H’Hen Niê là nhân tố gần như “độc nhất vô nhị”, hiếm có khó tìm trong bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào, song để đào tạo cô trở thành một người đẹp có khả năng chinh chiến quốc tế, vẫn cần đến những khóa học từ cơ bản đến phức tạp nhất.
Trong vòng một năm qua, số tiền đầu tư của ban tổ chức (BTC) Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam – vào H’Hen Niê lên đến hàng tỷ đồng cộng với công sức của tập thể hàng chục người.
Sự đầu tư này đã biến H’Hen Niê từ một nhân tố tiềm năng trở thành ứng viên nổi trội, và kết quả là vào Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, cuộc thi sắc đẹp khắc nghiệt bậc nhất.
Đó là khẳng định của anh Trần Việt Bảo Hoàng – giám đốc điều hành công ty Hoàn vũ Sài Gòn, là người đứng đầu ê-kíp chuẩn bị cho H’Hen Niê tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay. Lý do? Một phần, bởi việc đào tạo hoa hậu Việt Nam vẫn đang trên đường tìm kiếm mô hình phù hợp chứ chưa hoàn thiện và chuyên nghiệp. Một phần, bởi “cỗ máy” là từ quá cứng nhắc, khó có thể áp dụng trong đào tạo con người.
2 từ đầu tiên mà hầu hết mọi người nghĩ khi nhắc về H’Hen Niê là “chân thật” và “độc nhất vô nhị”.
Với H’Hen Niê, để tìm ra điểm mạnh của thí sinh này, BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã tổ chức một buổi “brainstorm” đặc biệt nhằm mổ xẻ những đặc điểm của hoa hậu mà ê-kíp có thể khai thác cho cuộc thi. Những cuộc thảo luận này quy tụ toàn bộ nhóm PR, nhóm sản xuất, nhóm quản lý talent, nhóm mạng xã hội… của công ty.
“Ban đầu, ê-kíp nghĩ rằng đây là cuộc brainstorm vô nghĩa, nhất là khi tôi hỏi họ 2 câu hỏi: ‘Từ đầu tiên bạn nghĩ đến khi nhắc về H’Hen Niê?’ và ‘Từ đầu tiên bạn muốn mọi người nghĩ đến khi nhắc về H’Hen Niê?’. Nhưng thực ra, đó là 2 câu hỏi rất quan trọng để mang cô ấy ra thế giới”, Bảo Hoàng kể.
Để tìm ra chiến lược cho H’Hen Niê, ê-kíp đã “brainstorm” để tìm ra điểm nổi bật của cô. Ảnh: Huỳnh Trường Thiên An. |
Hóa ra, 2 từ mà hầu hết mọi người nghĩ về H’Hen Niê là “chân thật” và “độc nhất vô nhị”.
Theo nhận xét của nhiều người, H’Hen Niê rất trung thực với mọi người và sống đúng với bản thân mình, đó là điều mà ai cũng nhận ra. Cô sống theo bản năng có được từ núi rừng hoang dã.
Đó chính là điều khiến cô trở nên độc nhất vô nhị so với những người đẹp khác, và giúp cô dễ dàng gây thiện cảm cho người đối diện. Nếu những ai tiếp xúc với H’Hen Niê đều ấn tượng bởi những đặc điểm đó, thì đó chính là thế mạnh cần khai thác của cô.
Kết quả? Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018, chính sự chân thật và độc nhất vô nhị đã đẩy H’Hen Niê ra ánh sáng, giúp cô nhận được sự quan tâm ban đầu và ngày càng phát triển thành thiện cảm. Họ gọi cô bằng những từ ngữ độc đáo như “hoa hậu tóc ngắn”, “hoa hậu bánh mì”. Hiện nay, sau đêm chung kết thành công, cô được nhiều khán giả quốc tế thừa nhận yêu mến và ngưỡng mộ.
Như tất cả đã chứng kiến, tiếng Anh là một rào cản lớn với H’Hen Niê khi bước chân ra thế giới. Với câu hỏi “Hen không chịu học hay Hen không học được?”, Bảo Hoàng trả lời: “H’Hen Niê rất chịu khó học nhưng cô ấy không thể dành hết toàn bộ thời gian một năm để học tiếng Anh”.
Một điều đáng lưu ý là H’Hen Niê đã 26 tuổi, tiếng Việt đã là ngôn ngữ thứ hai của cô sau tiếng Ê Đê. Hoa hậu nói thành thạo tiếng Việt dù âm sắc lai nhiều vùng miền. Như vậy, có thể khẳng định cô có khả năng học ngoại ngữ. Nhưng thực tế đã chứng minh, tuổi càng lớn, việc học thêm một ngôn ngữ mới càng khó do lưỡi không còn đủ linh hoạt và khả năng tiếp thu cũng chậm đi.
