Việc ca sĩ lão làng cover các ca khúc của đàn em là chuyện xảy ra thường xuyên ở Vpop. Nhiều lần, hành động này gây lùm xùm, nhưng dư luận chủ yếu tranh luận xem ai hát hay hơn. Vy Oanh có lẽ là ca sĩ đầu tiên bày tỏ bức xúc từ một góc độ khác.
Trên trang cá nhân, Vy Oanh dùng nhiều từ ngữ khá nặng nề để nói về việc các nghệ sĩ lão làng cover hit của đàn em. Theo cô, hành động này không khác gì “cướp nồi cơm của họ, chặn đường họ đi trong khi công gây dựng biết bao khó khăn cực khổ”.
Chia sẻ của Vy Oanh nhận được sự đồng cảm nhưng cũng có nhiều khán giả tỏ ra không đồng tình. Những ý kiến trái chiều được đưa ra làm dấy lên một cuộc tranh luận.
Đàn chị hát hit của hậu bối là hành động cướp nồi cơm?
Theo ca sĩ Đồng xanh, đây là hành động không sai về luật nhưng thiếu hợp lý về tình và đạo đức nghề nghiệp. Một sản phẩm âm nhạc để ra mắt công chúng đòi hỏi nhiều công sức và tâm huyết, trong khi tuổi thọ của một bài hit rất ngắn ngủi, do đó, việc bài hát vừa phát hành ít năm đã bị nghệ sĩ lão làng sử dụng liên tục là “không thấu tình đạt lý”.
Vy Oanh tỏ ra không hài lòng khi ca khúc của cô nói riêng và nghệ sĩ trẻ nổi riêng bị tiền bối “giành” hát.
“Các anh chị ở trong nghề cũng biết có được một thành quả đâu phải dễ dàng, nhất là sống sao phải để em út nể nữa, vậy khác gì cướp nồi cơm của họ, chặn đường họ đi trong khi công gây dựng biết bao khó khăn cực khổ mới có được chút thành quả”, Vy Oanh viết.
Đứng từ góc độ của Vy Oanh, một số người cho rằng nếu cover cho vui, phát trên mạng xã hội thì không có gì đáng bàn cãi. Trái lại, khi bài hát được sử dụng thường xuyên và trong các đêm nhạc với mục đích kinh doanh thì đây là động thái không đẹp.
“Nhiều bài vừa nổi là biết bao ca sĩ cover, hát lại trên cả mạng và sân khấu, tội ca sĩ làm ra bài hit đó”, một khán giả đồng tình với quan điểm của nữ ca sĩ sinh năm 1985.
Cũng có ý kiến cho rằng các ca sĩ lão làng là người đi trước, đã có tên tuổi thì không nên hát lại ca khúc của đàn em, dùng để sản xuất album hay đặt tên mini show lại càng không nên. Hành động này không khác nào tự đánh mất cái tôi và vô tình biến mình trở thành bản sao của người khác.
“MT (PV: Minh Tuyết) hát sau khi mua lại thì cũng đúng, nhưng lấy làm mini show, album như vậy kì quá, nên lấy cái nào của riêng mình thì hay hơn”, khán giả Ngọc Diệp bày tỏ.
“Đúng là làm vậy không đẹp, tôi thấy Vy Oanh nói đúng mặc dù ca sĩ kia là ca sĩ tôi rất yêu thích. Mong chị không làm vậy nữa, đâu thiếu bài hát mà phải đi hát lại một ca khúc vốn gắn liền với người khác như vậy”, một tài khoản bình luận.
“Suy nghĩ không mang tính xây dựng”
Dù không nhắc đích danh nhưng theo bình luận của khán giả, ca sĩ đàn chị trong bài viết của Vy Oanh được cho là Minh Tuyết. Vừa qua, ca sĩ hải ngoại cũng sử dụng Để cho em khóc đặt tên mini show riêng.
Nhạc sĩ Phúc Trường – người sáng tác bài hát – khẳng định Minh Tuyết không sai bởi phía giọng ca Đồng xanh đã hết hạn bản quyền.
