*Bài viết tiết lộ nội dung phim.
Được cộng đồng yêu điện ảnh trông đợi suốt thời gian qua, Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings (Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân) là bom tấn đầu tiên thuộc MCU có sự xuất hiện của siêu anh hùng người châu Á.
Không chỉ hứa hẹn đem đến cho khán giả bầu không khí đậm chất phương Đông với những màn tỷ thí võ kungfu đặc sắc, bộ phim còn quy tụ dàn sao châu Á thực lực như Lương Triều Vỹ, Dương Tử Quỳnh, Trần Pháp Lai, Nguyên Hoa, Awkwafina…
Bom tấn Shang-Chi xoay quanh chàng trai trẻ cùng tên do tài tử Lưu Tư Mộ thủ vai.
Dù chọn sống ẩn dật dưới vỏ bọc nhân viên hầu phòng khách sạn tầm thường, Shang-Chi có thân thế đặc biệt. Là con trai của Wenwu (Lương Triều Vỹ thủ vai), ông trùm bất lão bất tử điều hành tổ chức khủng bố khét tiếng Thập Nhẫn, Shang-Chi sớm được cha đào tạo nghiêm khắc từ nhỏ. Anh sở hữu kỹ năng chiến đấu, sinh tồn không hề kém cạnh sát thủ thực thụ.
Do sợ hãi tính cách gia trưởng của Wenwu và không muốn bản thân trở thành kẻ giết người máu lạnh, anh quyết định bỏ trốn sang Mỹ, thay tên đổi họ với mong muốn làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, sau nhiều năm dài tận hưởng sự yên bình, Shang-Chi buộc phải ra mặt nhằm ngăn chặn “kế hoạch điên rồ” của cha, đồng thời nỗ lực thoát khỏi mặc cảm tội lỗi trong quá khứ.
Được nhào nặn bởi đội ngũ Marvel Studios, Shang-Chi mang tới những góc máy mãn nhãn cùng loạt đại cảnh hành động, cháy nổ hoành tráng. Thế nhưng, không phải bức tranh phương Đông kỳ ảo hay yếu tố võ thuật Kungfu, mà hình tượng “phản diện” Wenwu do Lương Triều Vỹ đảm nhận và mối quan hệ giữa ông với nhân vật chính mới là điểm nhấn thu hút giúp giữ chân khán giả.
Không giống số đông siêu ác nhân trong MCU, mục tiêu của Wenwu không liên quan tới tham vọng trở thành bá chủ địa cầu, quyết tâm trả thù, hay lý tưởng giải cứu vũ trụ khỏi bờ vực diệt vong. Ngược lại, động cơ thúc đẩy ông trùm bắt nguồn từ thứ cảm xúc “rất đỗi con người”. Đó là tình yêu, là nỗi đau khi đánh mất người mình yêu thương nhất.
Từng mải mê tung hoành khắp chiến trường, “gã chiến binh bất tử” đã hoàn toàn thay đổi sau lần gặp gỡ Ying Li (Trần Pháp Lai thủ vai), bóng hồng trấn giữ cánh cổng dẫn vào vùng đất Ta Lo huyền bí. Để được chung sống bên cô, ông chấp nhận từ bỏ giấc mơ chinh phạt và sức mạnh bất tử do món bảo khí Thập Nhẫn ban tặng.
Ấy vậy, ân oán xưa cũ không buông tha cho Wenwu, thậm chí còn lấy đi tính mạng của Ying Li. Vì lòng tự tôn quá lớn, ông không chịu chấp nhận rằng tấn thảm kịch này là hậu quả xuất phát từ sai lầm mình gây ra trong quá khứ. Sau khi tái xuất, ông dùng Thập Nhẫn để gây dựng thế lực rồi tìm cách xâm lược Ta Lo, nuôi hy vọng hồi sinh thê tử thông qua phép thuật tại nơi đây.
Gợi nhắc tới dòng phim liêu trai chí dị, câu chuyện trên chứng tỏ Wenwu là nhân vật đa diện, tàn nhẫn nhưng lại lôi kéo được sự đồng cảm từ khán giả. Dẫu Wenwu xuất hiện chủ yếu trong chiếc áo sơ mi giản dị xuyên suốt 2 tiếng thời lượng, ông vẫn gây ấn tượng nhờ thần thái điềm tĩnh của người từng trải và cái uy của kẻ nắm giữ sức mạnh vô song.
