Thông tin DJ Lê Thiện bị công an bắt giữ khi mang theo vali chứa hơn 10 kg ma túy (27.669 viên thuốc lắc và 3 kg ketamin) đang gây xôn xao dư luận. Một lần nữa, nghề DJ “nhạy cảm” lại bị đưa ra bàn luận.
Cuộc sống của một DJ nhìn vào thì tưởng như một giấc mơ: được bay đến những địa điểm mới, được trả tiền để thỏa mãn đam mê âm nhạc của mình trên sân khấu và được ngưỡng mộ. Hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn khán giả xếp hàng để nói với DJ mà họ yêu thích rằng họ tuyệt vời như thế nào.
Nhưng có một sự thật đáng nghiền ngẫm đằng sau những bức ảnh hào nhoáng của đám đông, những bữa tiệc, hồ bơi hay khách sạn sang trọng.
Cuộc sống thất thường, thời gian nghỉ ngơi không đều đặn suốt nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, xa rời bạn bè, người thân, và một môi trường phức tạp, tồn tại đầy rẫy những tệ nạn hay chất kích thích. Tất cả điều này gây áp lực lớn lên sức khỏe lẫn tinh thần của các DJ.
Đặc thù của nghề DJ là làm việc vào ban đêm. Giờ sinh hoạt của họ hoàn toàn đảo lộn so với hầu hết ngành nghề khác. Khi mọi người trở về nhà nghỉ ngơi thì các DJ mới chuẩn bị để bắt đầu một ngày làm việc của họ.
DJ Trang Moon khá được yêu thích, cô đắt show và liên tục nhận được lời mời. |
DJ TyTy khá có tiếng tại thị trường TP.HCM cho biết một ngày cô có thể làm tới 7 ca, bắt đầu lúc 9h và kết thúc lúc 3h hôm sau. Cô chủ yếu diễn ở các quán cà phê vào ban ngày và di chuyển tới bar vào ban đêm.
Đó cũng là lịch làm việc chung của hầu hết chàng trai, cô gái trẻ chọn theo nghề DJ. Cái giá phải trả cho giờ sinh hoạt thất thường chính là những rắc rối về sức khỏe.
“Tôi thường đi làm vào ban đêm, rồi thức tới sáng. Có lần tôi uống 2 lon bò húc mỗi ngày và liên tục như thế trong vòng 7 ngày để giữ tỉnh táo. Kết quả tôi phải nhập viện vì đau bao tử. Sau lần đó tôi chú trọng chăm sóc sức khỏe hơn”, DJ TyTy nói.
Là DJ ăn khách sau khi tham gia chương trình The Remix, Trang Moon chạy show không ngừng nghỉ. Cuối cùng, cô từng phải hủy show một tháng vì kiệt sức. “Tôi cảm thấy không còn sức lực, những cơn đau đầu, sốt cao kéo dài”, Trang Moon cho biết. Sức khỏe của cô giảm sút rõ rệt, người ủ rũ, hay mất ngủ.
Nói thêm về sự phức tạp của nghề, DJ Ngân Sôna nói: “Nghề nào nghiệp nấy, nghề của chúng tôi là hỏng tai, thức đêm hao mòn nhan sắc. Sức khoẻ không ổn vì ăn uống không đúng giờ giấc, hít khói thuốc, mùi rượu, bia, tuổi thọ chắc chắn kém. Chưa kể, đây là nghề quá nhiều cám dỗ nhưng quan trọng là chúng tôi có bản lĩnh vượt qua được hay không”.
Làm việc kiểu xuyên đêm khiến ngay cả DJ nam cũng gặp khó khăn và giảm sút sức khỏe nghiêm trọng. “Nghề DJ khó khăn hơn các công việc khác một chút. Vì cách sinh hoạt giờ giấc thường trái với mọi người và hay thức khuya. Tôi thường bị đau bao tử vì đi ngủ và thức dậy muộn”, DJ Ngô Kiên thừa nhận.
Nghề DJ trong nhận thức của dư luận là công việc phức tạp nhưng cũng nhận được thu nhập khủng bởi phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức. Giải đáp vấn đề này, TyTy cho rằng DJ cũng như ca sĩ hay những nghề nghệ thuật khác, tức “muốn có thu nhập cao, bạn phải đầu tư chất xám và tiền của”.
Cô cho biết: “Có thể mức lương cho một DJ trong một giờ bằng người bình thường đi làm cả tháng. Nhưng đổi lại chúng tôi cũng chi nhiều thứ mới được như vậy”.
DJ TyTy có thể biểu diễn 7 ca trong một ngày, do đó cô thường có ít thời gian nghỉ ngơi. |
Nữ DJ giải thích rõ hơn: “Diễn ở quán cà phê, một DJ có thể kiếm khoảng 7 triệu đồng một tháng, ở club, thu nhập tăng lên 10-15 triệu. Với diễn sự kiện, một show, DJ nhận 15-20 triệu đồng hoặc 40-50 triệu đồng là chuyện bình thường, nhưng cũng còn phụ thuộc vào tên tuổi, khả năng của DJ”.
Thách thức chung của nghề DJ là nguy cơ bị quỵt cát-xê. Người mới càng dễ bị chèn ép và chịu nhiều thiệt thòi.
