Tối 27/5, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cho biết đơn vị đã tìm ra người để lộ sao kê tài khoản của khách hàng, đó là một cá nhân làm việc tại đây. Ngân hàng đã đình chỉ công tác người này và sẽ kỷ luật với hình thức cao nhất, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.
Theo dõi sự việc, nhiều người thắc mắc với hành vi vi phạm này, nhân viên MB Bank sẽ bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?
Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng luật Đồng Đội) cho biết theo Điều 10, Nghị định 117/2018/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ một số cá nhân có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin của khách hàng. Nhân viên ngân hàng không thuộc nhóm này, do đó, người này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để đưa ra phương án xử lý phù hợp, luật sư đánh giá cần làm rõ động cơ thực hiện cũng như hậu quả mà hành vi vi phạm mang lại.
MB Bank xác nhận một người làm việc tại ngân hàng này đã để lộ sao kê khách hàng. Ảnh: L.H. |
Trích dẫn Điều 21, Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ, ông cho biết với hành vi cung cấp, sao chép sản phẩm thông tin tín dụng để cung cấp cho bên thứ ba không đúng quy định của pháp luật, cán bộ ngân hàng có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu cơ quan điều tra xác định động cơ thực hiện hành vi là để thu lợi bất chính, gây thiệt hại về tài sản hoặc gây dư luận xấu nhằm làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Tùy thuộc số tiền thu lợi bất chính, số tiền gây thiệt hại hoặc hậu quả khác do hành vi gây ra, mức án tối đa người vi phạm phải đối mặt là 7 năm tù.
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho biết theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, 3 nhóm đối tượng được tiếp cận, sử dụng thông tin khách hàng gồm: Khách hàng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền (khi có sự cho phép của khách hàng) và cán bộ, nhân viên ngân hàng (sử dụng nội bộ để quản lý, xử lý công việc của ngân hàng).
Do đó, khi người không thuộc 3 nhóm đối tượng kể trên tiếp cận được thông tin, lỗi thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ mà cụ thể là MB Bank.
“Ba yêu cầu thông tin đối với ngành ngân hàng là an toàn, chính xác và bảo mật. Việc lộ sao kê chưa gây thiệt hại về tiền nhưng đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, lòng tin của khách hàng với ngân hàng”, luật sư Đức đánh giá.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết khách hàng có quyền khiếu kiện khi ngân hàng để lộ thông tin của mình. Ảnh: Hoàng Linh. |
Dưới góc độ dân sự, ông cho biết khách hàng có quyền đề nghị cơ quan chức năng xử lý cá nhân vi phạm, thậm chí khởi kiện, yêu cầu xin lỗi, bồi thường vì để xảy ra sự việc. Trong quá trình xác minh, nếu cơ quan chức năng xác định có vai trò của tập thể thì ngân hàng cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
“Khách hàng có quyền yêu cầu khởi kiện, nhưng sẽ rất khó để xác định chính xác thiệt hại, từ đó làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Có những vụ kiện kéo dài nhiều năm mà chưa thể kết thúc. Do đó, cần xác định tính khả thi cũng như cân bằng các lợi ích trước khi đưa ra quyết định khởi kiện”, luật sư nhận định.
Trong đợt lũ ở miền Trung cuối năm 2020, nghệ sĩ Hoài Linh đứng ra kêu gọi được hơn 13 tỷ đồng từ thiện. Danh hài hứa sẽ đến tận nơi để giúp đỡ bà con miền Trung nhưng sau hơn 6 tháng, Hoài Linh không công bố về hoạt động cứu trợ.
Sáng 24/5, trả lời về sự chậm trễ, Hoài Linh cho biết tình hình dịch bệnh căng thẳng nên ông trì hoãn các chuyến cứu trợ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không chấp nhận sự im lặng suốt 6 tháng qua.
Cùng ngày, ảnh chụp màn hình sao kê ngân hàng được cho là của Hoài Linh xuất hiện trên một diễn đàn. Thông tin bị lộ gồm 27 biến động tài khoản gần nhất, trong phần nội dung tin nhắn có đề cập đến số tài khoản thuộc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) mang tên Võ Nguyễn Hoài Linh. Đây cũng là số tài khoản nghệ sĩ Hoài Linh công bố trên trang cá nhân, dùng nhận tiền từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung.
Trả lời Zing hôm đó, đại diện truyền thông Ngân hàng TMCP Quân Đội cho biết đã ghi nhận sự việc, đang kiểm tra, xử lý.
Theo Zing.vn