logo
Thứ tư, 08/05/2024 11:54:20

Câu Chuyện Cuộc Sống: Tối giản mối quan hệ liệu có nên?


(Dispatch.vn) - Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống như trào lưu tối giản các mối quan hệ và thanh lọc mạng xã hội ở giới trẻ, cuối cùng là những lời khuyên bổ ích trên con đường tự giác học tập.

Tối giản mối quan hệ liệu có nên?

Những buổi tiệc tùng hay những buổi cà phê xã giao càng ít đi, đã 2 năm nay, anh Lê Ngọc Hoàng đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM chọn cách sống tối giản các mối quan hệ. Danh sách bạn bè ít đi, bởi theo anh, chất lượng tốt hơn số lượng, cách sống tối giản này giúp anh có nhiều thời gian tập trung cho bản thân và những mối quan hệ quan trọng như gia đình, bạn bè thân thiết.

“Trước đây tôi nghĩ muốn thành công thì phải có thật nhiều mối quan hệ, cho nên bất cứ cuộc vui và cuộc họp nào tôi đều có mặt dù có thân thiết hay không, thời điểm đó tôi có rất nhiều bạn bè, giờ nghĩ lại chỉ tốn thời gian, công sức và tiền bạc, đặc biệt là sức khỏe cũng suy giảm vì nhậu quá nhiều”, anh Hoàng nói.

Nhận thấy cách sống cởi mở với nhiều mối quan hệ dần không hợp với bản thân, anh chuyển sang chú trọng những mối quan hệ thân thiết, điều đó khiến anh phát triển bản thân nhanh và tốt hơn so với thời điểm trước đây.
Hiện nay, ngày càng nhiều người lựa chọn cách sống tối giản, đặc biệt là tối giản các mối quan hệ, nhất là các mối quan hệ không lành mạnh, ít tương tác và ít liên quan trong cuộc sống. Đây được đánh giá là cách sống tích cực, vì ở khía cạnh nào đó, người lựa chọn cách sống này hiểu được bản thân muốn gì, giá trị họ hướng đến, tiết kiệm thời gian, tiền bạc thay vì chạy theo những mối quan hệ không cần thiết, không mang lại giá trị tích cực.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu (Chuyên gia tâm lý) phân tích vấn đề hết sức thực tế là quỹ thời gian của mỗi người đều có hạn, vì vậy luôn phải cân nhắc sử dụng quỹ thời gian thật hữu ích. Người quý trọng thời gian đồng thời sẽ quý trọng cơ hội khi gặp gỡ người khác, vì thế nên họ ưu tiên dành thời gian dành cho những mối quan hệ thật sự quan trọng.

Dù vậy, sống tối giản hóa vẫn thể hiện những mặt tiêu cực nếu chúng ta hiểu sai, đó là đơn giản hóa tất cả các mối quan hệ, không hiểu được giá trị của mối quan hệ đó đối với bản thân, chỉ tập trung vào nhu cầu của bản thân chứ không quan trọng vào chất lượng của mối quan hệ. Dễ nhận thấy nhất là người có ưu tiên coi trọng những mối quan hệ đem lại giá trị vật chất hơn là giá trị tinh thần.

Cho nên, khi lựa chọn sống tối giản mối quan hệ, quan trọng nhất không phải là vấn đề về số lượng mà là chất lượng, chất lượng ở đây là việc dành thời gian chăm sóc, duy trì kết nối với các mối quan hệ lành mạnh, thân tình, mang lại giá trị sống tích cực hơn.


Tập 57: Tối giản mối quan hệ liệu có nên?


Xu hướng “thanh lọc” mạng xã hội ở giới trẻ

Mạng xã hội với nhiều vai trò trong cuộc sống hiện đại đã giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn, cũng như phục vụ nhu cầu giải trí nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, việc lạm dụng mạng xã hội, dành quá nhiều thời gian trên không gian mạng đã khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, giảm sút chất lượng cuộc sống. Để sử dụng mạng xã hội với mục đích ý nghĩa hơn, nhiều bạn trẻ đã thực hiện thanh lọc hội nhóm.

Chị Quỳnh từng là người dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, thế nhưng sau khi nhận được những bình luận, những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, chị bắt đầu nhận ra cần giảm bớt thời gian trên thế giới ảo và thêm thời gian cho cuộc sống thật.

