logo
Thứ tư, 08/05/2024 11:01:48

Giải trí lành mạnh – Xu hướng phát triển tất yếu của thời đại 5.0


(Dispatch.vn) - Gần 10 năm gắn bó với công việc sáng tạo nội dung cho trẻ em, chị Huỳnh Thanh Thanh - Đồng tác giả bộ phim hoạt hình “Xin Chào Bút Chì” chia sẻ phim hoạt hình Việt chưa phải là lựa chọn tốt nhất cho trẻ em hiện nay bởi trẻ em có thể tiếp cận các bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới khác. Và những nhà sản xuất hoạt hình Việt phải luôn “nâng cấp” để “thuyết phục” trẻ lựa chọn mình.

Ai phải chịu trách nhiệm khi trẻ em bị  “nhiễm độc” bởi những nội dung giải trí không lành mạnh trên internet?

Sau ồn ào về vụ việc của kênh YouTube Thơ Nguyễn dần lắng xuống nhưng nỗi lo của những bậc phụ huynh về việc quản lý nội dung mà con trẻ tiếp xúc trên mạng internet vẫn còn đó. Ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm? Đây hẳn là câu hỏi cần rất nhiều thời gian để làm rõ nhưng cấp bách hơn cả, là làm sao để bảo vệ con trẻ khỏi những yếu tố độc hại. Muốn vậy, cần rất nhiều sự nỗ lực. Đầu tiên là ý thức của những nhà sản xuất nội dung phải hướng tới giá trị “sạch”. Sau đó, là sự quản lý chặt chẽ  của các cơ quan có thẩm quyền. Quan trọng nhất là hành động các bậc phụ huynh trong việc định hướng và kiểm tra nội dung các hoạt động trên internet của con trẻ như thế nào?

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe – tâm lý trẻ em đã cảnh báo, từ khi được sinh ra cho tới khi đủ 18 tuổi trẻ em luôn cần cha mẹ hỗ trợ và định hướng. Ở lứa tuổi này, trẻ chưa vững vàng về nhận thức, trẻ cần cha mẹ, người thân trong gia đình cần quan tâm định hướng nội dung và kiểm soát các hoạt động trên internet. Đây cũng là những bước đầu xây dựng và vun đắp tâm hồn cho trẻ. Nếu trẻ được quan tâm, hướng dẫn thì trẻ sẽ học được cách yêu thương, cảm thông, biết kỉ luật… Ngược lại, nếu để trẻ thường xuyên xem những kênh YouTube với nội phản cảm, độc hại lâu dần tâm hồn trẻ sẽ bị “nhiễm độc” và hình thành tư duy lệch lạc trong quá trình phát triển mà trẻ không biết được. 

Cha mẹ đừng vội cấm đoán hay la mắng trẻ, hãy tìm cách để giải thích, uốn nắn và tìm những nội dung phù hợp khác để thay thế. Nhiều người cho rằng hiện tại có quá nhiều kênh nội dung “gắn mác” dành cho trẻ em nhưng số kênh có nội dung “sạch” – phù hợp cho trẻ lại không nhiều. Có lẽ vì thế, nhiều phụ huynh nghĩ ngay tới phim hoạt hình như là giải pháp cho bài toán khó. Bởi ít ra công việc sáng tạo nội dung cho trẻ em đòi hỏi nhà sản xuất phim hoạt hình phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nắm bắt tâm lý trẻ. Và quy trình phát hành, kiểm soát cũng khắt khe hơn so với các hình thức giải trí khác. Trong tương lai, nhu cầu giải trí lành mạnh cho trẻ chắc chắn sẽ là xu hướng tất yếu của thời đại 5.0.

Phim hoạt hình Việt có đáp ứng yêu cầu giải trí lành mạnh cho trẻ em?

Hoạt hình thuần Việt đã ghi được dấu ấn trong lòng khán giả, đặc biệt, đã trở thành “tuổi thơ” của khá nhiều thế hệ. Một trong số đó, phải kể đến là bộ phim Xin Chào Bút Chì do xưởng phim hoạt hình Hi Pencil sản xuất, Tít và Mít của Hãng phim hoạt hình Việt Nam; VinTaTa của Tập đoàn Vingroup,… với nội dung gần gũi, đáng yêu. Những bộ phim này đã và đang đáp ứng được yêu cầu giải trí lành mạnh cho trẻ em Việt.

