Được biết đây là triển lãm cá nhân thứ hai của anh, sau cuộc đầu tiên tại Hà Nội năm 2018. Có gì khác giữa hai cuộc triển lãm?
Có khác đấy. Cuộc đầu tiên, như chính tên gọi của triển lãm là Tuổi thơ như thế, tôi tập trung vào chủ đề trẻ em, dàn trải khắp các tỉnh miền núi tôi đi qua. Còn lần này, tôi chọn một vùng đất cụ thể, là Hà Giang.
Vì sao là Hà Giang?
Tôi có nhiều chuyến đi thực tế lên miền núi, cả Đông và Tây Bắc Việt Nam, nhưng Hà Giang là nơi để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm. Nhiều bức ở triển lãm lần này, tôi trực họa trong các chuyến đi đó.
Công chúng sẽ được thưởng lãm gì ở triển lãm Nhìn lại?
Sẽ là khoảng 40 bức tranh chân dung và cảnh sinh hoạt. Sở dĩ có sự đông đúc đa dạng này vì tôi muốn chia sẻ một không gian, một cảm giác về không gian thì đúng hơn, của vùng đất gây nhiều ấn tượng với tôi nhất. Núi rừng Đông Bắc ở cao nguyên trung phần, tôi mong sự gặp gỡ này sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho khán giả.
Tuổi thơ như thế, rồi Nhìn lại, là anh nhìn lại tuổi thơ của mình, hay nhìn lại là dấu hiệu cho ý tưởng mới nào đó?
Cái tên tôi đặt có vẻ dễ đoán nhỉ (cười). Chúng ta thường hay nhìn lại khi muốn kiểm điểm mình, kiểm điểm một giai đoạn nào đó, hoặc đơn giản là cho đỡ nhớ. Tôi nhớ những nơi tôi đi, những người tôi gặp, đặc biệt là bọn trẻ con. Có những đứa trẻ khi tôi vẽ chúng lần đầu, chúng mới chỉ 2-3 tuổi, thế mà lần gặp sau, chúng đã lớn bổng rồi. Thực tế ấy, đôi lúc khiến tôi rơi vào một cảm giác khó tả, gần như mất mát vì bỏ lỡ một giai đoạn của những nhân vật của mình.
Nhìn lại, cũng là để tiếp nối những gì còn dang dở trong Tuổi thơ như thế, và có thể là để kết thúc một giai đoạn. Nhìn lại, để đi tiếp; không phải trên con đường cũ, mà là vỡ ra một con đường mới cho mình, một thử thách cho khả năng và cảm giác của bản thân.
Trẻ con luôn là đề tài được anh ưu ái. Nhưng đó cũng là độ tuổi hiếu động, biểu cảm của chúng thay đổi liên tục, chứ không có cái tĩnh như ở người lớn. Vậy làm thế nào mà anh nắm bắt được cái chất trẻ con, tức cái thần thái của chúng?
Cái khó cũng đồng thời là cái thú vị khi vẽ trẻ con chính là những biểu cảm thay đổi liên tục ấy. Hiếm khi chúng giữ lâu một vẻ mặt, hay một trạng thái. Để vẽ được chúng thì phải hiểu chúng, mà để hiểu chúng thì không có cách nào khác là chơi cùng chúng. Nhưng không phải với tư cách người lớn, mà tự mình phải làm mình bé lại giống chúng. Tôi yêu trẻ con. Tôi luôn thấy mình ở trong chúng. Chúng không khó hiểu như người lớn mà rất trong trẻo, đơn giản, và thật thà. Tôi quan sát chúng, nắm bắt tâm lí của chúng biểu cảm qua ánh mắt, tiếng cười, cử chỉ… Thực ra là tôi cũng muốn nói cho có vẻ phức tạp lên một tí, mà quả thực thì với bọn trẻ con, tôi vẽ như chơi thôi, thong thả và dễ chịu như đang chơi với con tôi vậy.
Một đề tài nữa trong tranh anh cũng rất được đón nhận, đó là mảng phong cảnh. Nhiều người nhận xét chúng gợi nhắc họ về kí ức, về một nơi chốn mà họ đã xa quá lâu rồi. Sự đồng cảm ấy ở khán giả, với anh có là một sự bất ngờ không?
Gọi phong cảnh là không đúng đâu, mà là những lát cắt trong cuộc sống sinh hoạt đời thường ở nông thôn. Tôi cũng chỉ vẽ những gì thân thuộc với tôi như là một khoảnh sân, một góc bếp, một bức tường ám khói với nồi niêu xoong chảo… Kí ức của tôi cũng là kí ức của nhiều người, nhiều thế hệ, thế nên tôi không ngạc nhiên. Nhưng tôi cảm động. Vì nghệ thuật của tôi đã chạm tới khán giả, nó cho thấy rằng đâu đó giữa tác giả và công chúng đã có những mảnh ghép cảm xúc vừa vặn với nhau. Với tôi, đó là điều hạnh phúc của một người làm sáng tạo. Tôi quan niệm, nghệ sĩ cứ là chính mình, sáng tạo bằng tri thức, tư duy và cảm xúc của chính mình thì rồi tác phẩm của mình sẽ đến được với công chúng.
Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị. Chúc triển lãm Nhìn lại gặp gỡ được nhiều đồng điệu. Và mong chờ được gặp gỡ một Bùi Văn Tuất mới trong thời gian sắp tới.