“Tôi tự hỏi tại sao mình phải chịu đựng những thứ tiêu cực này trên mạng xã hội, nếu tôi không dùng nó thì những thứ đó sẽ không đến với tôi nữa, thế nên tôi tiết kiệm được nhiều thời gian hơn và tham gia các lớp học để phát triển bản thân”, chị Quỳnh nói.

Thực tế cho thấy, mạng xã hội cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con người, việc tiếp cận với các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội dễ dẫn đến rối loạn lo âu khiến cho một số người trở nên lo lắng về những vấn đề trong cuộc sống. Ngoài ra, không ít người rơi vào trầm cảm do bị vu khống hay gặp phải những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội không lành mạnh còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần như hội chứng mặc cảm ngoại hình, hội chứng tự ngược đãi bản thân.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia Xã hội học) cho biết: “Chúng ta đang thiếu một sự sàng lọc các thông tin đăng tải trên mạng xã hội, khi các con cập nhật thì không thể nhận định được đúng sai. Vì thế nên các thông tin đó sẽ làm ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ của các con”.

Theo Thạc sĩ Phan Thị Mai Quyên (Chuyên gia tâm lý), việc thanh lọc mạng xã hội sẽ giúp cho chúng ta có nhiều điều kiện để gần hơn với cuộc sống thực tại, từ đó tạo ra những hoạt động có giá trị về mặt giải trí, phát triển bản thân và gắn kết với mọi người xung quanh. Thanh lọc không có nghĩa là bỏ hết, mà là chọn lựa lại những nền tảng mà chúng ta tiếp nhận, bỏ đi những nội dung không có giá trị thúc đẩy và giữ lại những thứ giúp ích để phát triển bản thân.

Không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội đem lại, điều quan trọng là chúng ta sử dụng mạng xã hội như thế nào để không bị sa đà vào thế giới ảo, vừa mất thời gian lại tổn hại đến sức khỏe, tinh thần, mỗi người hãy sử dụng mạng xã hội một cách phù hợp, hiệu quả, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội.

Tập 58: Xu hướng “thanh lọc” mạng xã hội ở giới trẻ: 

 

Tự giác học tập

Em Lê Minh Nhật (ngụ TP.HCM) thừa nhận việc gặp khó khăn khi phải tự giác ngồi vào bàn học, ngoại trừ những bài tập được thầy cô giao về nhà, việc tự tìm hiểu và giải những đề bài mới đối với em là một điều rất khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Hằng tuy đã đi làm nhưng với suy nghĩ sai lầm là kiến thức đã qua là đủ cho môi trường làm việc hiện tại, dần dần đồng nghiệp ngày càng cập nhật thêm những kiến thức mới thông qua quá trình tự học để kịp với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, chị bị bỏ lại phía sau và vô cùng áp lực.

Thế giới xung quanh chúng ta đang ngày càng thay đổi với tốc độ vô cùng nhanh chóng, nếu không tự giác học tập và bắt kịp với tốc độ này, thì chắc hẳn sẽ sớm bị bỏ lại phía sau, đây chính là lý do tại sao phải tự giác học tập và phát triển bản thân.

Thạc sĩ Trần Hải Nguyên (Chuyên gia tâm lý) cho biết: “Đối với những người thành công trong cuộc sống và công việc, thì việc chủ động và tự giác được xem là ưu tiên hàng đầu. Khi thiếu tự giác trong học tập, điều đầu tiên xảy ra chính là bản thân rơi vào trạng thái thụ động, chúng ta không có góc nhìn của bản thân và hạn chế các mối quan hệ vì cứ co ro trong một khuôn khổ. Hậu quả sâu hơn chính là việc thụt lùi với xã hội khi tri thức chúng ta mỗi lúc càng ngắn lại và xã hội thì ngày càng phát triển”.

Tự giác học tập sẽ giúp bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, để đạt được điều ấy, mỗi người chúng ta cần bắt tay vào hành trình tự khám phá và phát triển bản thân, nhìn lại chính mình, lên kế hoạch học tập chi tiết, khoa học và kiên trì thực hiện nó. Con đường học tập mang lại cho chúng ta rất nhiều những cơ hội về tài chính, sự thăng tiến trong công việc, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất lẫn tinh thần.

Tập 59: Tự giác học tập


Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan