Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện dự thảo bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Dự thảo sẽ được ban hành trong thời gian tới. Đây là căn cứ để hình thành chuẩn mực đạo đức của giới nghệ sĩ.
Với quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, dự thảo nhấn mạnh nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện. Quy định này nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả trong thời điểm một số nghệ sĩ Việt vướng ồn ào về từ thiện.
Trao đổi với Zing, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu, đánh giá dự thảo bộ quy tắc của nghệ sĩ là cần thiết. Ông cho rằng là nghệ sĩ phải có ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm việc và hành động cần đúng chuẩn mực đạo đức.
Theo ông, nghệ sĩ phải có trách nhiệm lớn hơn trong cộng đồng vì uy tín, sức ảnh hưởng trong đời sống xã hội. “Vừa qua, có một số sai lệch trong giới showbiz vì vậy cần có sự chấn chỉnh bằng văn bản như dự thảo bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, ông nhấn mạnh.
Về vấn đề công khai minh bạch khi nghệ sĩ làm từ thiện, theo Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM là cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng bên cạnh bộ quy tắc, cần có những văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể chi tiết các hoạt động từ thiện.
“Nếu nói minh bạch khi từ thiện thì rất chung chung. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể minh bạch bằng cách nào, hình thức ra sao. Nếu không có luật định sẽ xảy ra nhiều việc không hay. Thực tế, có nhiều kiểu từ thiện, khó có thể sao kê 5 đồng, 1 xu hoặc có những người bạn bè thân hữu đóng góp…
Riêng việc kêu gọi mọi người đóng góp thì phải công khai về thu chi, thời hạn thực hiện, quyết toán, kiểm toán. Quản lý nhà nước cần có quy chuẩn rõ ràng, chặt chẽ. Như vậy sẽ khiến sai lệch của giới nghệ sĩ giảm bớt”, ông nói.
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cũng cho rằng quy định pháp luật làm sao phải giúp hạn chế sai sót của nghệ sĩ nhưng cũng không nên cản trở họ làm công tác thiện nguyện, đóng góp cho cộng đồng.
Trao đổi với Zing xung quanh dự thảo bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho rằng bộ quy tắc là cơ sở để nghệ sĩ rèn luyện đạo đức, phát huy công việc đã làm, tuân thủ pháp luật.
Bà đánh giá việc nghệ sĩ làm từ thiện là đáng quý, đáng trân trọng. Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho rằng: “Khi họ kêu gọi đóng góp là dùng sức ảnh hưởng, uy tín của mình nhằm giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn. Nhưng trường hợp nghệ sĩ làm chưa đúng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, tên tuổi họ xây dựng nhiều năm. Điều đó đáng tiếc và cũng ảnh hưởng đến nhìn nhận của khán giả về nghệ sĩ”.
Vì vậy, bà cũng cho rằng hoạt động từ thiện của nghệ sĩ phải minh bạch. Bên cạnh đó, nhà nước cần có quy chế, quy phạm pháp luật rõ ràng về việc tiếp nhận, sử dụng, phân phối, kiểm toán nguồn đóng góp.
Theo bà, khi có quy định pháp luật chặt chẽ, nghệ sĩ có tấm lòng phục vụ cộng đồng sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Còn người nào lợi dụng tên tuổi trục lợi sẽ bị loại trừ. “Khán giả, mạnh thường quân gửi tiền, sản phẩm, ai cũng muốn được đến tận tay người cần. Nghệ sĩ cần làm tốt vai trò cầu nối đó”, bà nói.
Bà nêu ý kiến: “Tôi nghĩ nghệ sĩ có thể đứng lên kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ người dân khó khăn ở thời điểm nhất định nhưng không nên dùng tài khoản cá nhân. Thay vào đó, nghệ sĩ nên đưa tài khoản của các tổ chức, đơn vị nào đó mình tin cậy. Điều này thuận tiện cho việc quyết toán, kiểm toán sau này”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã hoàn thiện dự thảo và có văn bản gửi 6 đơn vị trực thuộc gồm Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ. Các đơn vị này có trách nhiệm tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo để Bộ sớm ban hành.
Nội dung bộ quy tắc bao gồm quy tắc ứng xử chung, quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp, quy tắc ứng xử đối với khán giả, công chúng, quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Theo Zing.vn