logo
Thứ hai, 24/06/2024 14:59:15

Câu chuyện cuộc sống: Trào lưu sử dụng tiếng lóng ở người trẻ


(Dispatch.vn) - Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Trào lưu sử dụng tiếng lóng ở người trẻ, Lo lắng từ những giấc mơ, Cha mẹ ứng xử thế nào khi trẻ nói dối?

Trào lưu sử dụng tiếng lóng ở người trẻ

 

Hiện nay, trong giao tiếp hàng ngày, giới trẻ thường sử dụng tiếng lóng để làm phong phú thêm sắc thái và biểu cảm cho câu chuyện. Tuy nhiên, việc này có thể gây hiểu lầm hoặc làm mất đi tính trang trọng và lịch sự trong nhiều bối cảnh khác nhau.

Bạn Nguyễn Đình Tuấn Khang (Quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “Sử dụng tiếng lóng như xịt keo, su cà na, ô dề, gato ngày càng phổ biến trong giao tiếp hàng ngày của giới trẻ”.

 

Tiến sĩ Đinh Lưu Giang, Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Ban đầu, tiếng lóng được coi là ngôn ngữ bí mật dùng để mã hóa nội dung, nhưng sau này đã trở thành một hình thức ngôn ngữ phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ có khả năng sáng tạo và nắm vững ngoại ngữ”.

Tiếng lóng là những từ cụm từ biểu hiện ngôn ngữ không theo quy chuẩn và được xem là một hình thức phương ngữ xã hội, thường được sử dụng trong giao tiếp thường ngày, bởi một nhóm người đặc biệt là giới trẻ, nhằm làm tăng tính biểu cảm giúp cuộc trò chuyện với bạn bè trở nên thân mật gần gũi hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên, chuyên gia tâm lý, cho biết: “Trong môi trường làm việc, việc sử dụng tiếng lóng có thể làm giao tiếp thêm thân thiện giữa đồng nghiệp cùng thế hệ. Tuy nhiên, khi giao tiếp với những người lớn tuổi hơn hoặc đối tác mới, việc lạm dụng tiếng lóng có thể gây thiếu chuyên nghiệp và làm mất đi thiện cảm ban đầu”.

Việc sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp giúp tăng tính sinh động và thú vị, nhưng cần phải biết điều chỉnh để tránh gây hiểu lầm và duy trì tính trang trọng, lịch sự khi cần thiết.

Clip Trào lưu sử dụng tiếng lóng ở người trẻ: 

Lo lắng từ những giấc mơ

 

Ngủ không chỉ đơn thuần là thời gian cơ thể nghỉ ngơi mà còn là thời điểm não bộ hoạt động tích cực, thường đi kèm với những giấc mơ ở các mức độ khác nhau, từ nhẹ nhàng đến đáng sợ. Giấc mơ thường được chia thành hai loại chính: giấc mơ vui (mộng đẹp) và giấc mơ buồn (ác mộng). Giấc mơ đẹp thường không đáng lo ngại, trong khi những ác mộng có thể gây rối loạn cảm xúc và làm gián đoạn giấc ngủ, đặc biệt làm cho người mơ lo lắng khi tỉnh dậy. Một số người tin rằng ác mộng có thể mang ý nghĩa hay dự báo về vận mệnh cá nhân.

Chị Lê Trương Trúc Nhi (Quận 1, TP.HCM), chia sẻ: “Mỗi khi mơ được những giấc mơ đẹp, buổi sáng thức dậy tôi thường cảm thấy tinh thần rất thoải mái và tâm trạng vui vẻ. Tuy nhiên, vào những ngày mơ thấy ác mộng, sáng hôm sau tôi lại cảm thấy rất mệt mỏi và đau đầu, không có cảm giác ngon miệng khi ăn. Mỗi khi nhớ lại những ác mộng đó, tôi luôn cảm thấy lo lắng”.

Theo các nghiên cứu, vào ban ngày, các tế bào thần kinh lưu giữ thông tin ngẫu nhiên thu thập được. Khi đi ngủ vào buổi tối, chúng lại hoạt động để sắp xếp và lưu trữ thông tin theo từng loại. Các thông tin được ghi nhận nhiều vào ban ngày, cũng như những cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực như vui, buồn, áp lực căng thẳng, sẽ được tế bào thần kinh nhắc lại và tạo dấu ấn.

