Với mức tăng trưởng trung bình khoảng 20%-25% mỗi năm, điện ảnh Việt đang là một trong những thị trường phát triển nhanh trên thế giới. Số lượng cụm rạp càng ngày càng tăng, trải đều trên khắp cả nước, giúp khán giả có nhiều lựa chọn hơn cho nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, khán giả tại các khu vực vùng sâu vùng xa vẫn khó khăn khi tiếp cận điện ảnh chất lượng cao, điều này đang chỉ ra sự phát triển điện ảnh không đồng bộ giữa các vùng miền.
Song hành cũng tiềm năng lớn từ thị trường, những thách thức khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện ảnh cũng không nhỏ khi nhu cầu giải trí của người Việt chưa thực sự lớn, đa số người dân các địa phương chưa có thói quen và chưa sẵn sàng chi tiêu cho giải trí. Do đó, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng cụm rạp tại các địa phương vì rủi ro thu hồi vốn cao hơn nhiều so với các thành phố lớn.
Hiện tại, chỉ có CGV là doanh nghiệp tiên phong đẩy mạnh việc mở rộng cụm rạp tại các tỉnh thành xa như Sơn La, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Đak Lak,….Theo kế hoạch đến năm 2020, CGV sẽ mở khoảng 10-15 rạp mỗi năm, trong đó có 4-5 rạp tại các tỉnh thành cấp 2-3. Riêng trong tháng 8/2018, 3 trong 4 cụm rạp mới của CGV được khai trương tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Nguyên và Lạng Sơn.
Ông Sim Joon Beom cho biết : “Việc mở rạp ở các thành phố cấp 2-3 của CGV hiện đạt tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nhưng chúng tôi đã và sẽ tiếp tục mở rạp để mang điện ảnh chất lượng cao đến với khán giả cả nước. Chúng tôi tin rằng việc cân bằng được về thưởng thức điện ảnh cho người dân và hỗ trợ mang những bộ phim Việt đến đông đảo đồng bào trên cả nước quan trọng hơn mục tiêu hoàn vốn. Do đó, việc đầu tư rạp tại các địa phương không chỉ nhằm mục đích tăng trưởng cho riêng CGV, mà còn góp phần phát triển nền điện ảnh Việt Nam nói chung.”
Tính đến tháng cuối tháng 8/2018, CGV đã và đang vận hành 64 cụm rạp tại 22 tỉnh thành trên cả nước. Trừ các thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, CGV hiện có 23 rạp tại 17 tỉnh với tổng cộng 103 phòng chiếu và 13,904 ghế, trong đó có các địa bàn như Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Hậu Giang, Phú Yên, Đak Lak,…
Sau “cú hích” từ CGV, thị trường đã có những chuyển biến tích cực về việc đầu tư rạp chiếu phim. Cụ thể, khoảng từ năm 2011 trở về trước, tốc độ phát triển rạp chiếu phim trên thị trường Việt Nam rất chậm. Sau khi CGV đầu tư mở khoảng 10 rạp/ năm, thì các đơn vị khác cũng đã chuyển động đầu tư mạnh mẽ hơn. Tính đến hiện tại, thị trường điện ảnh Việt Nam đang tăng trưởng khá lớn, với khoảng 20-25 cụm rạp được mở mỗi năm, các thị trường vùng sâu vùng xa cũng được nhiều nhà đầu tư chú ý. Đây là bước tiến rất lớn nhưng sẽ cần tiến xa hơn, đầu tư nhiều hơn để thực sự trải đường cho nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển.
“Đầu tư rạp phim là một cách để gia tăng thêm lượng người xem, tăng doanh thu, lợi nhuận, mỗi cụm rạp của bất kỳ đơn vị nào mở ra cũng sẽ “tạo ra” được khách hàng cho riêng mình, mang đến trải nghiệm điện ảnh nhiều hơn tại các địa phương nơi đang hạn chế về các hạ tầng vui chơi giải trí. Vòng tròn tăng trưởng này chính là động lực để các đơn vị tiếp tục tái đầu tư và mở rộng thị trường, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu vào năm 2025” – Ông Sim Joon Beom cho biết thêm.