Trao đổi với Zing, họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao, cho biết bài hát Quốc ca đã được gia đình hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân. Vì vậy gia đình không còn quyền gì với tác phẩm.
“Mọi quyết định, quản lý về bài hát thuộc về Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Dù vậy khi biết bài hát không được vang lên trong phút chào cờ trước trận đấu giữa hai đội tuyển Việt Nam và Lào vì có thể bị đánh bản quyền, gia đình cảm thấy vừa buồn, tức giận vừa cảm thấy hài hước. Làm sao bài Quốc ca thuộc sở hữu nhà nước mà còn có nhiều đơn vị làm như thế”, họa sĩ Văn Thao nói.
“Tôi cho rằng đơn vị tắt tiếng Tiến quân ca là sai quy định. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải làm việc rõ ràng chuyện này. Gia đình cũng khẳng định thêm những bản ghi âm từ trước đến nay, chưa ai, đơn vị nào liên lạc với gia đình, cũng chưa ai trả tiền cho tác giả”, ông cho hay.
Con trai nhạc sĩ Văn Cao khẳng định sắp tới, ông và gia đình sẽ gửi thư tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nêu một vài ý kiến về việc xảy ra chuyện Tiến quân ca bị các công ty đánh bản quyền.
Trả lời Zing, luật sư Nguyễn Đức Hùng (phó giám đốc Công ty luật TNHH TGS, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm cho Nhà nước, tức hiến tặng phần “nhạc và lời”. Khi đơn vị nào sản xuất một bản ghi âm, ghi hình, họ có quyền đối với bản ghi âm, ghi hình đó.
“Ở đây, chúng ta cần phải phân định rõ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Với những bản gốc tác phẩm chẳng hạn Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, họ có quyền tác giả (hay còn gọi là tác quyền, bản quyền). Còn bản quyền bản ghi tác phẩm được coi là quyền liên quan đến quyền tác giả”, luật sư nhận định.
Theo ông, trong trường hợp tác phẩm được hiến tặng cho Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm quản lý về vấn đề bản quyền, mọi hoạt động thực hiện quyền liên quan bao gồm việc sản xuất bản ghi Tiến quân ca.
Còn trong trường hợp hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân, việc cho tặng này chung chung và có thể được hiểu là tài sản thuộc về toàn dân, không một cá nhân, tổ chức cụ thể nào nắm quyền sở hữu và ai cũng có quyền sử dụng. Như vậy, việc sản xuất bản ghi đối với tác phẩm cũng không cần xin phép.
Theo Zing.vn