Tiến sĩ Lê Văn Nhân, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết: “Trong giấc ngủ, chúng ta có hai giai đoạn chính: giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt nhanh và không chuyển động mắt nhanh. Khi chúng ta ở giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt nhanh, não hoạt động sâu và liên kết lại thông tin ban ngày để tạo thành những giấc mơ. Trái lại, giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh thường không có những trải nghiệm tương tự. Bên cạnh đó, người ta gọi những giấc mơ mang tính tiêu cực là “ác mộng”. Ác mộng có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây ra nhiều cảm xúc như lo lắng và suy nghĩ nhiều khi thức dậy. Những người thường xuyên trải qua ác mộng thường có nhiều vấn đề áp lực, lo lắng và stress trong cuộc sống”.

Để giảm thiểu rối loạn giấc mơ, việc xác định nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp rất quan trọng. Việc chuẩn bị tâm lý trước khi đi ngủ và tạo môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh là điều cần thiết để cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm thiểu ác mộng.


Clip Lo lắng từ những giấc mơ: 

Cha mẹ ứng xử thế nào khi trẻ nói dối?

 

Con trẻ vốn rất đáng yêu, nhưng khi cha mẹ phát hiện con biết nói dối, họ thường giật mình, băn khoăn và thậm chí tức giận vì không hiểu con đã học thói xấu đó từ khi nào. Nếu không uốn nắn kịp thời, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách cũng như sự thành công của trẻ trong tương lai.

Em Nguyễn Anh Khôi (TP.Hà Nội) chia sẻ: Con làm bài được 7,5 điểm, nhưng con về nói mẹ là con được 8 điểm, vì mẹ nói là con mà bị điểm dưới 8 thì mẹ sẽ phạt”.

Trong tất cả các hành vi, nói dối có thể được xem là một trong những hành vi đầu tiên từ độ tuổi mẫu giáo trở lên. Trẻ em bắt đầu nói dối vì nhiều lý do, và điều này ngày càng tăng khi lớn hơn. Nói dối có thể trở thành một thói quen xấu khi trẻ xem đó là cách hiệu quả để thoát khỏi rắc rối hoặc trốn tránh trách nhiệm.

Chị Lê Thùy Dung, phụ huynh học sinh, cho biết: “Đầu tiên, tôi sẽ phải tìm hiểu tại sao bạn ấy nói dối. Có phải là vì bạn ấy sợ bị phạt hay có lý do nào khác? Mình sẽ nói chuyện với bạn ấy và luôn nhắc nhở rằng mẹ sẽ không phạt con vì chuyện đó, mà mẹ sẽ phạt con vì chuyện nói dối. Như vậy, các bạn sẽ luôn thành thật. Sau đó, tìm hướng giải quyết cùng với bạn ấy, động viên và không trách mắng bạn ấy vì lỗi đó, mà giúp bạn hiểu tại sao lại gây ra lỗi và cách giải quyết”.

Anh Vũ Quang Anh, chuyên gia đào tạo kỹ năng sống, chia sẻ: “Tình huống trẻ em nói dối xuất hiện khá phổ biến ở các gia đình. Đầu tiên, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân cụ thể tại sao các bạn lại nói dối. Thường thì có hai nguyên nhân chính, thứ nhất là do phản ứng của bố mẹ khi các bạn ấy nói thật. Chúng ta thử nhớ lại những lần các bạn ấy nói thật, phản ứng của bố mẹ về vấn đề điểm số như thế nào? Nếu điểm thấp, bố mẹ có thể quát mắng, thậm chí đánh các bạn ấy. Do sợ cảm giác đó, các bạn ấy nói dối để tránh bị phạt và mắng”.

Khi phát hiện con nói dối, cha mẹ không nên quát mắng con ầm ĩ. Việc lập tức quát mắng chất vấn sẽ làm con hoảng sợ và lần sau có thể còn nói dối nhiều hơn. Cha mẹ nên giải thích cho con biết về những hậu quả của việc nói dối, bao gồm cả sự mất lòng tin từ người khác và hậu quả tiêu cực mà hành động của họ có thể gây ra. Đồng thời, giúp con hiểu giá trị của sự thành thật, trung thực và trách nhiệm.


Clip Cha mẹ ứng xử thế nào khi trẻ nói dối?: 

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc

đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện. Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan