logo
Thứ năm, 09/05/2024 19:33:49

Câu Chuyện Cuộc Sống: Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội


(Dispatch.vn) - Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ bí quyết để vượt “cửa ải” thử việc, dạy con phân biệt giữa tò mò khám phá và tính tọc mạch, cũng như văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

Vượt “cửa ải” thử việc

Trước khi trở thành nhân viên chính thức của một doanh nghiệp, người xin việc không chỉ trải qua vòng phỏng vấn tuyển dụng mà còn phải vượt qua được cửa ải mang tính quyết định khác, đó là giai đoạn thử việc. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức cho những bạn  trẻ mới ra trường.  

Bạn Lê Thị Kim Hoàng – Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam chia sẻ, giai đoạn nộp đơn xin việc và thời điểm nhận được thông tin thử việc, bạn đã phải chịu không ít áp lực và không ngừng lo lắng suy nghĩ về môi trường và những yếu tố bên trong công ty. Bạn Trần Lâm Như – Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng trong tình trạng hồi hộp tương tự: “Bản thân em là người cảm thấy mất phương hướng, không biết mình nên bắt đầu từ đâu để bản thân em có thể ngồi vào vị trí mà em mong muốn được vào”.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ: “Không nên quá căng thẳng, chắc chắn rằng bất kì một ai đó trong một môi trường mới, họ đều cần một khoảng thời gian để thích nghi. Trong khoảng thời gian này các bạn cứ thể hiện bản thân mình một cách chừng mực nhất có thể có. Làm việc một cách chỉnh chu nhất, nở những nụ cười tươi và sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp của mình. Với những sự thể hiện đó sẽ mang lại thiện cảm đối với những người xung quanh dành cho bạn. Từ đó giúp cho bạn thích nghi được một cách nhanh chóng và linh hoạt, giảm tải những áp lực không đáng có đối với những tân binh khi mới bước chân vào môi trường làm việc mới mẻ”.

Giai đoạn thử việc là thời gian để các ứng viên có thể trau dồi thêm kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm. Vì vậy các bạn trẻ hãy kiên trì nâng cao bản thân mình, luôn cập nhập những kiến thức mới, chủ động tìm hiểu để hòa nhập một cách tốt nhất ở môi trường mới.


Clip: Vượt “cửa ải” thử việc: 

Dạy con phân biệt tò mò khám phá và tính tọc mạch

Một phần rất quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ đó là sự tò mò. Trí tò mò nuôi dưỡng hứng thú học hỏi của trẻ, điều này vô cùng hữu ích trong tương lai sau này. Thế nhưng khi trẻ đi quá giới hạn của tò mò thì sẽ trở thành người có tính tọc mạch, xen vào những chuyện không mang lại những giá trị cho trẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Chuyên gia Tâm lý cho biết, hãy cho trẻ được tham gia hoạt động nhiều hơn ở thế giới bên ngoài. Cha mẹ đừng nên lãng tránh, khi con trẻ đặt những câu hỏi như: “Vì sao lại như thế này?”. “Tại sao vấn đề này lại có và xảy ra trong cuộc sống?”.

Chuyên gia lý giải: Khi trẻ bắt đầu hình thành tư duy và khám phá thế giới, một trong những điều quan trọng nhất để kích thích tính tò mò của con đó là cho con trải nghiệm nhiều môi trường hơn. Có thể là trong sách vở, sân chơi hay chương trình dã ngoại để con được ra bên ngoài, thông qua môi trường của thiên nhiên và tự nhiên, giúp cho trẻ hình thành thế giới quan và kiến thức mới”.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết trẻ sẽ vượt qua giới hạn của sự tò mò, khi trẻ ở độ tuổi lên 6. Bố mẹ phải bắt đầu dạy trẻ cách kiềm chế những câu hỏi mang tính cá nhân của những người lớn khác, đồng thời trẻ cần biết quy tắc không được xâm phạm vào không gian riêng tư của người khác khi không được cho phép. Trẻ cần phân biệt được những vấn đề chung và những vấn đề mang tính riêng tư, nhờ vậy trẻ sẽ xác định được điều gì không nên xâm phạm hoặc không nên cố tìm hiểu một cách cặn kẽ vì đó là những vấn đề hết sức tế nhị và riêng tư của những người xung quanh.

