quân đoàn Cảnh sát Quân sự Sư đoàn 55. Nam thần tượng có quyền kháng cáo trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận phán quyết cuối cùng của tòa án.
Seungri bị kết án 3 năm tù và nộp phạt 1,1 tỷ won (khoảng 946.000 USD) với 9 tội danh.
Trước đó, vào tháng 7, công tố viên yêu cầu bản án 5 năm tù giam và nộp phạt 20 triệu won (khoảng 17.000 USD) cho Seungri. Tại phiên điều trần, công tố viên khẳng định nam ca sĩ “không tỏ ra hối hận và luôn đổ lỗi cho người khác dù đã hưởng lợi không ít từ tội ác của mình”.
Hơn 2 năm kể từ ngày mọi tội ác bị phanh phui, mảnh ghép cuối cùng liên quan đến “nhóm chat tình dục” gây chấn động Hàn Quốc một thời đã phải trả giá. Tháng 9/2020, Jung Joon Young và Choi Jong Hoon – những kẻ cầm đầu – lần lượt nhận bản án 5 năm và 2 năm 6 tháng tù giam vì các tội danh tấn công tình dục tập thể, phát tán video nhạy cảm bất hợp pháp.
Không lâu trước bản án của Seungri, khán giả xứ kim chi liên tiếp chứng kiến cảnh thần tượng trẻ hầu tòa.
Jung Il Hoon (trái) và Himchan ngồi tù khi lần lượt vướng bê bối sử dụng cần sa và tấn công tình dục.
Ngày 10/6, Yonhap News đưa tin Jung Il Hoon bị kết án 2 năm tù giam vì sử dụng cần sa – chất bị cấm tại Hàn Quốc. Theo kết quả điều tra, cựu thành viên nhóm BtoB đã mua và sử dụng cần sa 161 lần từ tháng 7/2016 đến tháng 1/2019. Tổng số tiền giao dịch cần sa trị giá 119.000 USD.
Tòa án quận trung tâm Seoul cũng phạt Jung Il Hoon 119.000 USD vì vi phạm Đạo luật kiểm soát ma túy, đồng thời ra lệnh bắt giam nam rapper ngay lập tức.
Ngày 13/6, Himchan bị kết án 10 tháng tù giam, phải hoàn thành 40 giờ học về bạo lực tình dục. Giọng ca nhóm B.A.P vướng cáo buộc tấn công một cô gái khoảng 20 tuổi ở khách sạn Namyang, tỉnh Gyeonggi vào năm 2018. Trong thời gian xét xử tội danh tấn công tình dục, Himchan còn vướng bê bối say rượu lái xe và gây tai nạn giao thông.
Trong khi đó ở làng giải trí Hoa ngữ, Ngô Diệc Phàm (Kris Wu) bị cảnh sát quận Triều Dương (Trung Quốc) bắt giam để điều tra 8 cáo buộc: hiếp dâm trẻ vị thành niên, cưỡng dâm tập thể, mua bán và hối lộ tình dục, sử dụng ma túy, quay trộm video đồi bại, môi giới mại dâm, lừa đảo các cô gái trẻ.
Scandal tình dục của Ngô Diệc Phàm có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Vì tính chất phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội của vụ án, diễn biến điều tra bê bối liên quan đến ngôi sao Hóa ra anh vẫn ở đây thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Trên QQ, luật sư Triệu Tuấn nhận định nếu Ngô Diệc Phàm phạm pháp, anh sẽ chịu sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật, khả năng cao nhất là bị trục xuất khỏi Trung Quốc.
Tháng 3/2020, nam ca sĩ trẻ Hoàng Trí Bác bị cảnh sát bắt giữ với tội danh lừa đảo tiền qua mạng, buôn bán khẩu trang, vi phạm luật cấm của chính quyền Trung Quốc. Hành vi của Hoàng Trí Bác trong lúc dịch bệnh Covid-19 tại xứ tỷ dân diễn biến phức tạp khiến công chúng phẫn nộ. Theo phán quyết của tòa án, nam nghệ sĩ sinh năm 1998 bị phạt 3 năm 3 tháng tù giam và 1.400 USD.