“DJ là một nghề phức tạp, ngoài những lời dụ dỗ, vấn đề tôi hay gặp nhất là bị quỵt cát-xê. Nhiều người tìm kiếm show cho tôi nhưng ngay khi đưa tôi đến sự kiện, họ cầm tiền rồi bỏ đi trước. Sau này, tôi có kinh nghiệm hơn nên biết đối phó với những vấn đề như vậy”, DJ Ngân Sôna chia sẻ về những khó khăn trong thời gian đầu làm quen với công việc.
Với Trang Moon, tình trạng quỵt cát-xê, “ma cũ ăn hiếp ma mới” xảy ra như cơm bữa trong thời gian đầu. Theo chia sẻ của nữ DJ, nơi cô từng diễn thường xuyên bị phá sản khiến toàn bộ tiền công xem như mất trắng. Cô từng bị một loạt quán bar tại Hà Nội quỵt tiền.
“Khi mới vào nghề, là một lính mới trong ngành DJ, tôi thường xuyên chịu nhiều căng thẳng, chỉ có cách giải tỏa là khóc. Nhưng do sợ mẹ lo nên tôi cũng chỉ biết khóc lén lút, không cho ai biết”, Trang Moon chia sẻ.
Nhận thức được môi trường làm việc phức tạp, Trang Moon kể cô thường tranh thủ về nhà sớm và hạn chế tiếp xúc gần gũi với khách. Dù vậy, không tránh khỏi vài lần cô bị ép uống rượu bia, dẫn đến say xỉn và không kiểm soát được bản thân, ví dụ đêm diễn tại Đà Nẵng.
Lần đó, Trang Moon được một đồng nghiệp đưa về nhà chăm sóc nên chưa xảy ra chuyện không hay. “Phần lớn khi được khách mời rượu, tôi đến bàn, chào hỏi và xin phép về. Nếu không thể, tôi chỉ nhấp môi chứ không uống nhiều. Tôi nghĩ đây là cách giao tiếp khéo léo nhất”, DJ 9X tiết lộ.
Ngân Sôna thừa nhận công việc của cô có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Do đó, cô luôn nâng cao cảnh giác để bảo vệ bản thân. |
Hầu hết DJ nữ thừa nhận họ từng bị mời rượu, thậm chí lừa dùng chất kích thích khi làm việc tại quán bar. Việc uống rượu là đặc thù, “không uống không được của nghề DJ”.
Oxy – một trong những DJ nổi tiếng nhất ở Việt Nam – từng chia sẻ việc cô gục tại bàn chơi nhạc vì bị lừa dùng chất kích thích. Sau đó, cô tự chuẩn bị đồ uống và không dùng bất kỳ thức uống nào khách hàng đưa cho.
Bởi thế, ngoài việc nâng cao cảnh giác thì không còn cách nào khác để họ bảo vệ chính mình trong một môi trường quá hỗn độn, phức tạp.
Ngân Sôna thừa nhận có lần cô say đến mức “quên đường về”, không kiểm soát được bản thân.
“Nhiều lần tôi uống đến say, công việc này khó tránh khỏi việc uống rượu. Nhiều khi không uống, khách lại nghĩ chúng tôi coi thường. Ở một số quán, DJ phải vừa chơi nhạc vừa xuống giao lưu với khách thì chủ quán mới ưng ý”, cô giải thích.
Việc say xỉn, không kiểm soát được bản thân từng đẩy Ngân Sôna vào nguy hiểm. Khách hàng bỏ chất kích thích vào bia lừa cô uống, tuy nhiên may mắn nhân viên quán bar phát hiện kịp thời và giúp cô thoát nguy.
“Sàm sỡ thì tất nhiên có ở những quán bar đông người, quan trọng là bản thân biết làm chủ, kịp thời xử lý tình huống”, Ngân Sôna khẳng định. Cô nói thêm rằng cũng có những DJ chấp nhận bị động chạm để có thêm tiền “hoa hồng”.
Về phía DJ Tyty, cô thừa nhận từng rơi vào tình huống tương tự. “Thường thì, tôi uống rượu trong lúc làm việc, nhưng xong việc, bạn bè hay vài khách hàng quý mến thường mời. Những lúc như thế, tôi có uống nhưng không nhiều và thường xuyên”.
DJ Oxy kể cô từng bị lừa uống bia có chất kích thích. |
“Có lần tôi bị khách mời một ly rượu có chất kích thích, thói quen của tôi là uống vào rồi tìm cách nhả ra ngay lập tức. Do đó, tôi không bị uống nhiều và không ảnh hưởng đến công việc”, TyTy nói.
Cô kể: “Đi làm, tôi rất sợ bị người khác bỏ chất kích thích vào ly rồi mời mình uống, vì tính cảnh giác khá cao, nên tôi thường có sẵn một ly nước của mình, và uống cùng ly của họ. Ngoài ra, có những khách đụng chạm và sàm sỡ, sau những lần như thế, tôi luôn đi cùng một bảo vệ”.
TyTy cho biết cô chứng kiến nhiều cô gái khi làm DJ bị lừa uống chất kích thích, không thể điều khiển bản thân và phải ngừng lại buổi diễn.
Theo Zing.vn