Lắng nghe cách H’Hen Niê nói tiếng Anh trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2018, nơi cô thể hiện khả năng này một cách tự nhiên nhất, có thể thấy hoa hậu phát âm không tệ. Điểm yếu của cô là rất thiếu từ vựng, ý tứ còn đơn giản, thường thấy ở những người không thường xuyên sử dụng tiếng Anh.
H’Hen Niê biết tiếng Anh không phải điểm mạnh của mình nên cô chọn đầu tư cho các kỹ năng khác. Ảnh: Miss Universe. |
Trong quá trình đào tạo, đã có lúc, giám đốc điều hành phải ngồi lại với thầy dạy tiếng Anh của H’Hen Niê như một buổi “họp phụ huynh” để cùng tìm ra giải pháp cho vấn đề này, nhưng cuối cùng phải đi đến thỏa hiệp.
“Hen xác định rằng vì tiếng Anh không phải là thế mạnh, cô ấy sẽ không cố chấp và dành thời gian rèn luyện các kỹ năng khác”, Bảo Hoàng cho biết, “Ban đầu, tôi không đồng ý với quan điểm đó. Tôi cho rằng ngôn ngữ là phương thức đầu tiên để giao tiếp và kết nối con người. Nhưng H’Hen Niê vẫn kiên định với quan điểm của mình. Và nhờ đó cô ấy đã rèn luyện để ngôn ngữ hình thể trở nên rất sinh động, cuốn hút”.
Sau khi H’Hen Niê đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2018 vào tháng 1, cô được truyền thông lẫn dư luận rất chú ý, trở thành tâm điểm trong một thời gian khá dài. Nhưng trong những tháng sau đó, đến tận trước khi mùa thi sắc đẹp cuối năm bắt đầu, hình ảnh hoa hậu trên truyền thông cũng khá nhạt nhòa.
H’Hen Niê cũng từng băn khoăn khi tên tuổi cô thiếu sức nóng trước cuộc thi. Ảnh: Miss Universe. |
Cô ý thức rõ danh tiếng mình nguội đi vì thời gian và sự xuất hiện của những người đẹp khác, nhiều lúc không tránh khỏi lo lắng. Một năm ròng rã chuẩn bị cho Hoa hậu Hoàn vũ 2018 cũng từng bị coi là quá dài, khiến tên tuổi H’Hen Niê nguội hơn rất nhiều so với Phạm Hương năm 2015, người lên đường đi thi chỉ 2 tháng sau đăng quang.
Chính BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng từng loay hoay trong việc định hướng cho H’Hen Niê, giúp cô vững tin rèn luyện và không bị ảnh hưởng tinh thần vì tên tuổi bớt sức nóng.
Thêm vào đó, từ phân tích do chuyên gia tâm lý của H’Hen Niê đưa ra, có thể thấy cô là người Ê Đê, sinh ra và lớn lên trong xã hội mẫu quyền, nơi người phụ nữ có quyền quyết định trong hầu hết hoàn cảnh. Vì vậy, H’Hen Niê có tính cách lãnh đạo. Cô thích tự quyết định những việc quan trọng. Điều này từng dẫn đến một vài mâu thuẫn với chính giám đốc điều hành, dẫn đến chiến tranh lạnh, nhưng đã được dung hòa.
H’Hen Niê chính là người đẹp có kỹ năng catwalk được đánh giá là đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay. Sau các màn trình diễn trong bán kết và chung kết, cô nhận được lời khen catwalk đẹp từ các cựu hoa hậu và những chuyên gia sắc đẹp khắp thế giới.
Điều đặc biệt là chính H’Hen Niê có thể coi là “bậc thầy” trong lối catwalk này chứ không hẳn là sản phẩm của bất cứ ông thầy nào. Mặc dù vậy, BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng chi rất nhiều tiền để mời Anjo Santos, chuyên gia đào tạo catwalk người Philippines (người cũng hướng dẫn catwalk cho Tiểu Vy, Phương Nga và Thùy Tiên thi quốc tế năm nay).
