Nghệ thuật sân khấu luôn có sự góp mặt của âm nhạc. Trong một tác phẩm kịch nói, âm nhạc thường được sử dụng ở phần mở màn, kết thúc, nhạc nền, nhạc chen, nhạc chuyển màn, chuyển cảnh…góp phần tạo hình tượng, tăng thêm tính kịch, có thể miêu tả tâm trạng nhân vật hoặc làm nền bổ sung cho tình tiết kịch. Tuy nhiên, việc chọn lựa âm nhạc phù hợp với nội dung vở kịch không hề đơn giản, bởi những ca khúc có sẵn đều mang một nội dung, một câu chuyện và bối cảnh của riêng nó. Trong chương trình Kịch cùng Bolero, điều này lại càng khó khăn hơn khi yêu cầu của chương trình đó là phần lớn ca khúc trong tác phẩm phải là nhạc bolero. Đây cũng là thử thách khó nhằn đối với 2 đạo diễn Thái Kim Tùng và Thùy Dương trong đêm thi thứ 4 của chương trình Kịch cùng Bolero có chủ đề “Giới hạn là bầu trời”, vừa phát sóng vào tối 30/8 trên kênh THVL1.
Đạo diễn Thùy Dương mong muốn các nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc bolero về tình anh em
Tiểu phẩm của đạo diễn Thùy Dương mang tên “Giọt máu đào” nói về 2 anh em mồ côi là Dừa (Tâm Anh) và Thơm (Tâm Thanh). Để có tiền lo cho em gái ăn học, Dừa đi Sài Gòn làm thuê và gửi Thơm lại cho người hàng xóm nghèo nhưng tốt bụng là bà Dịu (Hồng Trang). Hàng tháng, Dừa gửi tiền về để bà Dịu chăm sóc và mua quần áo, sách vở cho Thơm. Song tất cả những điều đó Thơm hoàn toàn không biết bởi Dừa nhờ bà Dịu giấu. Dừa lo sợ nếu biết sự thật, Thơm nhất định sẽ bỏ học đi tìm anh. Chính vì vậy mà cô bé Thơm lớn lên với sự hờn trách dành cho người anh trai đã bỏ rơi mình, không một lời từ biệt. Cô bé được bà Dịu yêu thương, chăm sóc tận tình, khiến cho cậu con ruột của bà là Mạnh (Thanh Trực) luôn đố kỵ và khó chịu. Thơm học rất giỏi và nhận được học bổng du học ở nước ngoài. Đó cũng là lúc Dừa quay về để gặp em gái nhưng lại bị Thơm xua đuổi. Khi Dừa bỏ đi, Thơm phát hiện tờ giấy của bệnh viện trong chiếc giỏ xách mà Dừa để quên. Lúc này, bà Dịu mới cho Thơm biết toàn bộ sự thật câu chuyện. Khi Thơm hiểu ra thì đã quá muộn, Dừa đã mất vì căn bệnh lao phổi.
Nhận xét về tiểu phẩm của đạo diễn Thùy Dương, giám khảo Công Ninh khen cô có sự tiến bộ rõ rệt, thể hiện qua những ca khúc được đưa vào phù hợp hơn so với vòng đầu, chính vì vậy mà câu chuyện lấy được cảm xúc khán giả. Giám khảo Công Ninh khen Thùy Dương đã lựa chọn diễn viên Tâm Thanh vào vai Thơm rất hợp vai. Anh đặc biệt thích chi tiết cuối cùng khi Thùy Dương lật kịch bản, nói về lý do người anh bỏ đi biệt tích, đánh lừa được khán giả. Giám khảo Kim Xuân cũng khen đạo diễn Thùy Dương có được kịch bản tốt, xúc động, song chị góp ý tiếng nói sân khấu của Tâm Thanh còn bị đớt, chưa rõ chữ. NSƯT Thoại Mỹ đánh giá diễn xuất của Tâm Thanh và Hồng Trang làm người xem xúc động và khiến chị rơi nước mắt nhưng Thùy Dương còn ít xử lý sân khấu và đặc biệt là không sử dụng nhạc bolero trong tiểu phẩm. Lý giải về việc này, đạo diễn Thùy Dương cho biết do tâm đắc với đề tài về tình anh em nên cô đầu tư cho kịch bản trước. Đến khi xong kịch bản thì mới phát hiện có rất ít và gần như không có ca khúc bolero về tình anh em. Giữa việc bỏ kịch bản làm lại từ đầu và hy sinh phần nhạc, Thùy Dương đã chọn cách thứ 2, phần vì cô quá thích đề tài của mình, phần vì cô muốn qua đây, các nhạc sĩ sẽ thấy và sáng tác nhiều ca khúc bolero về tình anh em. Các ca khúc mà đạo diễn Thùy Dương sử dụng trong tiểu phẩm là Tình anh em (sáng tác: Lâm Quang Long), Mẹ là cánh cò yêu thương (sáng tác: Minh Đức), Thua một người dưng (sáng tác: Tô Tài Năng). Số điểm mà cô nhận được là 26,5.