Thần tượng trẻ vướng vòng lao lý cũng không phải ngoại lệ với giới giải trí Nhật Bản. Tháng 3, Sankei Shimbun đưa tin Juna Yamada – cựu thành viên nhóm SKE48 – bị bắt giữ với tội danh lừa đảo qua mạng liên quan đến đầu tư tài chính. Theo kết quả điều tra, hơn 100 người là nạn nhân của nữ ca sĩ sinh năm 1998 cùng 3 đồng phạm, tổng số tiền lừa đảo rơi vào 58 triệu yên (khoảng 530.000 USD).
“Đạo đức phải đi trước nghệ thuật”
New York Times nhận định Seungri, Kris Wu và những cái tên từng “nhúng chàm” đại diện cho sự lệch lạc, tha hóa của một bộ phận nghệ sĩ thời đại mới.
Trong quá khứ, khi mức độ nổi tiếng phụ thuộc chặt chẽ vào tài năng và phẩm cách nghệ sĩ, khán giả khó tìm thấy một cái tên có vết nhơ. Và lúc bấy giờ, vướng vòng lao lý, tù tội là điều không tưởng.
Thập niên 1970-1990 của thế kỷ trước, Trung Quốc xưng vương với những ngôi sao nổi tiếng như Đặng Lệ Quân, Trương Quốc Vinh sau đó là Tứ đại thiên vương, Châu Kiệt Luân, Thái Y Lâm, Twins hay Vương Lực Hoành. Âm nhạc Hàn Quốc thời điểm này lại ghi dấu ấn với nhiều nhóm nhạc thần tượng như Seo Taiji and Boys, Turbo, H.O.T hay S.E.S, Fin.K.L, còn Nhật Bản là sự bùng nổ của Deen, Keiko Utoku, Yuki Uchida, Hikaru Utada…
Juna Yamada bị bắt giữ với tội danh lừa đảo qua mạng.
Tuy nhiên hiện tại, khi giá trị thương mại và lượng người hâm mộ trở thành thước đo mức độ nổi tiếng, tài năng hay phẩm cách bị người của công chúng bỏ quên. Hệ quả là quyền lực ngôi sao “bành trướng” kéo theo sự xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống. Mác “ngôi sao”, “người nổi tiếng” trở nên xấu xí trong mắt công chúng.
Theo CNN, Seungri hay Kris Wu là những ví dụ tiêu biểu sẵn sàng giẫm đạp lên các quy chuẩn xã hội để chạy theo mê lực của đồng tiền và những thú vui. “Những hình tượng tiêu cực này gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường nghệ thuật nói riêng và xã hội nói chung. Chúng ta cần loại bỏ triệt để”, trang báo viết.
Theo Variety, chính phủ Hàn Quốc, Trung Quốc bắt đầu mạnh tay trong việc xử lý những đơn vị, cá nhân có hành vi đi ngược chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Trong đó, Tân Hoa Xã cho biết giới chức xứ tỷ dân hiện xây dựng chiến lược chuẩn mực đạo đức xã hội, nhấn mạnh tư tưởng tích hợp luật pháp và đạo đức, mà người nổi tiếng là những nhân tố đi đầu. Có thể hiểu rằng những người có hành vi sai trái về mặt đạo đức dù không phạm pháp cũng bị trừng phạt nặng.
Sự siết chặt của nhà nước khiến nghệ sĩ buộc phải thay đổi hoặc kiềm chế hành vi trái đạo đức và thuần phong mỹ tục.
“Đạo đức phải đi trước nghệ thuật. Tài năng, quyền lực ra sao, cũng không có ‘đãi ngộ’ hay ‘ngoại lệ’ nào dành cho nghệ sĩ khi họ mắc sai lầm. Khán giả vỡ mộng đến đâu, chúng tôi xử lý triệt để đến đó”, đại diện của Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc tuyên bố trên Tân Hoa Xã.
Chính phủ Hàn Quốc, Trung Quốc bắt đầu mạnh tay trong việc xử lý những đơn vị, cá nhân có hành vi đi ngược chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.
“Học nghệ thuật trước hết là phải học đạo đức. Học làm người trước khi thành sao. Là người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, cần phải nghiêm khắc với bản thân và nêu gương sáng.
Một khi buông thả sẽ gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến diện mạo ngành. Đã phục vụ cho công chúng, người nghệ sĩ cần phải tuân thủ nguyên tắc, theo đuổi cả giá trị đạo đức và giá trị nghệ thuật”, Hiệp hội nghệ sĩ truyền hình Trung Quốc nhấn mạnh với Sina.
Theo Zing.vn