Sơn Tùng M-TP liên tục đối mặt với những ồn ào về âm nhạc, đời tư. Trước những tranh cãi trái chiều từ khán giả, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đã có những phân tích, nhận định về những chiến lược và sự im lặng của Sơn Tùng khi đối mặt với khủng hoảng truyền thông.
Lệ thường, quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông cần có các bước: Thu thập thông tin; sau đó tiến hành phân tích, đánh giá, người xử lý khủng hoảng truyền thông phải tự mình tìm hiểu và chất vấn ngược lại người trong cuộc để có thông tin tốt nhất; tiếp đó mới đánh giá và xác định mức độ leo thang của khủng hoảng để lượng giá được khủng hoảng sẽ đi đến đâu, sau cùng mới đưa ra quyết định sẽ xử lý hay im lặng.
Từ trước tới nay, Sơn Tùng M-TP luôn hành động nhất quán, duy trì phương pháp im lặng trong mọi sự việc.
Thực ra, mỗi một cuộc khủng hoảng nhìn bề ngoài có thể giống nhau nhưng bên trong lại hoàn toàn khác biệt.
Tính đến thời điểm này, chúng ta có thể chia những cuộc khủng hoảng truyền thông của Sơn Tùng M-TP theo 3 “sắc thái” chính: Thứ nhất là sự việc có màu sắc đời tư liên quan đến Hải Tú và Thiều Bảo Trâm, thứ hai là những nghi án đạo nhạc trong quá khứ và thứ ba là câu chuyện xử lý truyền thông vụ dùng “chùa” beat mới xảy ra.
Với những vụ việc có nhiều hơn một nhân vật liên quan, đơn cử như lùm xùm xoay quanh Sơn Tùng, Hải Tú và Thiều Bảo Trâm, về mặt nguyên tắc, việc bịt thông tin là rất khó. Trong trường hợp này, “quả bóng” lợi thế không nằm ở phía Sơn Tùng, mà nằm ở phía Thiều Bảo Trâm.
Sơn Tùng im lặng, vì “quả bóng” nằm ở phía Thiều Bảo Trâm. |
Đây là cuộc khủng hoảng truyền thông rất đặc biệt, vì những khủng hoảng về chuyên môn âm nhạc trong quá khứ chỉ dính dáng đến một mình Sơn Tùng (và người nghệ sĩ nước ngoài, sẽ nhắc tới ở phần sau), không liên quan đến bất kỳ ai ở trong nước.
Khác biệt là scandal lần này lại liên quan đến phương diện tình cảm. Và đáng quan ngại ở chỗ những nhân vật số 2, số 3 vẫn hiện diện ở ngay Việt Nam, chỉ là không nổi tiếng bằng Sơn Tùng.
Sơn Tùng giữ im lặng trong trường hợp này cũng đúng, bởi Sơn Tùng đang phải chờ đợi xem người giữ “quả bóng” có dự định thổi bùng sự việc lên không. Nếu Thiều Bảo Trâm lên tiếng, mọi việc sẽ “nguy hiểm”. Nên có thể họ đã có dàn xếp, thỏa thuận ở phía sau – nơi khán giả không thể theo dõi – để Thiều Bảo Trâm im lặng.
Nhưng tôi phải nhắc nhẹ Sơn Tùng rằng “quả bóng” chỉ đang tạm thời nằm ở phía Thiều Bảo Trâm. Còn quả bóng thực sự, “nguy hiểm” hơn và chứa mũi tên sắc nhọn hơn, lại nằm ở phía Hải Tú. Ở thời điểm này, có thể Hải Tú và Sơn Tùng đang ở cùng một “phe”. Nhưng đến một thời điểm nào đó, khi Hải Tú rời đi và không hợp tác cùng Sơn Tùng nữa, cô ấy có thể tung ra một tin nhắn hay bằng chứng gì đó liên quan đến câu chuyện trong quá khứ, để có danh tiếng hơn chẳng hạn.
