Ngày 1/6, trên trang cá nhân, Công Vinh đăng tải bài viết đính chính thông tin quảng cáo cho app cá cược. Theo đó, cựu cầu thủ khẳng định mình đang bị lợi dụng hình ảnh trái phép.
“Bên Vinh có ký hợp đồng cho phép sử dụng hình ảnh đối với ** Livestream. Bên agency (bên trung gian) cam kết đây chỉ là ứng dụng xem trực tiếp bóng đá giải trí, không hề liên quan đến trang cá cược nào… Và dù mình có cố gắng cách mấy, đôi lúc cũng không tránh khỏi thiếu sót khi có nhiều đơn vị cố tình đánh tráo thông tin nguồn gốc từ họ”, trích nội dung bài viết của Công Vinh.
Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia truyền thông và quảng cáo “thiếu sót” của Công Vinh khó thể chấp nhận được vì tầm ảnh hưởng quá lớn. Trao đổi với Zing ngày 1/6, đại diện Công Vinh cũng xác nhận chính cựu cầu thủ này đóng quảng cáo cho app BK*.
Theo chuyên gia truyền thông Phan Bình, sáng lập Bold Creative Lab, Công Vinh ký hợp đồng quảng cáo cần thực hiện nhiều bước. Đầu tiên là tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ mà mình quảng cáo. Bước tiếp theo là thương thảo các điều khoản, chi tiết sử dụng, thời gian. Cuối cùng mới là thương lượng mức tiền quảng cáo.
|
Công Vinh xuất hiện trên ứng dụng cá cược bóng đá. |
“Là một người nổi tiếng và làm ra tiền nhờ sự nổi tiếng, Công Vinh phải có ý thức về từng việc làm, lời mình nói khi làm việc. Công Vinh phải có trách nhiệm với công chúng. Trong trường hợp này, công chúng chưa thấy được trách nhiệm của Công Vinh. Không thể la lên là tôi bị lừa là xong chuyện”, chuyên gia truyền thông Đặng Thị Kim Chi cho biết.
Theo bà Chi, trước khi nhận hợp đồng quảng cáo, Công Vinh phải có các bước xác minh, đặc biệt là với những từ khóa nhạy cảm có thể liên quan đến cá cược như BK*. Trên thực tế, chỉ mất vài bước tìm kiếm trên Internet, người dùng đã có thể nhận thấy mối liên quan giữa BK* với hoạt động cá cược. BK* được giới thiệu là nhà cái cá cược lớn từ năm 2015.
Ngoài ra, BK* Live tuy được giới thiệu là ứng dụng xem trực tiếp bóng đá nhưng hoàn toàn không có giấy phép hoạt động truyền hình OTT tại Việt Nam. Các chương trình được chiếu trên ứng dụng này trước đây đều không có bản quyền phát sóng mà chỉ stream lại từ các nền tảng lậu.
Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn – Đoàn Luật sư TP.HCM, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, để được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet (còn gọi là OTT TV), các doanh nghiệp phải được Bộ TT&TT cấp giấy phép.
Nội dung trước khi cung cấp trên dịch vụ phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, biên dịch theo quy định của pháp luật về báo chí.
Công Vinh quảng cáo cho ứng dụng chưa có giấy phép. |
“Ở ý này, Công Vinh không thể nói mình bị lừa được. Chỉ có hai trường hợp là Công Vinh không muốn xác thực hoặc cố tình để bị lừa. Nếu ai cũng dễ bị lừa như vậy thì trong tương lai sẽ có nhiều thứ phi pháp được quảng cáo”, bà Kim Chi khẳng định.
Trên Facebook cá nhân, các bước xác thực thương hiệu BK* được Công Vinh đăng tải chỉ đơn giản là hỏi phía đối tác. “Nếu Công Vinh hỏi trực tiếp đối tác thì đó không phải là xác minh hoặc chỉ là xác minh cho có”, Minh Phương, chuyên gia truyền thông và quảng cáo từ Seaevent nhận định.