“Hãy ngồi lại và trò chuyện định hướng lại cho con, chỉ con biết những hậu quả của hành vi tọc mạch, sự tổn thương của người khác khi con mình tọc mạch. Trẻ sẽ hiểu được đâu là hành vi đúng và sai”, chuyên gia nhấn mạnh.

Người lớn có thể thiết lập cho mình những không gian riêng bằng cách thông báo cho trẻ biết, rằng lúc này chúng ta đang tập trung cho một vấn đề khác. Đang đọc báo, nấu ăn nên bạn cần có một không gian riêng tư không bị quấy rối bởi tiếng ồn của trẻ. Cha mẹ cũng nên chỉ cặn kẽ con rằng những vấn đề nào, chủ đề nào con không nên tò mò đến. Khi người lớn nói chuyện con nên ở đâu và có thái độ ra sao với những việc không phải của mình. Khi thấy con có những động thái như nói xấu người khác, nghe lén người lớn nói chuyện, cha mẹ cần có động thái nhắc nhở, dạy bảo nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc để điều đó không trở thành một thói quen của trẻ.


Clip: Dạy con phân biệt tò mò khám phá và tính tọc mạch:

 

Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Bên cạnh những lợi ích mạng xã hội mang lại thì đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều người thể hiện cái tôi, hay nói khác đi là có văn hóa ứng xử chưa phù hợp. Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng nó lại rất quan trọng, bởi mỗi hành vi ứng xử trên không gian mạng đều có sức lan tỏa rộng rãi, và tác động đến bản thân và mọi người xung quanh.

Anh Lê Thành Nhơn đang sinh sống tại Quận 8, TP.HCM cho biết, anh thường bị thu hút bởi các tin tức trên mạng, anh cảm thấy được sự đồng điệu với những người có cùng quan điểm với mình. “Khi cuộc sống tôi có nhiều áp lực, tôi thường xem và để lại những dòng bình luận trên các bài viết bóc phốt, để giải tỏa căng thẳng cho bản thân tôi”anh tiết lộ.

Thạc sĩ Bùi Vĩnh Nghi – Chuyên gia Xã hội học cho biết: “Mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, giúp kết nối giao lưu và chia sẻ với mạng xã hội. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận sự công kích nếu chúng ta có cách ứng xử không tốt, đây là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ và tất cả người dùng tham gia mạng xã hội”.

Mạng xã hội tràn ngập những thông tin, vì thế chúng ta cần chọn lọc, tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng không đúng sự thật hoặc ác ý. Cũng giống như cuộc sống thường ngày, việc ứng xử trên mạng xã hội luôn cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm lắng nghe chia sẻ và thông cảm. “Người bị tấn công và công kích bởi mạng xã hội, dẫn đến việc họ dễ dàng cảm thấy bị tổn thương, thu mình lại không muốn tiếp xúc với xã hội thực bên ngoài. Hoặc tự làm tổn thương bản thân mình để giải tỏa đi những áp lực mà mạng xã hội mang đến. Đó là những hậu quả và hệ lụy mà mạng xã hội mang đến nếu chúng ta cư xử không đúng, không tích cực”chuyên gia nhấn mạnh.

Mạng xã hội là một kênh giao tiếp hiện đại nhằm làm cho cuộc sống con người trở nên sinh động, đa dạng và phong phú hơn. Vì thế chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn nguồn tài nguồn này phục vụ con người tốt hơn, đồng thời tạo nên văn hóa ứng xử văn minh và lan tỏa đến cộng đồng.


Clip Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội:

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan