Danh hài Chí Tài gây ấn tượng bằng vẻ hiền lành, thân thiện. Ngoài sân khấu, ông từng góp mặt trong nhiều bộ phim gây tiếng vang của điện ảnh Việt.
Ông Thủy trong Công chúa teen và Ngũ hổ tướng (2010): Bộ phim hài ra mắt dịp Tết Nguyên đán 2010 có sự góp mặt của nhiều gương mặt thần tượng nổi tiếng như Bảo Thy, Chí Thiện, Ngô Kiến Huy, bên cạnh các cây hài Hoài Linh, Chí Tài, Tấn Beo, Hiếu Hiền, Mạnh Tràng. Phim xoay quanh quan hệ thân chủ – khách hàng cười ra nước mắt giữa cô ca sĩ đỏng đảnh Britney Bích (Bảo Thy) và nhóm vệ sĩ Ngũ hổ tướng. Sau hàng loạt biến cố, từ chỗ ghét bỏ, tìm cách gây khó khăn cho nhau hết lần này đến lần khác, hai bên đã tìm thấy tiếng nói chung. Ảnh: Phước Sang.
Trong phim, Chí Tài vào vai Thủy – một trong năm vệ sĩ thuộc Ngũ hổ tướng được giao nhiệm vụ bảo vệ Bích. Nhóm không phải vệ sĩ chuyên nghiệp, mà chỉ là năm người đàn ông được thuê về “chữa cháy” cho công ty Phong Ba sau khi toàn bộ vệ sĩ của họ đều đầu hàng trước cô ca sĩ đành hanh. Chí Tài, cùng Hoài Linh, Tấn Beo, Hiếu Hiền và Mạnh Tràng đã tạo ra nhóm Ngũ hổ tướng lòe loẹt, hài hước và rất duyên trên màn ảnh. Ảnh: Phước Sang.
Huỳnh Tài trong Gia sư nữ quái (2012): Gia sư nữ quái đánh dấu lần tái ngộ của Chí Tài, Hoài Linh và Bảo Thy trên màn rộng sau Công chúa teen và Ngũ hổ tướng. Trong phim, Chí Tài vào vai Huỳnh Tài – trùm giang hồ khét tiếng. Ông có một cô con gái tên Huỳnh Mai tính tình vô cùng ngang ngược. Lối cư xử của Huỳnh Mai khiến không người gia sư nào được thuê về để kèm cặp cô chịu đựng nổi hai ngày, cho tới khi Minh (Isaac) xuất hiện. Ảnh: LBT.
Dù không phải nhân vật trung tâm của bộ phim, Chí Tài vẫn để lại ấn tượng trong vai một người cha thương con. Ông kiên trì thuê hết người gia sư này đến người gia sư khác về để kèm cặp, đôn đốc việc học của con gái. Biết tính con trái khoáy, ông hết lòng đãi ngộ, thậm chí ép buộc các thầy cô. Để con gái chịu chuyên tâm học hành, ông đã đấu tay đôi một trận với Huỳnh Mai, phần nào giúp cô nhận ra thế giới giang hồ mình háo hức dấn thân thực sự khắc nghiệt như thế nào. Ảnh: LBT.
Ông Kiệt trong Nhà có năm nàng tiên (2013): Bộ phim xoay quanh gia đình ông Tiên Cảnh (Hoài Linh) cùng vợ (Việt Hương) và năm cô con gái tài sắc vẹn toàn. Một ngày kia, mẹ ruột của một trong năm cô tới nhà Tiên Cảnh xin ông cho nhận lại con. Sự kiện mở màn cho loạt biến cố bất ngờ và gay cấn. Ảnh: Sóng Vàng.
Chí Tài đảm nhận vai phụ Kiệt “đào hoa” trong Nhà có năm nàng tiên. Dù không can thiệp đáng kể vào mạch truyện, nhân vật cùng các vai thứ như người yêu Tiên Sa (Tấn Beo), phản diện So “dách lầu” (Hoàng Sơn) đã mang lại cho bộ phim những mạch truyện phụ không kém phần hài hước. Nhà có năm nàng tiên đã thu 60 tỷ đồng trong mùa phim Tết 2013. Ảnh: Sóng Vàng.
Ông Luân trong Thần tượng (2013): Vai Luân của Thần tượng là lần hiếm hoi Chí Tài thủ vai phản diện trên màn ảnh rộng. Luân là ông trùm trong giới biểu diễn tại sân khấu phía Nam. Ông ta giàu có, giỏi làm ăn lớn, nhưng cũng vô cùng bảo thủ và mưu mô. Ảnh: Wepro.
Chia sẻ với báo chí lúc đó, Chí Tài cho biết vai diễn có tạo hình và tính cách đối lập với con người cũng như các vai diễn của mình trước đây. Thần tượng là bộ phim đầu tay của Nguyễn Quang Huy trong vai trò đạo diễn, xoay quanh hậu trường showbiz Việt. Phim có sự góp mặt của nhiều tên tuổi như Hoàng Thùy Linh, Harry Lu, Hứa Vĩ Văn… Ảnh: Wepro.
Ông Tư Phi trong Trúng số (2015):Trúng số của đạo diễn Dustin Nguyễn từng đại diện cho điện ảnh Việt Nam dự tranh hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc tại Oscar lần thứ 88. Bộ phim mở ra bằng sự kiện ông Tư Phi (Chí Tài) đột ngột trúng số độc đắc 9 tỷ đồng sau khi mãn hạn tù. Với bản tính tốt bụng và hào phóng, Tư Phi đã đem khoản tiền “trời cho” chia bớt cho mọi người. Ảnh: Chí Tài Brothers.
Dù chỉ là cái cớ để câu chuyện bắt đầu, vai Tư Phi của Chí Tài là một mắt xích quan trọng của Trúng số. Sự hào phóng của Tư Phi là thứ thuốc giúp vẽ nên bức chân dung con người vùng nông thôn Nam Bộ với cả đức tính lẫn cố tật. Ở trung tâm bức tranh ấy là Thơm (Ninh Dương Lan Ngọc) – một bà mẹ đơn thân làm nghề bán vé số. Thơm, giống như Tư Phi, cũng mang tấm lòng nhân hậu, tới độ không ít lần bị người đời lợi dụng. Nhưng vượt qua những vấp váp, lầm lỡ, họ vẫn nỗ lực từng ngày để vươn lên bằng con đường lương thiện. Ảnh: Chí Tài Brothers.
Ông Năm Triều trong Dạ cổ hoài lang (2017): Bộ phim chính kịch của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được phóng tác từ nội dung vở cải lương cùng tên. Dạ cổ hoài lang lấy bối cảnh nước Mỹ giữa mùa đông tuyết trắng, với trung tâm là hai người đàn ông cô đơn (Hoài Linh, Chí Tài) cùng hồi tưởng về những ngày tháng cũ nơi cố hương. Ảnh: HKFilm.
Dạ cổ hoài lang tái hiện trên màn ảnh một phần nét đối lập giữa văn hóa và lối sống của người Việt tha hương với cộng đồng bản xứ. Tác phẩm càng có thêm sức nặng khi hai diễn viên chính Hoài Linh và Chí Tài đều là những nghệ sĩ từng có một thời thanh xuân bôn ba nơi đất khách. Họ đồng thời là những người bạn tri kỷ từ sân khấu tới cuộc đời. Tuy không gặt hái thành công vang dội tại phòng vé, bộ phim vẫn mang đến nụ cười và lấy đi những giọt nước mắt nơi khán giả. Ảnh: HKFilm.