Tôi chỉ đặt ra trường hợp giả định như vậy để thấy việc giữ im lặng tạm thời là đúng, nhưng Sơn Tùng vẫn cần dàn xếp ổn thỏa với cả Thiều Bảo Trâm và đặc biệt là Hải Tú. Tôi nghĩ có thể là ràng buộc bằng hợp đồng luật pháp chẳng hạn, một bản hợp đồng mua việc bảo mật đời tư. Chỉ như vậy, động thái im lặng mới gói được sự việc lại một cách hoàn toàn. Nếu không, hệ lụy là khôn lường.
Những scandal từ trước tới nay của Sơn Tùng hầu như đều liên quan đến những nghi án đạo nhái tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài. Và phía nghệ sĩ nước ngoài không bao giờ lên tiếng.
Khi họ lên tiếng, sự việc được đẩy lên mức độ khủng hoảng cao hơn, Sơn Tùng sẽ phải lên tiếng để phủ nhận hoặc xin lỗi nhằm bảo vệ bản thân. Nhưng trong những trường hợp thời quá khứ, các cáo buộc đạo nhạc đều là do khán giả lên tiếng và lan truyền. Đó là cảm nhận của người nghe, không phải do nghệ sĩ “phía bên kia” của câu chuyện lên tiếng.
Và nếu họ không lên tiếng, thì Sơn Tùng lên tiếng để làm gì? Như thế, câu chuyện sẽ từ từ chìm xuồng, miễn không có tình tiết mới.
Do đó, với những scandal cũ, Sơn Tùng im lặng là giải pháp đúng. Nhưng khán giả có thể nhận ra Sơn Tùng đang rơi vào tình huống khá giống Hoa hậu chuyển giới Hương Giang, đó là, không giải quyết được rốt ráo những câu chuyện trong quá khứ, dẫn đến khán giả vẫn có cái để nói mãi ở hiện tại.
Tôi không kết luận rằng bạn ấy đạo nhạc hay không, nhưng rõ ràng đây là “vết xe đổ” về mặt truyền thông và dư luận, mãi không thể xóa hết.
Sơn Tùng M-TP luôn im lặng trước các khủng hoảng truyền thông, chính sự im lặng này lại là “con dao hai lưỡi”. |
Phương pháp im lặng của quá khứ chỉ đúng nếu sau này Sơn Tùng không lặp lại vấn đề cũ nữa. Trong cuộc đời một người hoặc lịch sử phát triển của một doanh nghiệp, có bao nhiêu phần trăm để một vụ khủng hoảng truyền thông xuất hiện, và có bao nhiêu cơ hội để khủng hoảng sau giống hệt khủng hoảng trước? Tôi nghĩ gần như là con số 0.
Nhưng Sơn Tùng lại là trường hợp đặc biệt.
Nhưng với Sơn Tùng, scandal nào cũng là nghi án đạo nhạc, mượn beat. Đây là trường hợp vô cùng đặc biệt, hiếm có ai liên tục lặp lại khủng hoảng của quá khứ như Sơn Tùng.
Khi mạng xã hội ngày càng phát triển và khán giả ngày càng khó tính, họ sẽ “đào bới” lại những dấu vết, sai lầm cũ của bạn. Những khủng hoảng bạn chưa xử lý tốt trong quá khứ, sẽ tạo ra hậu quả ở hiện tại. Đây được gọi là nguy hiểm tiềm tàng.
Có thể Sơn Tùng và ê-kíp đã nhận ra điều này, nên họ đã có phản ứng là đưa ra thông tin rằng hai bên (gồm cả GC Beats) đã giải quyết vấn đề xong xuôi.
Lùm xùm về việc dùng beat không trả tiền bản quyền lần này về bản chất hoàn toàn khác biệt so với các lùm xùm cũ của Sơn Tùng. Trong quá khứ, fan và antifan chưa văn minh, quyết liệt như bây giờ. Các bạn trẻ ngày nay có hiểu biết và hành động cũng như gây được áp lực chuẩn xác hơn nhiều.
