Thanh Hoàng vừa qua đời tại TP.HCM vào chiều ngày 26/7 vì bệnh ung thư. Sự ra đi của anh để lại niềm tiếc thương trong giới và khán giả vì nghệ thuật miền Nam mất đi một người nghệ sĩ tài hoa, đa tài.
Thanh Hoàng thuộc thế hệ vàng của sân khấu kịch miền Nam cùng với Thành Lộc, Hữu Châu, Việt Anh, Hồng Vân, Minh Nhí… Ngoài ra anh còn có hàng trăm vai diễn trên màn ảnh nhỏ trong 30 năm gắn bó với nghề. Đạo diễn Công Ninh đánh giá Thanh Hoàng là một trong những tác giả kịch bản sân khấu giỏi của Việt Nam.
“Kịch bản của Thanh Hoàng gắn liền với đời sống của xã hội. Cấu trúc kịch bản chắc, chi tiết đưa vào kịch rất hợp lý. Các nhân vật đều có số phận rõ ràng. Tôi đã dựng cho Thanh Hoàng vở Dạ cổ hoài lang, Cha yêu. Tất cả đều để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả”, Công Ninh nhận định.
Nhắc đến Thanh Hoàng ở vai trò tác giả kịch bản không thể không nhớ tới vở kịch kinh điển của sân khấu miền Nam – Dạ cổ hoài lang. Vở kịch này được anh cảm tác khi đọc bài báo về cuộc sống của người Việt xa xứ.
|
Thanh Hoàng và Việt Anh trong vở kịch Dạ cổ hoài lang. |
Câu chuyện của ông bà già cô đơn nơi xứ người tìm về cội nguồn bằng cách treo củ hành, củ tỏi, trái ớt trong nhà để đỡ nhớ quê khiến anh xúc động mạnh.
Cuối năm 1994, kịch Dạ cổ hoài lang được công diễn lần đầu trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Kịch do Công Ninh làm đạo diễn.
Nghệ sĩ Việt Anh vào vai ông Năm, Thành Lộc đóng vai ông Tư. Hồng Vân và Quốc Thảo khi đó đóng vai nhân vật chàng trai, cô gái trẻ.
Vở chỉ có bốn diễn viên đã trở thành hiện tượng của làng kịch với hàng dài để đi xem kịch mỗi suất chiếu. Mỗi ngày, kịch diễn ba suất vẫn không đủ bán vé cho người xem.
Vở từng được mang ra công diễn ở Hà Nội và Mỹ. Hơn 20 năm qua, Dạ cổ hoài lang có hơn 1.000 suất diễn, từng đoạt nhiều huy chương tại các sân khấu toàn quốc. Năm 2017, vở kịch được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đưa lên màn ảnh rộng với diễn xuất của Hoài Linh và Chí Tài.
Đạo diễn Công Ninh đánh giá vai thẩm phán trong kịch Cõi tình là vai đáng nhớ của Thanh Hoàng. Vở kịch do cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền viết chỉ có 3 nhân vật gồm người chồng, vợ và anh phu quét rác. Thanh Hoàng vào vai vị thẩm phán vô tình gây một tai nạn giao thông.
|
Thanh Hoàng và Mỹ Uyên trong vở Cõi tình. |
Người vợ của anh đã dùng phép “thử” để xem chồng ứng phó như thế nào trước mối đe dọa bị truy tố trước pháp luật. Từ phép thử này, mặt trái trong tính cách người chồng bị vạch trần.
Nghệ sĩ Thanh Hoàng đã thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc trong con người anh thẩm phán. Phân cảnh anh thẩm phán bị lột mặt nạ, một người tưởng như rất yêu thương vợ nhưng lại vì lợi ích cá nhân đã chà đạp lên tất cả cuối vở diễn thật sự ám ảnh người xem.
Đạo diễn Công Ninh đánh giá đó là khoảnh khắc rất thú vị, mô tả trọn vẹn bản tính của vị thẩm phán.
Vở kịch Cha yêu từng đình đám tại sân khấu kịch Sài Gòn và 5B cũng mang đậm dấu ấn Thanh Hoàng. Phiên bản đầu tiên ở sân khấu Sài Gòn do nghệ sĩ Chánh Tín đóng chính. Khi kịch được đưa về sân khấu 5B diễn thì vai chính – người con từ nước ngoài trở về – do Thanh Hoàng đảm nhận.
NSƯT Công Ninh người dàn dựng vở kịch nhận xét: “Nếu anh Chánh Tín có nét lãng mạn, nghệ sĩ của người Việt ở nước ngoài thì Thanh Hoàng có nét nghiêm túc của một công chức ở nước ngoài trở về. Mỗi vai diễn của anh ấy đều để lại tình cảm đẹp với khán giả. Sở dĩ anh ấy thành công ở vai diễn này vì hơn ai hết, anh chính là tác giả kịch bản”.
Bác sĩ Thanh là nhân vật đại diện cho những người có tư tưởng cá nhân, tự cho mình cái quyền đứng ngoài những quy luật của xã hội, xem thường những biến động của xã hội. Cuối cùng ông lại là nạn nhân của những biến động đó.
|
Thanh Hoàng trong phim Con nhà nghèo. |
Trong phim, Thanh Hoàng cùng với Trịnh Kim Chi đã có phân đoạn tâm lý nặng, đặc biệt đạo diễn Mỹ Hà còn yêu cầu hai diễn viên đóng một cảnh trò chuyện dài 15 phút chỉ quay với một cú máy.
Điều này là áp lực với nữ diễn viên nhưng Thanh Hoàng đã thể hiện xuất sắc bằng năng lực và kinh nghiệm dày dặn. Trịnh Kim Chi cho biết chính tài năng và sự hóa thân của đàn anh đã đẩy cảm xúc của chị rất nhiều.
Phim ra mắt năm 1998 do Hồ Ngọc Xum đạo diễn. Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh, miêu tả cuộc sống của người dân miền Tây.
Vai diễn cậu Hai Nghĩa gian ác, chuyên ức hiếp người nghèo không làm khó Thanh Hoàng dù đây không phải là sở trường của anh.