Bê bối Seungri – khi nạn nhân clip sex nhận bản án suốt đời
Với các sao nữ Hàn Quốc, nếu bị phát tán clip nóng hay vướng vào bê bối tình dục, sự nghiệp của họ sẽ tiêu tan, chưa kể đối diện sóng gió trong đời tư.
Trong chấn động bê bối tình dục lớn nhất lịch sử giải trí Hàn Quốc, hàng loạt các nghệ sĩ đã lên tiếng phủ nhận. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là những lời phủ nhận không đến từ thủ phạm bị cáo buộc.
Chúng đến từ phía những người có khả năng cao là nạn nhân – các nữ nghệ sĩ.
Là nạn nhân, và bị đổ lỗi
Những tuần gần đây, vụ bê bối tình dục liên quan đến ca sĩ Seungri của nhóm nhạc đình đám Big Bang và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác đã gây chấn động vượt ra khỏi ngoài biên giới Hàn Quốc.
Bởi lẽ những tiết lộ kinh khủng vén bức màn đằng sau sự hào nhoáng của “ngành công nghiệp” K-pop. Seungri bị cáo buộc với hàng loạt tội danh, một trong số đó là cầm đầu một nhóm chat sex chuyên chia sẻ video tình dục quay lén phụ nữ.
Ít nhất cho đến thời điểm này, tất cả cáo buộc đều tập trung vào những người đàn ông có liên quan. Seungri là người nổi tiếng nhất trong số các nam nghệ sĩ liên quan đến vụ bê bối. Mặc dù chưa có lời buộc tội chính thức, Seungri không phủ nhận cũng không thừa nhận cáo buộc chống lại mình.
Hàn Quốc đang đối mặt với “đại dịch” chưa từng có mà tiếng Hàn gọi là “molka”: quay lén video sex.
Hãng thông tấn Reuters thống kê từ năm 2011, số vụ quay chụp bất hợp pháp ở Hàn Quốc tăng vọt từ 1.300 vụ mỗi năm lên hơn 6.000 vụ vào năm 2017, với nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Những gã đàn ông biến thái chụp lén các cô gái mặc váy ngắn trên đường phố hay giấu camera siêu nhỏ ở những nơi công cộng như nhà vệ sinh và phòng thay đồ.
Nhóm chat sex của Seungri không những quay lén, phát tán những cảnh quay nhạy cảm của các cô gái mà còn bình phẩm thô tục về các nạn nhân.
Thế nhưng, khi sự thật này được phơi bày (gồm cả nội dung chat), các nữ nghệ sĩ đều ra sức phủ nhận mình là nạn nhân bị quay lại clip sex. Công ty quản lý của họ đồng loạt ra thông cáo, sử dụng những từ ngữ vô cùng mạnh mẽ như: “bịa đặt”, “vô căn cứ”, “lời vu khống trắng trợn”.
Bê bối liên quan đến những hành động thô tục của đàn ông như thế này, đối với người Hàn Quốc, chẳng khác nào là sự sỉ nhục với đất nước.
Sự phản ứng gay gắt đến từ các nữ nghệ sĩ như vậy là điều dễ hiểu ở một đất nước mà văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân vô cùng phổ biến như Hàn Quốc. Và rõ ràng trong nhiều trường hợp, phụ nữ là những người bị gạ tình, bị lạm dụng tình dục, bị ép phải thân mật với đàn ông. Nhưng khi những bức ảnh nhạy cảm đấy bị lộ ra ngoài, phụ nữ là người bị đổ lỗi.
“Đáng ra phụ nữ không nên uống nhiều rượu như thế” hoặc “phụ nữ không nên quan hệ tình dục bừa bãi như vậy” là những điều dư luận sẽ nói. Theo quan điểm này, ngay từ đầu phụ nữ đã phải biết là không được làm những hành động có thể gây hậu quả như vậy, do đó không có quyền khiếu nại.
Với các nữ nghệ sĩ, nếu chẳng may bị quay lại clip nóng và bị phát tán hay vướng vào những bê bối liên quan đến tình dục, sự nghiệp của họ sẽ tiêu tan, chưa kể đến những sóng gió trong đời tư mà họ sẽ phải hứng chịu sau này.