Trong trường hợp gần đây, nhà sản xuất GC Beats không nổi tiếng, anh ấy phải tự báo cáo bản quyền lên YouTube, từ đó dẫn đến MV bị gỡ và đưa ra thông báo vi phạm bản quyền.
Vì sự khác biệt trên đã tạo ra biến số, không giống những sự việc đã qua, từ đó buộc Sơn Tùng và ê-kíp hành động khác đi. Ê-kíp đã liên hệ và có những thỏa thuận với nhà sản xuất nước ngoài, khi dàn xếp xong xuôi thì hai bên ra thông báo cho khán giả.
Và tất nhiên, Sơn Tùng không xin lỗi, vì xin lỗi đồng nghĩa với việc nhận sai.
Sơn Tùng liên tục lặp lại khủng hoảng trong quá khứ. Sơn Tùng cũng không xin lỗi khán giả sau vụ dùng beat vi phạm bản quyền. Ảnh: Bá Ngọc. |
Tôi nghĩ hành động trong nội bộ của ê-kíp Sơn Tùng lần này là đúng, vì các bạn đã tìm đến chính xác người có thể đẩy khủng hoảng lên cao trào để dàn xếp, sau đó hai bên thể hiện sự vui vẻ, bắt tay thân tình, coi như giải quyết xong. Sự việc sẽ không bị đẩy đi quá xa.
Tuy nhiên, tôi cho rằng ê-kíp của Sơn Tùng vẫn chưa đưa ra hành động chuẩn xác nhất khi giao tiếp với phía nhà sản xuất kia, vẫn còn “hở sườn”.
Nếu là tôi, tôi sẽ không dừng lại ở việc thỏa thuận rồi xin lỗi, sau đó tuyên bố đã hòa hoãn trên mạng xã hội. Tôi sẽ tìm cách để đối phương phát biểu rằng sau khi nghiên cứu kỹ, họ thấy sản phẩm của tôi không hề có yếu tố “vay mượn”, tất cả chỉ là hiểu lầm, và sau đó sẽ công bố hoạt động hợp tác âm nhạc giữa hai bên.
Hoặc chí ít, cũng phải đưa ra một thông cáo báo chí chuẩn chỉnh, là tiếng nói chung của hai bên, với thông điệp khớp nhau.
Tôi không biết định hướng tương lai của Sơn Tùng. Nếu Sơn Tùng muốn trở thành chủ tịch một công ty giải trí và không phát hành âm nhạc, thì những câu chuyện trên sẽ biến mất. Chỉ cần Sơn Tùng đừng dính vào nghi án đạo nhái, dùng beat chùa nữa, mọi việc sẽ ngủ yên trong quá khứ.
Nhưng nếu Sơn Tùng vẫn muốn là nghệ sĩ biểu diễn, tham gia sáng tác nhạc, thì những vấn đề trên còn tiếp tục bị “đào” ra, hết lần này đến lần khác.
Những lùm xùm trong quá khứ được bỏ qua vì có thể các nghệ sĩ quốc tế đó cho rằng họ ở vị thế quá cao so với Sơn Tùng, không cần so đo. Nhưng đến một lúc nào đó, Sơn Tùng có được vị trí ổn định, danh tiếng lan sang quốc tế, biết đâu đấy họ sẽ quay lại kiện Sơn Tùng, hoặc nhắc lại những câu chuyện cũ.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Nguyễn Ngọc Long là chuyên gia truyền thông, có hơn 15 năm nghiên cứu về truyền thông và xây dựng thương hiệu cá nhân. Nguyễn Ngọc Long cũng từng là diễn giả của nhiều sự kiện chia sẻ các vấn đề truyền thông cho start-up hay xử lý khủng hoảng truyền thông.
Theo Zing.vn