Không cần bài phát biểu triết lý hay bộ giáp trụ hầm hố, chỉ bằng cái lườm mắt cùng vài câu nói ngắn gọn, ông dễ dàng áp đảo tinh thần của con trai cùng những kẻ dám đối đầu mình.
Bên cạnh đường dây tâm lý nhân vật, sự xuất hiện của Wenwu trên màn ảnh rộng sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu đi màn hóa thân của Lương Triều Vỹ.
Từng chinh phục vô số thể loại vai diễn khác nhau từ hài hước, hành động cho tới tình cảm lãng mạn, nhưng đến tận Shang-Chi, cộng đồng yêu điện ảnh mới được chứng kiến tài tử đảm nhận một siêu ác nhân. Tất nhiên, thử thách này chẳng làm khó nổi ngôi sao hàng đầu xứ cảng thơm.
Sở hữu kỹ thuật diễn xuất thượng thừa, Ảnh Đế Kim Tượng đã khắc họa xuất sắc hai thái cực đối lập ở ông trùm hội Thập Nhẫn. Lúc đối diện kẻ thù, thuộc hạ và hai đứa con, Wenwu là một gã đàn ông lạnh lùng, cứng rắn, tuy nhiên khi đứng trước Ying Li, y lại bộc lộ sự ấm áp, mềm mỏng đến khó tin. Bằng cách lột tả trọn vẹn nỗi đau cùng chiều sâu tâm lý nhân vật, ngôi sao Lương Triều Vỹ thành công biến “chiến binh bất tử” thành điểm sáng lớn nhất toàn bộ tác phẩm.
Ngoài việc lột tả trọn vẹn chiều sâu nhân vật, Lương Triều Vỹ cũng giúp người xem cảm nhận rõ được nỗi đau luôn dày vò tinh thần Wenwu qua sự thay đổi cực kỳ tinh tế trên nét mặt, kết hợp đôi mắt thăm thẳm “chứa đựng hàng ngàn câu chuyện”.
Ánh nhìn u sầu, đầy suy tư khi ông trùm nhớ về khoảng thời gian hạnh phúc bên người vợ quá cố đảm bảo sẽ khiến không ít fan điện ảnh rùng mình khi gợi nhắc tới Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love, 2000), kiệt tác từng giúp ngôi sao thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes.
Chưa kể, dường như tài tử họ Lương còn đem luôn cả trải nghiệm đời mình vào bom tấn Shang-Chi. Với quá khứ bị cha bỏ rơi, ông hiểu rất rõ việc một ông bố thất bại và hậu quả nặng nề mà chính con cái họ phải gánh chịu là như thế nào. Vì vậy, hình tượng siêu phản diện Wenwu trong phim hiện lên hết sức gần gũi, trở thành điểm sáng lớn nhất, đậm chất Á Đông nhất của toàn bộ tác phẩm.
Đó là một người chồng, người cha điển hình ta thường thấy ở các gia đình châu Á. Xung đột giữa gã với Shang-Chi thực chất cũng không gì khác hơn chuyện mâu thuẫn gia đình.
Tình phụ tử, mâu thuẫn cha con vốn không phải chủ đề mới mẻ trong bom tấn MCU. Tuy nhiên, khác với Iron Man 2 (2010), Ant-Man (2015), Captain America: Civil War (2016) hay Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017)… mối quan hệ giữa 3 cha con nhân vật chính trong Shang-Chi được khai thác đa chiều, có phần gần gũi hơn với người xem châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Là hình mẫu người bố phương Đông tiêu biểu, Wenwu khá kiệm lời, gia trưởng, ít quan tâm tới cảm xúc của con cái. Kể từ ngày vợ mất, ông càng trở nên nghiêm khắc, cố gắng áp đặt Shang-Chi, Xialing vào khuôn khổ mình mong muốn.
