Bản thân H’Hen Niê là hoa hậu gắn liền với những yếu tố phá cách – tóc tém, da nâu, mặc gợi cảm – nên với phần thi trang phục dân tộc tại Hoa hậu Hoàn vũ năm nay, cô cũng tìm kiếm một mẫu trang phục mới mẻ so với người đẹp Việt ở các cuộc thi quốc tế trước.
Các mẫu thiết kế đang được xem xét là Bánh mì, Hoa đăng sắc Việt, Ngũ hổ, Nữ quyền, Phố cổ và Thăng thu đều có sự phá cách riêng. Nếu Bánh mì biến H’Hen Niê thành cô hàng bánh thì Hoa đăng sắc Việt biến cô thành chiếc đèn lồng, Ngũ hổ có váy ngắn gợi cảm còn Nữ quyền, Thăng thu lại để hở phần vai và lưng táo bạo. Chỉ có Phố cổ là thiết kế áo dài nhưng cũng rất lạ mắt với phần phông nền phố cổ khổng lồ phía sau.
Các mẫu thiết kế đang gây tranh luận trên nhiều fanpage và diễn đàn mạng xã hội.
Trong 6 mẫu trang phục của H’Hen Niê, gây chú ý nhiều nhất là Bánh mì. Nhưng bên cạnh những lời khen ngợi, mẫu thiết kế này gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ Bánh mì bao gồm phần khung tròn được H’Hen Niê đeo ngang hông, trên đó chất đầy những “ổ bánh mì” đã được thêm nhân và bọc giấy trắng. Xung quanh khung là các biển rao bánh “10K”, “Ăn là ghiền”. Sau lưng người mặc là 2 ổ bánh mì khổng lồ và đôi hoa tai mà H’Hen Niê đeo cũng là hình bánh mì.
Diện trang phục này, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 thích thú vì cô trông giống người bán bánh mì, một hình ảnh rất bình dân và thân thuộc với người dân Việt Nam.
Bộ Bánh mì gây tranh cãi khi được đưa vào bầu chọn trang phục dân tộc cho H’Hen Niê tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018. Ảnh: BTC. |
Phản hồi về bộ trang phục trên mạng xã hội ban đầu khá tích cực. Rất đông ý kiến cho rằng đây là thiết kế ấn tượng nhất khi đập vào mắt và cũng rất dễ nhớ khi phải thi đấu với hàng trăm bộ trang phục từ các nước. Đồng thời, hình tượng bánh mì cũng được khen ngợi là phù hợp với chất dân dã của H’Hen Niê, cô hoa hậu người dân tộc Ê Đê.
Mặc dù vậy, càng về sau càng có những bình luận tiêu cực về bộ trang phục. Phần đông ý kiến cho rằng ý tưởng bánh mì rất hay nhưng phần thể hiện chưa tương xứng, thậm chí khiến sản phẩm trông hơi “hàng chợ”.
So với những thiết kế áo dài và mấn hàng năm, bộ Bánh mì bị cho là kém sang trọng. “Ý tưởng rất hay nhưng phần không ăn điểm của mẫu thật này là sử dụng chất liệu chưa bắt sân khấu, độ cầu kỳ tinh xảo chưa có. Ý tưởng này thì cố gắng làm cho tới để khi nhìn vào mọi người phải ồ lên”, độc giả Hung Le phân tích.
“Bánh mì trông thô và xấu quá”, độc giả Thanh Thanh bình luận. Độc giả Tuấn Khang gay gắt hơn: “Trông y chang bà bán bánh mì. Nếu nói hơi quá thì rẻ tiền”. “Bộ này sến quá, kiểu có bao nhiêu nội dung muốn truyền tải thì đều đưa hết lên trên bề mặt rồi, giống như là thi thời trang tái chế hơn”, độc giả Lâm Phương Hồng so sánh.
Các thiết kế giúp H’Hen Niê khoe chân dài hoặc bộ áo dài lấy ý tưởng Phố cổ Hội An gợi cảm giác quyền lực. Ảnh: BTC. |
Thêm vào đó, các tấm biển làm bằng vải “Ăn là ghiền” và “10K” cũng bị so sánh với “nùi giẻ” và khiến bộ trang phục trở nên rườm rà. Nhiều người cũng chỉ ra rằng, Bánh mì khi ở trên bản vẽ đẹp trông đẹp và màu sắc đậm đà hơn so với phiên bản thực, khiến họ hơi thất vọng.
Bên cạnh Bánh mì, các mẫu thiết kế khác cũng thu hút nhiều bình luận của cư dân mạng. Đặc biệt, Ngũ hổ và Thăng thu đều sử dụng váy ngắn làm phần chính của trang phục, giúp H’Hen Niê khoe chân dài và làn da nâu, khác biệt so với những thiết kế áo dài kín đáo thường thấy.
Bộ Thăng thu còn có phần trên là yếm hở lưng, được nhiều người coi là táo bạo. Tuy nhiên, bộ này bị coi là quá đơn giản để gây được ấn tượng trên sân khấu của Hoa hậu Hoàn vũ 2018. Ngũ hổ được đánh giá cao hơn nhiều chi tiết và còn có phần cờ, áo choàng dài lấy cảm hứng từ tuồng cổ Việt Nam.
