Với những ai trót gửi gắm tâm hồn vào âm nhạc như thầy Trường sẽ chẳng bao giờ nỡ rời xa giai điệu trầm bổng ấy dù đã về hưu, an dưỡng tuổi già.
Đến với ngôi nhà nhỏ ở thành phố Buôn Ma Thuật của một người thầy đã dạy âm nhạc cho nhiều thế hệ trẻ Trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Đắk Lắk, dường như chưa bao giờ thiếu đi những khúc nhạc trầm bổng. Người đàn ông ấy có cái tên giản dị nhưng chính con người ông dành cho âm nhạc – Nguyễn Trường. Ở tuổi 64, khi đã về hưu sau hơn 40 năm gắn bó với trường lớp, thầy Trường chưa một ngày rời xa âm nhạc. Thầy vẫn tiếp tục đào tạo những cô cậu học trò yêu âm nhạc và bên cạnh đó, ông dành thời gian nghiên cứu, sáng chế nhạc cụ mang hơi thở núi rừng đại ngàn.
Con số nhạc cụ mà thầy đã chế tạo chắc phải đếm đến con số hàng chục, hàng trăm được treo cẩn thận ở nơi dễ nhìn thấy nhất trong căn nhà nhỏ. Hầu hết tất cả nhạc cụ được thầy chế tạo bằng tre – một loài cây mang hồn Việt và còn một lý do đặc biệt ẩn phía sau để ông chọn nguyên liệu độc đáo này: “Cái thú vị nữa trong nhạc cụ tre nứa là ai cũng học được, ai cũng có thể sử dụng được nó chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn”. Sử dụng tre – hồn của đất Việt để tạo ra những nhạc cụ độc đáo và giai điệu âm nhạc của thầy mang hơi thở núi rừng Đắk Lắk. Sự hòa quyện mới lạ đã tạo nên nét riêng của người thầy đã trọn trời gắn bó với âm nhạc.
Trong tất cả nhạc cụ được thầy sáng chế, cây đàn Violin tre độc nhất vô nhị có lẽ khiến ai cũng trầm trồ vì độ trầm bổng độc đáo như gói gọn hơi thở núi rừng tây nguyên nơi đây. Thầy Trường chia sẻ: “Trong đầu tôi đã thai nghén cái đàn này từ lâu rồi nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Đến khi nhân duyên gặp cái mõ bò này thì chính đây là đáp án để ra cây đàn Violin tre”. Núi rừng đại ngàn Đắk Lắk đã nuôi dưỡng âm nhạc trong con người thầy và cũng chính nơi đây giúp thầy tạo ra cây đàn Violin tre có âm thanh lúc trong trẻo lúc vút bay lại có khi nhẹ nhàng.
Bị cuốn hút từ những âm thanh giai điệu đầu tiên từ cây đàn Violin tre độc nhất vô nhị của thầy Trường, Color Man đã ngay lập tức nung nấu kết hợp với bậc thầy sáng chế nhạc cụ tạo ra một sân khấu để đời.
Trên sân khấu được trang trí bằng những nhạc cụ do chính thầy Trường chế tạo cùng không gian mang hơi thở núi rừng Đắk Lắk, đêm diễn của người thầy tài năng mở đầu với bản hòa tấu “Lời của tre” cùng sự góp mặt đến từ Quý Ông Sắc Màu – Color Man khiến khán giả bất ngờ.
Từ cây đàn Violin tre độc đáo của thầy, những tiết mục trên sân khấu mang tên Nguyễn Trường giữa hơi thở núi rừng khoác lên mình nét đặc biệt riêng và từng giai điệu đã chạm vào cảm xúc mỗi khán giả. Ca khúc “Gánh nặng đời cha” do giọng ca trẻ Long Nón Lá thể hiện được làm mới đã đi tới trái tim những ai có mặt tại sân khấu về sự hy sinh, nhọc nhằn của người cha già đáng kính. Cây đàn Violin tre của thầy cũng đa năng như chính người chế tạo ra nó. Bởi lẽ cây đàn không những khiến khán giả lắng đọng mà còn có thể vui tươi, sôi động cùng ca khúc “Tiếng Rao 4.0” với nhóm 199x.
Cũng ở đêm diễn mang tên mình, thầy Trường đã không thể giấu nỗi niềm nhớ về Cố Đô – quê hương chôn rau cắt rốn của bản thân. Chính những cảm xúc chân thật ấy, khán giả khi lắng nghe ca khúc “Mưa trên Phố Huế” cũng có chút đượm buồn cùng người con xa xứ đã hơn 11 năm 2 tháng 10 ngày chưa về thăm lại cố hương.
Tình yêu âm nhạc của một người con xứ Huế được nuôi dưỡng từ núi rừng Đắk Lắk đã tạo nên bậc thầy sáng chế nhạc cụ bằng tre – Nguyễn Trường với đêm diễn khắc tên mình đã đưa khán giả đi đến mọi cung bậc cảm xúc. Hơi thở tây nguyên nơi đây sẽ tiếp tục ôm trọn lấy thầy để tiếng đàn Violin tre vang trong trẻo khắp núi rừng đại ngàn.
Đón xem tập 5 Sô Diễn Cuộc Đời sẽ được phát sóng vào lúc 20g35 Thứ 4 ngày 24/02/2021 trên kênh HTV7.