Thế nhưng, ông trùm hội Thập Nhẫn chưa từng xem con cái như công cụ, hoặc có ý định biến con mình thành cỗ máy giết chóc nhằm phục vụ mưu đồ cá nhân. Cụ thể, lúc đối thoại bằng tiếng Trung, ông luôn xưng hô “con” và “bàba” (papa) – cách gọi trìu mến, thân thiết giữa hai bố con trong gia đình Trung Quốc – với Shang-Chi.
Chưa kể, lý do ông quyết định đào tạo kỹ năng ám sát cho Shang-Chi từ nhỏ là con trai nói muốn truy lùng kẻ giết hại mẹ cùng cha. Xialing dù muốn nối nghiệp bố nhưng lại bị Wenwu phớt lờ, bởi ông không muốn con gái đón nhận kết cục đau buồn giống vợ mình trước đây.
Wenwu ý thức rõ trách nhiệm làm cha của mình, và ông thật lòng yêu thương con cái. Tréo ngoe thay, ông không biết cách bày tỏ tình thương này. Biết mình đã thất bại thảm hại trong việc nuôi dạy hai đứa trẻ, ông trùm hội Thập Nhẫn càng bám víu vào nỗ lực hồi sinh vợ, hy vọng việc Ying Li trở về từ cõi chết giúp gia đình êm ấm như xưa.
Tương tự cha, Shang-Chi cũng chối bỏ, trốn chạy khỏi quá khứ đen tối một cách tuyệt vọng. Shang-Chi hết mực kính trọng Wenwu, nhưng anh lại gặp vấn đề khi cố gắng bày tỏ quan điểm, chính kiến trước mặt ông.
Cứ thế, Wenwu và Shang-Chi liên tục tổn thương nhau, mâu thuẫn ngày một chồng chất. Cuối cùng, cả hai chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài trực diện đối đầu, sử dụng chiến đấu để giãi bày tâm tư chất chứa bấy lâu.
Tuy sở hữu hai điểm nhấn đắt giá, đứa con tinh thần do Destin Daniel Cretton chế tạo cũng tồn tại không ít hạn chế.
Đầu tiên, Lưu Tư Mộ, tài tử thủ vai Shang-Chi, chưa thể đáp ứng kỳ vọng của khán giả về diễn xuất. Lưu Tư Mộ ghi điểm trong mắt công chúng thông qua việc tự thực hiện nhiều pha hành động khó nhằn, nhưng anh cũng cho thấy sự non nớt khi hóa thân thành nhân vật có quá khứ, tâm lý phức tạp.
Với nét biểu cảm nghèo nàn, mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố của Shang-Chi được Lưu Tư Mộ truyền tải bằng gương mặt đơ cứng, sượng sùng xuyên suốt bộ phim. Kết quả, nam diễn viên hoàn toàn lép vế khi đứng chung khung hình cùng tượng đài diễn xuất như Lương Triều Vỹ hay Dương Tử Quỳnh.
Bên cạnh đó, dẫu được giới phê bình Âu Mỹ đánh giá là “bom tấn đậm đà bản sắc võ thuật phương Đông”, trong mắt cộng đồng fan điện ảnh châu Á, yếu tố hành động của Shang-Chi chỉ mới dừng ở ngưỡng “tạm ổn”.
Có thể thấy đạo diễn Destin Daniel Cretton đã vay mượn nhiều chất liệu võ thuật từ phim ảnh Trung Quốc cho Shang-Chi: Từ lối đánh uyển chuyển, giàu nghệ thuật trong kiệt tác của Trương Nghệ Mưu, Vương Gia Vệ tới kiểu hành động nhào lộn hài hước, khó nhầm lẫn của Thành Long.
Tiếc rằng, khi hòa trộn những tinh hoa ấy với loạt kỹ xảo CGI và phong cách chiến đấu phi vật lý tương tự Fast & Furious, chúng trở nên hỗn độn, dù không quá tệ hại nhưng vẫn khiến nhóm khán giả khó tính cảm thấy hụt hẫng.
Nét diễn gượng gạo của tài tử Lưu Tư Mộ và yếu tố hành động “hỗn tạp” là hai điểm trừ lớn trong Shang-Chi. |
Theo Zing.vn