Về nội dung, những bộ phim hoạt hình này thường có nội dung gần gũi với văn hóa Việt, lồng ghép vào đó là những câu chuyện cổ tích từ đó rút ra những bài học về cuộc sống nhẹ nhàng, những kiến thức thực tế phù hợp với khả năng tiếp nhận của trẻ. Hơn nữa, những nhà sản xuất nội dung luôn đổi mới, không ngừng sáng tạo để thu hút trẻ, kích thích nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh của trẻ…

Không chỉ làm mới về nội dung, các bộ phim hoạt hình Việt còn đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng về hình ảnh, âm thanh, kỹ thuật,..  Điều đó đã đem đến những thành tích đáng kể cho phim hoạt hình Việt. Nhiều bộ phim hoạt hình do Việt Nam sản xuất đã một số giải thưởng uy tín của điện ảnh Việt, và quốc tế như: “Xin Chào Bút Chì” – một bộ phim hoạt hình stop motion đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có mặt trên đấu trường quốc tế vào những năm 2010 – 2015. Bộ phim từng đoạt giải thưởng UNTV Unicef Award dưới tên “Say hi to Pencil”; phim hoạt hình “Con Chim Gỗ” – giải Cánh diều vàng năm 2020…

Ngoài ra, chúng ta không thể không nhắc đến đội ngũ những người góp phần không nhỏ trong việc tạo ra những bộ phim hoạt hình “Sạch” – Ý nghĩa – Sáng tạo dành cho trẻ là các họa sĩ, thiết kế đồ họa, kỹ thuật, những người làm nội dung… Họ đều là những người vô cùng tâm huyết, được giới chuyên môn đánh giá cao về khả năng sáng tạo, kỹ năng. Cùng với đó là tình yêu và sự thấu hiểu tâm lý trẻ nhỏ.

Chị Huỳnh Thanh Thanh – Giám đốc điều hành Công ty Hoạt hình Hi Pencil Studio, đồng tác giả của bộ nhân vật hoạt hình cho trẻ em “Xin Chào Bút Chì” chia sẻ về quá trình làm nên bộ phim hoạt hình cho trẻ:“Muốn làm hoạt hình cho thiếu nhi thì phải nói chung một ngôn ngữ của trẻ, đem đến sự chân thật, thú vị từ bộ nhân vật đến với các em”.

Gần 10 năm gắn bó với công việc sáng tạo nội dung cho trẻ em, chị Huỳnh Thanh Thanh bộc bạch “Hoạt hình Việt Nam nếu được sản xuất nghiêm túc thì vẫn đáp ứng được yêu cầu giải trí lành mạnh cho trẻ em. Nhưng nếu để đấu cùng với phim hoạt hình quốc tế trên một “bàn ăn” thì có thể chưa so kè được”. Chị nói thêm vì thế hiện nay, phim hoạt hình Việt vẫn chưa phải là lựa chọn tốt nhất cho trẻ em Việt, bởi trẻ có thể tiếp cận các bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới bằng nhiều nền tảng khác nhau. Điều mà những nhà sản xuất hoạt hình Việt cần phải làm là luôn “nâng cấp” để “thuyết phục” trẻ lựa chọn mình. Đó cũng là lý do, chị Thanh Thanh luôn muốn tạo ra một bộ nhân vật thuần Việt có thể chinh phục được các khán giả Việt và gắn bó với tuổi thơ của thiếu nhi Việt Nam.

Đồng thời, chị cũng khẳng định phim hoạt hình dành cho trẻ em tại Việt Nam là một lĩnh vực tiềm năng của ngành công nghiệp giải trí nhưng hiện nay: “Hoạt hình Việt Nam đang bị bỏ xa so với thế giới về chất lượng, nội dung, công nghệ,… Hoạt hình Việt vẫn đang là sự cố gắng của đội ngũ ở Việt NamVà chưa có lối đi rõ ràng, hầu hết những xưởng phim hoạt hình “có nghề” tại Việt Nam đều phải outsource cho nước ngoài nên đội ngũ và công nghệ sản xuất phim hoạt hình thuần Việt tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sản phẩm làm ra chưa tạo ra nhiều lợi nhuận cho nhà sản xuất. Trong tương lai, hoạt hình Việt Nam cần phải đầu tư về kinh phí và nguồn nhân lực chất lượng cũng như tìm được như đầu ra cho phim. Nói như vậy không phải để bi quan bởi, những bạn trẻ ở Việt Nam hết sức sáng tạo, nếu kiên quyết thì hoạt hình Việt rất có tiềm năng để phát triển”.

Từ những chia sẻ của chị Thanh Thanh – Giám đốc điều hành Công ty Hoạt hình Hi Pencil Studio, chúng ta có thêm niềm tin rằng, bên cạnh những người tạo ra những nội dung “rác”, nội dung không lành mạnh để câu view thì vẫn còn rất nhiều người Việt với quyết tâm làm nên những nội dung giải trí thuần Việt mang đầy đủ giá trị tích cực cho thế giới trẻ thơ.

Thông tin Hi Pencil Store:

Địa điểm: 221 Đinh Tiên Hoàng, Phường Tân Định, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Website: www.hipencilstore.com 


Từ Khóa:

Tin Liên Quan