Hóa giải được ân oán trong tác phẩm nhưng Thái Kim Tùng nan giải với bolero
Sau ấn tượng của tác phẩm “Tà dương sau đồi lộng gió”, tuần này đạo diễn Thái Kim Tùng có phần lúng túng với chủ đề “Giới hạn là bầu trời”. Anh mang đến tác phẩm “Oán hận tình sâu”, nói về tình cảm cha con. Nội dung câu chuyện bắt đầu từ một vụ tai nạn giao thông ở một vùng quê 20 năm trước, cướp đi sinh mạng của một đôi vợ chồng. Thủ phạm gây ra vụ tai nạn vẫn chưa điều tra ra. Trong khi đó, cô bé Nga con gái nhỏ của đôi vợ chồng vắn số đã được một người đàn ông bí ẩn (Nguyễn Sơn) nhận làm con nuôi. 20 năm sau, Nga (Thiên Trang) trở thành một cô giáo trẻ. Còn cha nuôi của cô – ông Tư – là một thầy thuốc tốt bụng, thường hay chữa bệnh cứu giúp mọi người. Dù có nhiều người phụ nữ yêu thương nhưng ông Tư không lấy vợ mà ở vậy để nuôi dạy Nga nên người. Tình cảm của 2 cha con rất tốt. Bạn trai của Nga là Lượng (Duy Quang) vốn là một cảnh sát, đang điều tra vụ tai nạn trước đây của bố mẹ Nga. Trong ngày đưa Lượng về ra mắt cha, Nga đã được Lượng cho xem bức ảnh phác họa chân dung của thủ phạm. Nga nhận ra đó chính là hình ảnh thời trẻ của ông Tư. Cô đau đớn, vừa thương vừa oán hận người cha nuôi đã yêu thương cô hơn tất cả mọi thứ trên đời. Ông Tư đã quỳ sụp xuống xin lỗi Nga vì 20 năm trước, trong một cơn say không làm chủ được tốc độ, ông đã khiến cô trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong nhất thời, Nga không biết phải đối diện sự thật và với ông Tư như thế nào nên đã bỏ nhà đi. Ông Tư vì quá nhớ con nên trở bệnh. Khi Nga trút bỏ được hết những ân oán trong lòng, cô quay trở về nhà để gặp ông Tư. Sau khi nhận được sự tha thứ của cô con gái nuôi, ông Tư đã trút hơi thở cuối cùng. Với tiểu phẩm này, đạo diễn Thái Kim Tùng muốn thể hiện thông điệp: tình thương có thể hóa giải mọi ân oán. Các ca khúc mà anh sử dụng trong tác phẩm là Túp lều lý tưởng (Sáng tác: Hoàng Thi Thơ), Mồ côi (sáng tác: Lê Quang Khánh), Lời sám hối cho con (sáng tác: Nguyễn Hậu), Công cha nghĩa nặng (sáng tác: Tiến Luân).
Nhận xét về tác phẩm, giám khảo Công Ninh cho biết ông khá băn khoăn vì tác phẩm của Thái Kim Tùng nặng về thoại kịch và thiếu nhạc bolero. Chi tiết ông Tư dễ dàng nhận nuôi cô bé Nga vốn là con gái của 2 nạn nhân trong một vụ tai nạn mà cảnh sát đang điều tra – theo ông chưa hợp lý. Và cái chết của ông Tư mà đạo diễn Thái Kim Tùng xử lý không mang nhiều giá trị bằng việc để nhân vật chịu sự trừng phạt của pháp luật. NSƯT Thoại Mỹ cũng cho rằng các bài hát mà Thái Kim Tùng đưa vào chưa hợp lý nên không dẫn tới cảm xúc cho người xem. Đạo diễn Thái Kim Tùng chia sẻ câu chuyện tuần này của anh khá kịch tính với tốc độ nhanh nên khó tìm được những ca khúc phù hợp để đưa vào những đoạn cao trào. NSƯT Kim Xuân khá ấn tượng về Thái Kim Tùng ở vòng đầu nhưng với tác phẩm tuần này, chị nhận thấy cách dựng còn bị cũ, nhiều diễn viên diễn bị vội. Chị nhận xét nhân vật Nga gào khóc nhiều quá và cái chết có phần đột ngột của người cha hơi khó thuyết phục. Tác phẩm của đạo diễn Thái Kim Tùng nhận được số điểm 26,75.
Tập 4 của chương trình cũng đã khép lại chủ đề “Giới hạn là bầu trời”. Đạo diễn Minh Nhật là người có số điểm cao nhất ở chủ đề này với 29,5 điểm, kế đến là đạo diễn Minh Tuấn 27,75 điểm, đạo diễn Thái Kim Tùng 26,75 điểm và 2 đạo diễn nữ Bảo Châu và Thùy Dương cùng được 26,5 điểm. Số điểm sẽ được cộng dồn với chủ đề tuần tới để quyết định người tiếp theo phải dừng chân.
Chương trình Kịch cùng Bolero 2018 do Đài Truyền hình Vĩnh Long và Công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Bột giặt nhiệt ABA và Binky. Kịch cùng Bolero là sân chơi bổ ích và hiếm hoi dành cho các đạo diễn sân khấu. Không chỉ thể hiện khả năng dàn dựng, cái tôi nghệ thuật, sự sáng tạo, các đạo diễn còn học hỏi được rất nhiều từ chương trình, thông qua những đóng góp của các giám khảo chuyên môn dày dặn kinh nghiệm. Và đặc biệt, những phản hồi của khán giả sẽ là thước đo chính xác cho các đạo diễn trong việc xác định thị trường, thị hiếu khán giả, phong cách và hướng đi cho mình. Chương trình phát sóng định kỳ vào lúc 21h thứ Hai hàng tuần trên kênh THVL1. Dẫn chương trình là Quán quân và Á quân mùa 1: Đạo diễn Ngọc Duyên và đạo diễn Vũ Trần.