Trong hình ảnh trên trang cá nhân, Công Vinh đăng tải email của đối tác, khẳng định banner quảng cáo cho web cờ bạc do bên thứ ba lợi dụng đính kèm. Thực tế, đến 17h ngày 2/6, banner trên ứng dụng mà Công Vinh quảng cáo vẫn không được gỡ bỏ. Khi nhấp vào banner, ứng dụng BK* Live vẫn dẫn người dùng đến trang cá cược cùng tên.
Nếu Công Vinh hỏi trực tiếp đối tác thì đó không phải là xác minh hoặc chỉ là xác minh cho có
Minh Phương, chuyên gia truyền thông và quảng cáo từ Seaevent
Ngoài ra, cách Công Vinh phản ứng trước vụ việc cũng không thể hiện sự trách nhiệm với công chúng. “Theo những gì Công Vinh đăng tải, cầu thủ đã biết hình ảnh được sử dụng để quảng cáo cá cược từ trước nhưng đến khi dư luận, truyền thông phản ánh, Công Vinh mới lên tiếng”, ông Minh Phương nói thêm.
Trong các video quảng cáo, Công Vinh khẳng định nhiều lần “BK* Live TV là lựa chọn của mình”. Trong một số cảnh quay, nam cầu thủ còn ký vào hợp đồng “đại sứ thương hiệu”, nhảy múa, mặc áo in logo BK*.
Hình ảnh Công Vinh trên website cá cược. |
Thông tin Công Vinh gắn với BK* được sử dụng triệt để nhằm thu hút người chơi. Khi truy cập vào liên kết gắn bên dưới video quảng cáo của Công Vinh, người dùng sẽ được dẫn đến liên kết tải ứng dụng trên cả hai nền tảng iOS hoặc Android với hơn 20.000 lượt tải xuống.
Sau khi tải và truy cập ứng dụng, người dùng sẽ được yêu cầu nhập số điện thoại để mở tài khoản. Dù được giới thiệu là ứng dụng xem TV trực tuyến nhưng BK* có giao diện đơn giản. App thể hiện lịch thi đấu một số trận bóng đá. Tuy vậy, khi truy cập, người dùng không thể xem bất cứ chương trình nào.
Thay vào đó, khi nhấp vào banner của ứng dụng, người dùng sẽ được dẫn đến một sàn cá cược với nhiều trò từ bầu cua, tài xỉu đến cá độ đá bóng.
Đây không phải lần đầu tiên một cầu thủ nhận quảng cáo cho các hình thức cờ bạc. Năm 2019, hậu vệ Vũ Văn Thanh cũng xuất hiện trong các quảng cáo của một sàn cá cược tiền số nhị phân – mô hình tài chính rủi ro cao chưa được cấp phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó đến này, Vũ Văn Thanh không đưa ra bất cứ phát ngôn hay lời xin lỗi nào với công chúng.
Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn – Đoàn Luật sư TP.HCM, hành vi quảng cáo cho trang cá cược trái phép bị cấm tại Việt Nam. Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo với mức phạt tiền từ 1-90 triệu đồng.
Thứ hai, việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 197 Bộ luật hình sự 2015.
Trong khi đó, việc quảng cáo cho ứng dụng xem bóng đá miễn phí trực tuyến nhưng thực chất dịch vụ được quảng cáo là mô hình đánh bạc trái phép, trường hợp này có thể xem là hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp dịch vụ của tổ chức, cá nhân.
“Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 1/6, người có hành vi quảng cáo sẽ bị xử phạt hành chính từ 60-80 triệu đồng cùng với biện pháp bổ sung bao gồm buộc tháo gỡ, xoá quảng cáo và buộc cải chính thông tin”, luật sư Toàn cho biết.
Nghiêm trọng hơn, trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối về dịch vụ, người vi phạm còn có thể đối mặt với án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tiền đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo Zing.vn