Bê bối liên quan đến những hành động thô tục của đàn ông như thế này, đối với người Hàn Quốc, chẳng khác nào là sự sỉ nhục với đất nước.
Văn hoá đổ lỗi này chính là minh chứng của sự bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong xuất khẩu văn hóa ra nước ngoài, trong đó K-pop là sản phẩm chủ lực, các nghệ sĩ K-pop do đó được coi như đại sứ văn hóa của đất nước.
Bê bối liên quan đến những hành động thô tục của đàn ông như thế này, đối với người Hàn Quốc, chẳng khác nào là sự sỉ nhục với đất nước.
Thói đạo đức giả của ngành công nghiệp K-pop
Từ trước tới nay, K-pop từ lâu đã nổi tiếng bởi sự hai mặt.
Các nghệ sĩ K-pop luôn xuất hiện dưới dạng những “thiên thần”: tâm hồn thánh thiện, khuôn mặt tươi tắn và thuần khiết, chăm chỉ làm việc để làm gương cho người hâm mộ. Còn các ca khúc K-pop có lời lẽ hết sức trong sáng, không bao giờ đả động đến ma túy, cần sa hay tình dục, khác xa với các ca khúc cùng thể loại ở phương Tây.
Nói tóm lại, nghệ sĩ K-pop ngoài thực hiện đúng vai trò giải trí còn phải là tấm gương trong sáng thánh thiện cho người hâm mộ noi theo. Seungri cũng không phải ngoại lệ.
Thế nhưng, bấy lâu nay đã có không ít tin đồn về thế giới thật của K-pop. Nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là nữ nghệ sĩ, muốn yên ổn làm nghề, chưa nói đến tiến thân, phải “cung cấp” dịch vụ tình dục cho những người đàn ông giàu có.
Vụ bê bối tình dục liên quan đến Seungri có thể là dấu chấm hết cho hình tượng “trong sáng, thánh thiện” bấy lâu nay của thần tượng K-pop. Kết luận điều tra cuối cùng thế nào đến thời điểm này chưa rõ, chỉ biết rằng đây sẽ vết nhơ trong sự nghiệp giải trí của những ngôi sao trên. Có lẽ từ nay trở đi, hình ảnh thiên thần sẽ không còn là thông điệp truyền đi của các công ty quản lý nghệ sĩ K-pop nữa.
Tôi và những người bạn đều thấy những nam nghệ sĩ K-pop vướng phải bê bối tình dục này đều là những người có tội. Tuy vậy, K-pop có chuyển mình thay đổi sau bê bối này, liệu những người có tội phải chịu hình phạt thích đáng hay không lại là một câu chuyện khác. Nhiều trường hợp, ngay cả khi phải nhận hình phạt, các nam ca sĩ này, với lực lượng người hâm mộ đông đảo, vẫn có thể quay lại và tiếp tục sự nghiệp giải trí.
K-pop có chuyển mình thay đổi sau bê bối này, liệu những người có tội phải chịu hình phạt thích đáng hay không lại là một câu chuyện khác.
Một người bạn từng chứng kiến đủ những trường hợp đàn ông làm điều sai trái ở Hàn Quốc, nhận định với tôi: Một số phải đối mặt với hậu quả tồi tệ nhưng một số nhân vật có thế lực lại chẳng bị ảnh hưởng gì và tiếp tục làm những gì họ muốn.
Nhưng tín hiệu tốt, theo tôi, qua vụ việc này là không phải một mà là một chuỗi đàn ông dính líu tới những bê bối tình dục. Đó là sự phơi bày của hành động có tính hệ thống của ngành công nghiệp chỉ muốn phơi bày mặt tốt mà giấu nhẹm những cái xấu xí vào trong.
Hy vọng rằng vụ bê bối này sẽ mở ra giai đoạn sự trưởng thành, dù phải trải qua đau đớn, của K-pop. Hơn tất cả, nó là lời cảnh tỉnh cho những nghệ sĩ giải trí đầy tham vọng của thế hệ tiếp theo để không vướng phải cạm bẫy tình dục như thế hệ đi trước.