Cuộc sống của một thực tập sinh Kpop, đối với người ngoài, là khắc nghiệt đến mức không tưởng. Cuộc chiến ngặt nghèo để vào được công ty quản lý bao gồm các màn biểu diễn thử sức liên tiếp. Còn khi đã được chấp nhận, số phận của họ không còn thuộc về chính họ. Họ luyện tập điên cuồng dưới nỗi lo sợ bị loại bỏ bất cứ lúc nào. Việc được ra mắt là vô định cho đến ngày được chọn.
Họ giao phó tương lai cho công ty quản lý, đặt mình dưới sự “chăm sóc” hà khắc. Không hề bất ngờ, thứ quyền lực tuyệt đối này liên tiếp bị lạm dụng.
Hồi tháng 5/2017, CEO của một công ty được giấu tên bị bắt lần thứ hai vì môi giới mại dâm cho thực tập sinh nữ. Thẩm phán của tòa án tối cao đã tuyên phạt CEO họ Kang này 20 tháng tù và nộp phạt 20 triệu won (hơn 400 triệu đồng) vì tội này. Trong lần phạm tội trước đó, ông này bị tù 18 tháng và phạt 15 triệu won (308 triệu đồng).
Các thần tượng bị tách khỏi cuộc sống xã hội từ khi còn rất trẻ nên ít kinh nghiệm bảo vệ bản thân khi bị ép giao dịch tình dục. Ảnh: Soompi. |
Lâu nay, việc “tài trợ” hay nói cách khác là “giao dịch tình dục” giữa các ông chủ quyền lực trong ngành và các thực tập sinh mong muốn nổi tiếng vẫn được chấp nhận trong giới giải trí Hàn Quốc. Những thần tượng tương lai bước vào ngành ở độ tuổi còn rất trẻ, chỉ khoảng 13-14 tuổi. Hầu hết đều bị ngắt liên kết với các cấu trúc xã hội bên ngoài và tổ chức cuộc sống theo chế độ tập luyện của công ty.
Họ phải chấp nhận sống tách biệt với gia đình và bạn bè, đôi khi là tịch thu điện thoại di động, cô lập với dòng chảy thông tin bên ngoài xã hội. Trong nhiều chương trình thực tế, khi đã nổi tiếng, nhiều thần tượng tiết lộ việc họ phải chia tay mối tình đầu đời vì sự cấm đoán của công ty. Cách kể hài hước không che lấp được thực tế: đó là một bi kịch tuổi trẻ.
Chính vì vậy, các thực tập sinh hầu như có rất ít kinh nghiệm sống thực thụ, thứ giúp họ trang bị vũ khí để bảo vệ bản thân trước sự lạm dụng quyền hành của các ông chủ.
Trong chương trình Idol Drama Operations Team năm 2017, nữ ca sĩ Kim So Hee (được biết đến qua Produce 101) tiết lộ một ông chủ công ty giải trí cũ từng cầu hôn cô khi cô còn là thực tập sinh.
Ca sĩ trẻ Kim So Hee (Produce 101) từng bị CEO công ty cũ nhiều lần cầu hôn. Ảnh: Donga. |
So Hee cho biết vị CEO của công ty cũ “coi cô như một phụ nữ” và liên tục cầu hôn nhiều lần. Cô khó chịu và không thể khước từ một cách thẳng thắn vì sợ làm mếch lòng ông này. Là một thực tập sinh, cô khao khát cơ hội được ra mắt làng nhạc.
Không chỉ gây sốc vì tiết lộ trên, So Hee còn gây sốc khi bày tỏ suy nghĩ: “Đây cũng là một trường hợp thường xuyên xảy ra”. Khi các nữ thần tượng xinh đẹp bắt đầu được công chúng chú ý, xuýt xoa khen ngợi nhan sắc cũng là khi họ lọt vào tầm ngắm của các ông chủ.
Năm 2010, một cuộc khảo sát gây sốc không kém tiết lộ 2/3 trong giới diễn viên nữ từng được đề nghị giao dịch tình dục với một người bảo trợ tiềm năng để đổi lấy lợi ích về sự nghiệp và danh tiếng.
2/3 là tỷ lệ quá kinh khủng, và một số người hâm mộ đang điểm qua hàng loạt cái tên diễn viên nữ mà họ biết. Rất có thể, con số này rơi vào người mà họ hâm mộ.
Khán giả không thể làm ngơ với thực tế trong ngành công nghiệp, khi người họ hâm mộ rất có thể từng bị ép phục vụ tình dục. Ảnh: Dispatch. |
Ngay cả những thực tập sinh có độ tuổi và kinh nghiệm sống nhiều hơn cũng trở thành nạn nhân của quyền lực, vì họ càng tuyệt vọng hơn trong nỗ lực tìm kiếm cơ hội ra mắt. Tháng 7/2016, chủ tịch Lee (38 tuổi) của một công ty giải trí bị buộc tội lạm dụng một thực tập sinh 27 tuổi vừa ký hợp đồng.
