Tiếp quản đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam sau những thất bại nặng nề ở AFF Cup 2016 và SEA Games 2017, ông Park – giống như rất nhiều HLV trưởng tiền nhiệm, một lần nữa phải làm lại từ đầu trên mảnh đất bóng đá Việt Nam còn nhiều đá sỏi.
Nhưng chỉ cần hơn một năm, thầy Park đã làm được quá nhiều việc. Một năm là đủ để ông Park đạt tới những chiến công chưa từng có, là đủ để ông dựng nên triều đại lẫy lừng nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Làm được điều đó, không thể không nhắc tới tài thu phục và dùng người của ông Park. Với bóng đá Việt Nam, ông không chỉ là một HLV lớn, ông còn là người thầy vĩ đại mà gần gũi, tài năng nhưng thân thiết của các tuyển thủ.
HLV Park Hang-seo là người hiếm hoi cân bằng được hai tính kỷ luật trong công việc và sự gần gũi, thân mật với các học trò ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Họa sĩ An Thắng. |
Đâu là cái khó nhất trong nghề huấn luyện viên?
Đôi khi, đó không phải chuyện chuyên môn. Làm huấn luyện viên nghĩa là phải quản lý và sử dụng hàng chục con người, hàng chục ngôi sao với những cá tính độc đáo và khác biệt. Làm sao để giữ được kỷ luật? Làm sao để gắn kết gần gũi? Kỷ luật và sự thân mật, cân bằng giữa hai điều đó là nhiệm vụ khó khăn cho mọi HLV. Mềm quá thì học trò sinh nhờn, rắn quá thì không tạo được khối đoàn kết.
Suốt những năm qua, hiếm có HLV nào ở tuyển Việt Nam làm được cả 2 điều trên.
Ông Toshiya Miura, Falko Goetz và Alfred Riedl thuộc nhóm thứ nhất. Họ đều là những chiến lược gia chịu ảnh hưởng từ châu Âu. Họ quản lý đội tuyển bằng sự tổ chức và khoa học. Họ cố gắng giữ khoảng cách với cầu thủ, duy trì uy thế cá nhân và sự kỷ luật.
Nhóm hai thường là các HLV nội như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc hay Nguyễn Hữu Thắng. Họ thân thiết và vô cùng gần gũi với cầu thủ. Họ bảo vệ cầu thủ và được cầu thủ bảo vệ lại. Điển hình là trường hợp của ông Hoàng Văn Phúc ở BTV Cup 2013. Khi VFF đang chuẩn bị sa thải ông, các học trò đã lao lên khán đài ôm chầm lấy thầy sau trận thắng Sinh viên Hàn Quốc.
Ông Riedl và Hữu Thắng là những đại diện tiêu biểu cho hai phong cách khác nhau ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Tùng Lê. |
Thành tựu của 2 nhóm HLV này phản ánh hiệu quả của phương pháp làm việc. Các HLV theo trường phái nhân trị đều thất bại nặng nề, những người quá cứng rắn như Miura hay thậm chí là Riedl cũng không có được thành công lớn.
Để đưa đội tuyển tới đỉnh vinh quang, một HLV phải kết hợp được cả hai tính cách: uyển chuyển như nước và rắn như đá tảng.
Trong lịch sử, Henrique Calisto có lẽ là người cân bằng tốt nhất hai tính cách ấy. Nhớ về thầy “Tô”, phiên dịch Ngô Lê Bằng kể lại: “Với ông Calisto, đội tuyển chỉ có một quyền lực duy nhất. Nếu ai trái ý, ông Tô sẵn sàng vặc lại ngay. Nếu VFF, cầu thủ hay lãnh đạo không đáp ứng hết yêu cầu, ông ấy sẽ phản ứng rất mạnh”.
Nhưng cũng chính cái người nóng như lửa ấy lại sẵn sàng đi bar, uống bia cỏ, lê la quán xá bình dân với các cầu thủ. Ông cũng nhiều lần tới nhà riêng học trò, giúp đỡ Công Vinh khi anh này sang Bồ Đào Nha điều trị chấn thương.
Ông đòi hỏi kỷ luật cao nhất. Nhưng cũng chính ông là người yêu thương các cầu thủ nhiều nhất. Xét về mặt này, có lẽ đến HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam mới lại thấy một người thầy khắt khe nhưng đầy tình yêu thương đến thế.
HLV Henrique Calisto là chiến lược gia thành công nhất lịch sử tuyển Việt Nam trước khi ông Park Hang-seo xuất hiện. Ảnh: Huy Thịnh. |
Nếu đến sân thật sớm trong những buổi tập của đội tuyển, bạn sẽ thấy ông Park và nhóm trợ lý là những người đầu tiên có mặt. Trong khi các trợ lý chuẩn bị đồ, ông Park sẽ đứng ra cửa sân để… đếm từng cầu thủ đến muộn. Ông cau mày mỗi khi có người tới muộn dù chỉ 1, 2 phút. Nếu có ai tới quá muộn, ông Park sẽ giơ cao một tay, tay còn lại chỉ vào chiếc đồng hồ đang đeo với khuôn mặt cáu kỉnh.