H’Hen Niê cãi thầy Anjo Santos khi tự chọn lối catwalk bốc lửa, đánh hông mạnh. Điều này mang lại thành công cho cô. Ảnh: Chụp màn hình. |
H’Hen Niê thậm chí còn cãi thầy Santos khá nhiều trong quá trình học vì cô không đồng ý với lối đi mà người thầy muốn áp dụng cho mình. Nếu Santos ưng ý kiểu đi đánh hông nhẹ và hiền lành hơn thì H’Hen Niê đã chọn đánh hông mạnh, sải bước quyền lực và mạnh mẽ cho tất cả các phần thi của mình. Thực tế đã chứng minh lựa chọn của cô là đúng.
Bên cạnh đó, hoa hậu còn được đầu tư học trang điểm, thử sức xuống phố với những kiểu hóa trang khác nhau. Cô luyện tập trả lời phỏng vấn cùng chuyên gia nước ngoài, bởi vòng phỏng vấn kín chiếm 60% số điểm.
H’Hen Niê học cùng chuyên gia trang điểm Hàng Thanh Thiện, giúp cô tự trang điểm thành công trong 2 đêm bán kết và chung kết Hoa hậu Hoàn vũ. Ảnh: Huỳnh Trường Thiên An. |
Phần trả lời phải giúp thể hiện đầy đủ tính cách cô ở những mặt hấp dẫn nhất, đồng thời phong thái phải tự nhiên và vui tươi. H’Hen Niê cũng luyện tập khá kỹ nhiều câu hỏi về chủ đề chính trị, xã hội, môi trường… Nhưng trong đêm chung kết, khá tiếc khi cô vấp phải câu hỏi về chủ đề #MeToo mà cô không am hiểu.
Bên cạnh đó, một hoạt động rất quan trọng và không hẳn là đào tạo, nhưng góp phần nâng cao hình ảnh cho hoa hậu là việc làm đại sứ toàn cầu của tổ chức Room To Read. H’Hen Niê tổ chức bán sách và quyên tiền để xây thư viện cho trẻ em nghèo. Room To Read là một tổ chức quốc tế uy tín nên hoạt động này của hoa hậu được đánh giá rất cao.
Việc xuống đường bán sách quyên góp cho Room To Read giúp H’Hen Niê có kinh nghiệm hoạt động xã hội. Ảnh: Huỳnh Trường Thiên An. |
Thậm chí, H’Hen Niê cũng được BTC đăng ký một khóa học trình diễn tại New York (Mỹ) nhưng cô phải bỏ lỡ do vướng lịch trình.
BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng đầu tư để biến chương trình đào tạo này trở thành một chương trình truyền hình thực tế phát qua mạng, nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn quá trình đưa một đại diện thi đi sắc đẹp quốc tế.
Rõ ràng, quá trình đó không đơn thuần là đăng quang trong nước rồi đi thi ngay.
Trong một năm chuẩn bị, H’Hen Niê không ít lần vấp phải sự hoài nghi của dư luận, chẳng hạn như “Đầu tư lớn thế không biết có vào top nổi không?”. Nhưng kết quả đã nói lên tất cả: chuẩn bị kỹ lưỡng không bao giờ là thừa.
Sau kỳ tích Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ của H’Hen Niê, nhiều chuyên gia sắc đẹp ở Việt Nam đặt ra vấn đề cần thay đổi thói quen chọn và đào tạo thí sinh thi sắc đẹp. Nhưng Việt Nam không nên đi theo con đường đào tạo hoa hậu như những cỗ máy, theo những phong cách giống hệt nhau vì không một cô gái hiện đại, độc lập nào lại tuân thủ điều đó.
“Một công thức thành công với H’Hen Niê không có nghĩa là năm sau có thể áp dụng lại cho thí sinh khác”, Bảo Hoàng nhận định, “Năm nay, câu chuyện của Hen là độc nhất vô nhị từ mái tóc, cách cư xử, bộ trang phục dân tộc bánh mì cho đến những tranh cãi không ngớt từ lúc đăng quang đến nay. Trong các năm sau, nếu thí sinh không có được những yếu tố đó, chúng tôi buộc phải tìm những công thức mới”.
Á hậu Hoàng Thùy được dự báo là đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ 2019. Ảnh: FBNV. |
Năm 2019, sự chú ý đang đổ dồn về phía Á hậu Hoàng Thùy, người được cho là sẽ tiếp bước H’Hen Niê đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Hoàn vũ. Cả Hoàng Thùy và BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đều chưa công bố thông tin này, nhưng á hậu cũng thường chia sẻ việc cô rèn luyện tiếng Anh và hoạt động xã hội, cho thấy đang có sự chuẩn bị.
Và rõ ràng, với câu chuyện từ người mẫu vedette thành thí sinh sắc đẹp, cộng với tham vọng và cá tính của Hoàng Thùy, BTC sẽ cần một chiến lược khác.