Về luồng ý kiến chê bộ trang phục Bánh mì trông “hàng chợ”, nhà thiết kế Thuận Việt nói với Zing.vn: “Điểm yếu của bộ Bánh mì hiện tại là chất liệu của chiếc áo và kỹ thuật cắt may. Chiếc áo thiếu chi tiết làm điểm nhấn, cũng như các phụ kiện, chiếc nón lá và đôi giày tôi nghĩ nên thay đổi, cần chỉn chu và công phu hơn”.
“Rẻ tiền hay đắt tiền, hàng chợ hay hàng cao cấp phụ thuộc vào vào cách thể hiện bộ trang phục. Có thể mọi người không hài lòng vì trang phục chưa hoàn hảo và chỉn chu”, Thuận Việt nhận xét.
Nếu so sánh thì bộ Ngũ hổ được thực hiện tỉ mỉ hơn, với các chi tiết tranh Ngũ hổ, giày, mũ miện hay cờ đều đồng nhất. Theo ban tổ chức (BTC) Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, đây chỉ là phiên bản đầu tiên để khảo sát cảm nhận của công chúng. Sau khi được góp ý, các tác giả sẽ hoàn thiện thêm để các bộ trang phục trở nên công phu và sang trọng hơn.
Nhà thiết kế Thuận Việt cho biết theo tiêu chí của các cuộc thi sắc đẹp quốc tế và nhất là Hoa hậu Hoàn vũ, trang phục dân tộc không nhất thiết phải là quốc phục (như áo dài của Việt Nam) mà rất cởi mở với những ý tưởng lạ. Hơn nữa, trang phục dân tộc cũng không chỉ xoay quanh quần áo, vải vóc mà có thể sử dụng rất nhiều chất liệu đa dạng.
Váy sầu riêng của đại diện Thái Lan từng gây ấn tượng sâu đậm, được truyền thông quốc tế chú ý tại Hoa hậu Liên lục địa 2017. Ảnh: Bangkokpost. |
Bởi vậy, những ý tưởng như Bánh mì hay Phố cổ sẽ đáp ứng tiêu chí lạ từ cái nhìn đầu tiên, dù trước đây cũng có các quốc gia sử dụng món ăn hay thắng cảnh để đưa lên trang phục dân tộc.
Năm 2017, Thaweeporn “Aoom” Phingchamrat – Á hậu 3 cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thái Lan, giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất tại Hoa hậu Liên lục địa với bộ đồ sầu riêng khổng lồ.
Hay năm 2015, đại diện Thái Lan là Aniporn Chalermburanawong cũng giành giải tương tự ở Hoa hậu Hoàn vũ với bộ váy xe tuk tuk độc đáo, có đèn pha phát sáng khi lên sân khấu.
Bộ trang phục tuk tuk nổi tiếng nhiều năm qua sau khi xuất hiện ở Hoa hậu Hoàn vũ 2015. Ảnh: Missosology
. |
Nếu theo dõi các cuộc thi hoa hậu lâu năm, khán giả sẽ nhận ra rằng Trang phục dân tộc luôn là phần thi mang tính giải trí cao nhất, hơn cả phần Áo tắm. Nguyên nhân là các nước luôn mang đến những mẫu thiết kế lạ, kỳ quái và có hiệu ứng sân khấu lớn. Những năm gần đây, các nước cũng sử dụng công nghệ như ánh sáng, âm thanh… để gây ấn tượng lớn hơn khi thí sinh bước lên sân khấu.
Trong bối cảnh đó, liệu áo dài, nón lá hay mấn của Việt Nam có trở nên nhàm chán? Nhà thiết kế Thuận Việt nhắc lại, trước đây, Việt Nam từng có các bộ trang phục dân tộc là áo dài khá đáng nhớ vào các năm Phạm Hương, Trương Thị May và Diễm Hương dự thi quốc tế.
Áo dài của Phạm Hương trông sang trọng nhưng bị cho là không sáng sân khấu tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015. Ảnh: FBNV. |
Đặc biệt, áo dài của Trương Thị May khi dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 được trang Missosology bầu chọn vào top 10.
Theo nhà thiết kế, áo dài có kiểu dáng đơn giản nên nhà thiết kế luôn đứng trước thử thách bổ sung các chi tiết sao cho trang phục trở nên sang trọng và có điểm nhấn hơn.
Nói như vậy không có nghĩa là áo dài không thể gây ấn tượng ở các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Nhưng trong tương lai, các thiết kế trang phục dân tộc của Việt Nam nên mở rộng chủ đề và sáng tạo hơn về kiểu dáng, chất liệu, công nghệ thay vì xoay quanh áo dài.
“Không chỉ bánh mì, còn rất nhiều món ăn đặc sản khác, những điểm đặc trưng khác trong văn hóa xã hội Việt Nam cũng có thể được lấy ý tưởng làm trang phục dân tộc. Điều này tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của các nhà thiết kế”, Thuận Việt nhận định.