Do đó, chỉ số ít đồng tình với Vy Oanh, trong khi phần đông khán giả đánh giá hành động của Minh Tuyết không đáng bị lên án bởi hiện tại, cô là người nắm giữ bản quyền.
Số đông khán giả đứng về phía Minh Tuyết thay vì Vy Oanh trong vụ việc.
“Chị Vy Oanh nói vậy đâu có được, Minh Tuyết đã mua lại khi hết độc quyền là đã giữ đạo đức nghề nghiệp cũng như pháp lý rồi. Còn việc Minh Tuyết mở mini show hay đi đâu cũng hát thì đó là đương nhiên vì còn thời gian độc quyền, cô ấy mua và hát cho đáng thôi, một phần là đi hát thì khán giả yêu cầu”, khán giả Nguyễn Quang Vinh bình luận.
“Vy Oanh nói là hit của cô ấy thì cũng được, nhưng sau này Minh Tuyết mua thì hát theo cách thành hit của Minh Tuyết. Mỗi người một cách hát khác nhau, sự so sánh là ở khán giả”, Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Một khán giả khác cũng đồng tình khi bình luận trên Zing.vn. Người này viết: “Về lý, rõ ràng thời hạn hợp đồng sử dụng và biểu diễn độc quyền của chị với nhạc sĩ đã kết thúc, việc chị không thỏa thuận để gia hạn thì nhạc sĩ bán bài đó cho tổ chức, cá nhân khác là chuyện bình thường. Và dĩ nhiên, tổ chức, cá nhân sử dụng ca khúc cũng là lẽ dĩ nhiên”.
Tài khoản phân tích thêm: “Về tình, mỗi ca sĩ có một cách thể hiện khác nhau tùy vào khả năng và cách đưa cảm xúc vào tác phẩm. Khán giả của họ cũng có gu cảm thụ khác nhau do đó sẽ có người thấy hay, người thấy chưa hay. Chị không thể đưa lý lẽ của người hát trước, người hát sau, đặc biệt tiền bối với hậu bối ra để bao biện cho việc Minh Tuyết cover lại nổi tiếng hơn, được nhiều người biết đến hơn”.
Khán giả này quả quyết: “Cách nêu dẫn như vậy chẳng khác nào thái độ hờn dỗi, tị nạnh của một đứa trẻ khi thấy bạn giỏi hơn mình và rõ ràng. Đó là một cách suy nghĩ thiển cận, không mang tính xây dựng và thiếu chín chắn”.
Nhạc sĩ lấy gì để sống?
Vy Oanh từ người tố cáo lại đang vấp phải nhiều chỉ trích. Có khán giả cho rằng cô quá nóng tính, thậm chí ích kỷ vì chỉ đứng từ góc độ cá nhân mà chưa nghĩ tới quan điểm của nhạc sĩ.
Vy Oanh thậm chí bị phản ứng ngược khi có những chia sẻ khá gay gắt trên mạng.
Nhiều khán giả đặt câu hỏi rằng nữ ca sĩ không mua tiếp bản quyền cũng không cho phép đồng nghiệp sử dụng, vậy nhạc sĩ sống bằng gì?
“Nói một cách công tâm thì nhạc sĩ sáng tác ra một bài hát chẳng lẽ chỉ để duy nhất một người mua rồi hát thôi, vậy thì tội nghiệp bài hát và tội nghiệp nhạc sĩ quá, phải cho người ta kiếm tiền với chứ”, tài khoản Nguyễn Hoàng Vũ thắc mắc.
“Không lẽ đại sứ thương hiệu ký hợp đồng quảng cáo với nhãn hàng một năm, khi hết hạn là không được ký với bất kỳ ai nữa. Vô lý quá vậy”, tài khoản Nguyễn Hoàng Vũ này chỉ ra vấn đề.
Mới đây, phía Minh Tuyết phản hồi về vụ việc. Đại diện trung tâm hải ngoại khẳng định bài hát đã được đơn vị này trả tiền tác quyền đầy đủ cho nhạc sĩ Phúc Trường. Do đó, việc giọng ca hải ngoại thể hiện là bình thường, đúng luật và được nhạc sĩ đồng ý.
Theo Zing.vn