Ông này đã nói với cô gái rằng nếu cô muốn trở thành người nổi tiếng, cô buộc phải đi đường tắt bằng cách cởi đồ và phục vụ tình dục cho những ông chủ. Ở tuổi 27, cô không còn nhiều thời gian và cơ hội với Kpop.
Có hàng trăm, hàng nghìn Jang Ja Yeon trong ngành công nghiệp này. Nữ diễn viên tự tử bí ẩn 10 năm trước không phải người đầu tiên, cũng không phải người cuối cùng, phải từ bỏ mạng sống vì bị ép buộc phục vụ tình dục. Theo những tiết lộ từ một số nhân chứng, Jang Ja Yeon phải phục vụ 31 ông chủ nhiều ngành nghề, trong hơn 100 lần. Thậm chí, báo Hàn đưa tin có lần cô phục vụ cùng lúc một chủ tịch 80 tuổi và con trai 50 tuổi của ông này.
Vụ việc Jang Ja Yeon và vụ Jang Seok Woo – giám đốc công ty giải trí Open World Entertainment bị tố cưỡng hiếp thực tập sinh như một thú vui – là hai sự kiện mang tính bước ngoặt, khiến ngành công nghiệp này buộc phải đưa ra các tuyên bố bảo vệ thực tập sinh.
Năm 2015, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Hàn Quốc đã ra luật về Công nghiệp Văn hóa đại chúng sau cái chết của Jang Ja Yeon. Luật này bao gồm 9 phần liên quan đến hợp đồng giải trí, quyền và nghĩa vụ của các công ty và giải trí, giáo dục và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nghệ sĩ, quyền và ghi nhận thương hiệu, phân phối doanh thu, giải quyết tranh chấp, bảo vệ thanh thiếu niên và nghệ sĩ, và các thỏa thuận công ty con.
Luật cũng quy định tất cả cơ quan giải trí phải tuân thủ hợp đồng tiêu chuẩn được soạn thảo bởi Ủy ban Thương mại Công bằng (FTC).
Luật quy định có thể bị phạt nếu ép thực tập sinh vị thành niên mặc phản cảm hoặc biểu diễn gợi dục, nhưng điều đó đầy rẫy trong thực tế tại môi trường Kpop. Ảnh: Allkpop. |
Luật cũng yêu cầu các công ty giải trí phải có giấy chứng nhận được chính phủ phê duyệt mới có thể đủ tư cách pháp nhân hoạt động. Quy định này chính là nền tảng để xử phạt những nhà tổ chức giải trí ép buộc thực tập sinh bán dâm.
Người vi phạm có thể bị phạt tù 10 năm và nộp phạt 100 triệu won (hơn 2 tỷ đồng). Hành vi ép thực tập sinh vị thành niên ăn mặc phản cảm hoặc biểu diễn gợi dục cũng có thể bị phạt.
Luật còn đặt ra những quy định nghiêm khắc về quyền học tập và nghỉ ngơi của thực tập sinh, giới hạn thời gian luyện tập và làm việc từ 10h đến 18h mỗi ngày, và trong 40 tiếng mỗi tuần.
Nhưng từ luật đến thực tế vẫn còn khoảng cách rất xa vời.
Chẳng hạn, luật không quy định các biện pháp bảo vệ những người lên tiếng tố cáo lạm dụng và bảo vệ về mặt pháp lý cho các nạn nhân bị tấn công hoặc quấy rối tình dục.
Hậu quả là người tố cáo lại bị kết tội. Trong trường hợp ông chủ Lee trước đây, nạn nhân bị buộc tội đồng lõa vì đã cởi quần áo, nằm xuống giường và làm theo lời ông Lee yêu cầu.
Bất chấp bê bối của Seungri, khả năng Kpop thay đổi là khó xảy ra. Ảnh: Yonhap. |
“Rõ ràng chính phủ Hàn Quốc đối xử với Kpop y như cách chính phủ Mỹ đối xử với ngành ôtô và ngân hàng, có nghĩa là chúng được bảo hộ”, Euny Hong, tác giả Giải mã Hàn Quốc sành điệu (The Birth Of Korean Cool) từng nói.
Giờ đây, con đường đến với cải tổ vẫn sẽ gặp muôn vàn khó khăn vì các ông lớn không dễ gì ném đi miếng bánh quyền lực mà họ đang được nhận trong nhiều năm qua. Đồng thời, chính phủ cũng bắt tay với các thế lực giải trí để chia sẻ lợi nhuận kếch xù từ “ngành công nghiệp không khói” Kpop, mang về hàng tỷ USD trong hơn 20 năm qua.
Mô hình kinh doanh này chưa bao giờ sai lầm trong việc mang về cả núi tiền, nhưng cái giá phải trả là quyền và thân xác con người. Với những phụ nữ trẻ tham gia vào ngành công nghiệp này, bị cưỡng ép giao dịch tình dục là điều không có ngoại lệ. Cần đến bao nhiêu “tấm gương” thảm khốc như Jang Ja Yeon để họ được bảo vệ bằng môi trường làm việc an toàn hơn?
Theo Zing.vn