Tối 24/3, Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Theo dõi vụ việc, luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết các hành vi sử dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Hà Hải, qua vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng livestream trên mạng xã hội cho thấy những người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bị vu khống trong thời gian qua phần lớn là những người có nền tảng hiểu biết pháp luật căn bản. Những người bị vu khống, bôi nhọ… đều là những người có vị trí nhất định trong xã hội, có tên tuổi, uy tín, có sức ảnh hưởng đối với cộng đồng.
“Khi những người có vị trí trong xã hội bị vu khống, bôi nhọ, lúc đó họ không phải bảo vệ quyền lợi cho họ nữa mà nhằm bảo vệ niềm tin của cộng đồng đối với bộ phận những người bị vu khống”, luật sư Hà Hải nhấn mạnh.
Theo luật sư Hải, bản thân mọi người đều có quyền về nhân thân, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, không ai có quyền xúc phạm. Đối với những người có tên tuổi, địa vị nếu như họ không lên tiếng khi bị xúc phạm thì những người vu khống họ, chửi bới ra rả suốt ngày sẽ xem như đó là việc đúng, dẫn đến xáo trộn xã hội, mất trật tự xã hội và niềm tin vào pháp luật…
Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp.
Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng để tránh bị người khác chửi bới, xúc phạm, bôi nhọ thì việc trước hết bản thân chúng ta cần làm là hạn chế, cân nhắc, cẩn trọng, tránh làm những việc phản cảm, thiếu tế nhị, tiêu cực để tránh bị vu vạ, xuyên tạc, hiểu nhầm.
“Ví dụ, tôi làm từ thiện thì theo quy định của pháp luật tôi hiểu rất rõ, còn nếu không biết thì đi gặp luật sư để hỏi xem làm từ thiện là như thế nào, mở tài khoản riêng, khai báo… Cần tránh tạo những hiểu nhầm như nghệ sĩ Hoài Linh từng giữ tiền từ thiện rất lâu. Do đó, cần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật đối với từng công việc cụ thể”, luật sư Hải dẫn chứng.
Ngoài ra, theo luật sư khi sự việc bị bôi nhọ, xúc phạm xảy ra trên mạng xã hội, bản thân bị hại cần phải làm hết khả năng để hạn chế hết mức có thể, phải tuân thủ ý thức nghiêm ngặt trước hành động, lời nói của bản thân.
Nếu bị người khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, bạn có quyền tố cáo đến cơ quan công an để cơ quan chức năng điều tra và xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự (trong trường hợp bị xúc phạm nghiêm trọng).
Còn trong trường hợp nếu không muốn bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị người khác xúc phạm, bạn có thể làm đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho mình.
Cùng quan điểm, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú – TAT LAW FIRM) cho rằng khi bị người khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm, chửi bới trên mạng xã hội, bị hại cần có các hành động sáng suốt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Luật sư Thảo dẫn chứng Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
“Khi trở thành nạn nhân của việc xúc phạm trên mạng xã hội, bị hại cần tránh việc đôi co, lời qua tiếng lại. Tiếp đó cần nhờ tới các đơn vị tư vấn pháp luật để được hướng dẫn thu thập các tài liệu nhằm làm cơ sở chứng minh cho nội nôi dung tố cáo, khiếu nại. Cuối cùng cung cấp đến các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan công an, tòa án, Sở Thông và Truyền thông… để được can thiệp và giải quyết theo quy định của pháp luật”, bà Thảo nói.
Tháng 3/2021, bà Hằng tố “thần y” Võ Hoàng Yên đã lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt số tiền hơn 100 tỷ đồng. Trong đơn, bà Hằng cho rằng trước đó, do cảm kích nên đã chuyển nhiều khoản tiền cho ông Yên để ông này trả nợ và làm thiện nguyện.
Sau ông Yên, bà Hằng còn nhiều lần lên mạng xã hội để livestream, tố một số nghệ sĩ như danh hài Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên, MC Trấn Thành… chưa minh bạch khi làm từ thiện. Sau đó, bà Hằng làm đơn tố cáo họ gửi đến Công an TP.HCM, Bộ Công an.
Quá trình điều tra xác minh, Công an TP.HCM ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với đơn tố Võ Hoàng Yên. Công an địa phương này cũng khẳng định nghệ sĩ Hoài Linh không ăn chặn tiền từ thiện như đơn của bà Hằng tố cáo. Còn với những người khác, Bộ Công an xác định số tiền các nghệ sĩ nhận được ít hơn số tiền họ bỏ ra để làm từ thiện.
Theo Zing.vn