Phiên dịch Lê Huy Khoa kể rằng HLV Park Hang-seo từng nổi giận khi ông Khoa dịch lời trợ lý Lee Young-jin trước. Ông Park nói tôi là người có quyền lực lớn nhất ở đây, tất cả phải nghe tôi, anh phải dịch lời tôi đầu tiên chứ không phải bất kỳ ai khác. Dưới thời ông Park, đội trưởng U23 Việt Nam Xuân Trường cũng phải tập riêng nếu không đạt phong độ tốt, học trò cưng như Minh Vương cũng bị loại khỏi đội tuyển.
Nhưng càng cứng rắn, ông Park lại càng gần gũi cầu thủ.
Trận Hải Phòng – Thanh Hóa tại vòng 12 V.League, ông Park kéo Bùi Tiến Dũng ra riêng một góc hỏi chuyện. Không ai biết chính xác nội dung cuộc đối thoại nhưng đấy là thời điểm Tiến Dũng đang gặp nhiều khó khăn và phải ngồi dự bị tại Thanh Hóa. Cuộc gặp ấy giống như tuyên bố xác nhận: Dũng hãy yên tâm, anh luôn nằm trong kế hoạch của đội tuyển.
Chia sẻ với báo giới sau vòng chung kết U23 châu Á hồi tháng 1, thủ thành dự bị Văn Hoàng kể: “Thầy Park vào phòng thay đồ sau trận chung kết, thầy gặp em và nói: Thầy xin lỗi em Hoàng ạ vì giải này chưa có dịp đưa em vào sân, đừng buồn mà gắng lên nhé, tương lai còn ở phía trước”.
Ông Park rất nghiêm khắc với các học trò dù đó là những người rất thân thiết với ông. Ảnh: Minh Chiến. |
Trong mối quan hệ với các cầu thủ, HLV Park Hang-seo có lẽ còn thân thiết hơn cả ông Calisto. Ông với học trò quan hệ bình đẳng, gần như ngang hàng và không có khoảng cách nào. Ông tập đá ma, chơi các trò chơi với cầu thủ trong buổi tập. Ông sung sướng khi xỏ háng Văn Toàn, chạy vòng quanh ăn mừng khi đá xà thắng Công Phượng. Đáp lại, Hồng Duy bò ra cười khi bắt được ông vào làm “ma”, các cầu thủ đồng thanh trêu chọc mỗi khi ông thầy chơi “ăn gian”.
Mỗi đợt đội tuyển tập trung, ông Park đều đi thăm phòng của từng cầu thủ. Ông tự nhiên ăn quà, bánh của mọi người và chia lại cho họ những món ngon Hàn Quốc.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy từng kể: “Có thời điểm, cầu thủ chấn thương hơi đông, bác sĩ làm không xuể việc nên cầu thủ tự cầm máy siêu âm cho mình. Ông Park thấy vậy liền chạy tới bảo cầu thủ nằm xuống. Ông ấy tự cầm máy và mát xa cho họ luôn. Ông ấy luôn dặn các bác sĩ tụi tôi phải giữ gìn sức khỏe. Có lần gặp tôi, ông ấy phồng má lên để tả lại cái má hóp của tôi (biểu hiện cho việc lao động mệt mỏi, quá sức – PV). Ông Park khiến tôi hiểu ông ấy rất buồn và đau lòng khi thấy tôi như vậy”.
Cách dùng người của HLV Park Hang-seo kết hợp được sự kỷ luật, chặt chẽ của châu Âu nhưng vẫn mang âm hưởng gần gũi, thân mật kiểu Á Đông. Điều đó cũng là dễ hiểu thôi khi ông Park vốn là trợ lý của Guus Hiddink – chiến lược gia đầy kinh nghiệm, đã từng đi qua khắp bốn biển năm châu.
Nguyễn Phong Hồng Duy không ngại trêu chọc thầy Park trong một buổi tập của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Bản thân ông Park cũng là người Hàn Quốc nên có sự gần gũi về văn hóa, lối sống với Việt Nam. Chất Á Đông của ông Park được thể hiện ở việc đề cao các giá trị tinh thần, đặt nặng vai trò của sự đoàn kết và tin tưởng giữa mỗi thành viên.
Khi lựa chọn cầu thủ cho đội tuyển dự AFF Cup 2018, ông Park bảo khả năng hòa hợp với tập thể, cách sống và giao tiếp với đồng đội quan trọng không kém gì chuyên môn. Khi tuyển Việt Nam bị chê yếu thể lực, ông bảo cầu thủ “phải tin rằng mình rất khỏe”. Khi đội bóng thua trận, ông nói họ “tại sao phải cúi đầu”.
10 năm về trước, để có tột đỉnh vinh quang ở AFF Cup 2008, HLV Henrique Calisto đã 2 lần phải dẫn dắt tuyển Việt Nam, đã hàng năm trời gắn bó với Long An tại V.League. Qua từng ấy bể dâu, ông mới có đủ sự am tường và hiểu biết về bóng đá Việt. Ông Park thì sao? Tháng 11 này mới là tròn 1 năm ông bắt đầu công việc ở dải đất hình chữ S.
Một năm thôi mà biết bao chiến tích, một năm ấy mà biết bao nhiêu tình.