Chị V (28 tuổi) hiện đang sống ở Biên Hòa. Trong chương trình Người thứ 3, chị nhớ lại thời điểm cưới người chồng đầu tiên vào năm 19 tuổi. Sau đó, chị phát hiện nhiều lần anh nhắn tin, trao đổi hình ảnh nhạy cảm với nhiều cô gái lạ. Khi mang bầu bé thứ 2, vì không chịu đựng được người chồng trăng hoa, chị đuổi anh ra khỏi nhà. Năm 2017, cả hai đưa nhau ra tòa li hôn sau 5 năm hôn nhân.
Đến năm 2019, chị tình cờ quen người đàn ông là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Sau nhiều lần nói chuyện, gặp gỡ, cả hai có tình cảm. 6 tháng sau, chị phát hiện mang thai.
Chị V không biết thông tin, địa chỉ lẫn số điện thoại của người đàn ông này, chỉ biết quê anh ở Long Khánh: “Sau lần lỡ dở, tôi không có kỳ vọng bản thân sẽ tiến thêm bước nữa. Những lần quan hệ, tôi ngỏ ý sử dụng biện pháp tránh thai nhưng anh ấy không đồng ý. Anh nói nếu tôi có con, anh sẽ phụ giúp tôi. Điều này khiến tôi thêm tin tưởng khi con ra đời, anh sẽ trách nhiệm với cả hai mẹ con. Tôi thấy anh là bác sĩ rất thông minh, có ngoại hình, tôi muốn có thêm một đứa con gái thừa hưởng gen trội của anh”.
Đến lúc có thai khoảng 2 tháng, chị V tìm thấy trang cá nhân của anh ấy. Chị thấy hình nơi anh làm việc, cùng hình ảnh người vợ của anh ấy. Chị nhớ lại một lần tình cờ thấy anh mang nhẫn cưới, hoặc lần anh cố tình cởi bỏ chiếc nhẫn bỏ vào túi áo trong một lần đi cùng chị. Khi bị tra hỏi, anh nói đây nhẫn của người yêu cũ từ thời cấp 3, anh tự xây dựng hình ảnh bản thân như một người đàn ông si tình. Cách người đàn ông này che giấu bản thân đã có vợ khiến chị V ngả ngửa, lẫn chua xót.
Khi chị mang thai, anh thay đổi, viện cớ có nhiều ca mổ để tránh chị. Anh còn buông ra những lời xúc phạm đầy tổn thương. Anh bảo đứa trẻ không phải là con anh ta và sẽ xét nghiệm AND khi em bé ra đời. “Đây là một cú sốc quá lớn đối với tôi. Tôi đau đớn tưởng chừng như ngã quỵ. Trước đây, anh tỉ tê nói tôi đẻ cho anh một đứa con gái, tôi không nghĩ bản thân lại mắc bẫy của người ta”, chị V nghẹn ngào.
Chị kể tiếp: “Hoàn cảnh tôi khó khăn. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con, tôi còn phải nuôi con nhỏ. Khi tôi sinh con, tôi chụp hình con gửi cho anh, nhưng anh cương quyết nói không cần xét nghiệm. Anh nói sẽ nhận con tôi làm con nuôi, đổi cách xưng hô gọi tôi là chị Hai. Từ đó, anh thỉnh thoảng gửi tôi 1 – 2 triệu đồng để lo cho con. Nhũng lúc trái gió trở trời, con liên tục nhập viện, tôi xin anh 3 triệu đồng. Anh bắt đầu trở mặt, than thở lương tháng của anh chỉ có 5 triệu đồng. Tôi buộc miệng nói bản thân biết anh đã có vợ, chỉ cần anh có trách nhiệm với con. Khi đó, anh nhẹ giọng, hứa có thêm tiền sẽ phụ tôi chăm con”.
Bốn tháng, con nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, chị V không nhận được một lời thăm hỏi từ anh. Anh cũng chưa một lần đến nhìn con. Một lần tức giận, chị chở con đến nơi anh làm việc, nhưng chỉ đám đứng từ xa và nhắn tin cho anh.
“Thực sự tôi biết mình sai, cũng không dám quậy vợ người ta. Sau này cùng đường, tôi nhắn tin cho vợ anh ấy. Tôi xin lỗi vì bản thân là người thứ 3 và làm phiền đến cuộc sống của cô ấy. Tôi giãi bày bản thân không có việc làm trong mùa dịch, con tôi thì cần tã sữa. Cô ấy nói không quan tâm mối quan hệ của tôi và chồng cô ấy, dọa sẽ kiện nếu tôi cứ tiếp tục làm phiền vì cô ấy là vợ hợp pháp. Cô ấy nói tôi đào mỏ dù tôi cố giải thích bản thân không phải là kiểu người muốn kiếm chác tiền bạc và anh ấy chính là người đi lừa gạt tình cảm của tôi trước. Cuối cùng, tôi xin lỗi về nỗi đau mà tôi đã gây ra cho cô ấy”, chị V chua xót.
Sau đó, anh trai của anh ta có liên hệ, ngỏ ý mang đứa trẻ về nuôi nhưng vì thương con bằng mọi giá chị vẫn muốn kề cận và bảo vệ con mình. Lần gần đây nhất, vợ anh ngỏ ý muốn gặp chị. Chị chở mẹ, ẵm con đến nhà anh. Khi ấy anh lao ra, hùng hổ tiến tới quát nạt chị: “Tao thấy mày tội nghiệp nên thương tình, sao mày dám nói cho vợ tao biết?”. Mẹ chị V khẩn thiết yêu cầu muốn anh nhận con và phụ giúp nuôi đứa bé nhưng người đàn ông ấy đuổi về và chặn mọi liên hệ của chị V từ ngày đó.
Lắng nghe tâm sự của chị M, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A nhận định, đàn ông có quá nhiều chiêu trò để lường gạt phụ nữ, họ xây dựng cho mình hình ảnh một người đàn ông có trách nhiệm khiến cho phụ nữ tin tưởng, giao phó cuộc đời cho họ. Tuy nhiên, là phụ nữ, hãy nên tỉnh táo, nhất là khi quyết định sinh con cái.
“Người mẹ mang nặng đẻ đau có sự gắn bó thiêng liêng với chính đứa trẻ. Chúng ta không chỉ đơn giản yêu nhau là sinh con, không phải vì muốn có con mà để cho một sinh linh ra đời. Thực ra có những cuộc hôn nhân hợp pháp mà người chồng còn không làm tròn trách nhiệm kinh tế đối với con cái của mình, huống chi em và người đàn ông ấy không phải là mối quan hệ hợp pháp. Ngay từ ban đầu em đã quá ngây thơ khi sinh con cho anh ta”, nữ tiến sĩ nói với chị V.
Nữ tiến sĩ nhận xét, người thứ ba cũng mang trong mình không ít tâm sự với nhiều nỗi trái ngang. Là thân phụ nữ, chẳng ai muốn mình là người thứ ba cả. Khi chấp nhận điều đó là vì họ cũng trong tình trạng đường cùng và mắc kẹt trong đau đớn như trường hợp của chị V.
Chị V cho biết con chị đã được 10 tháng rưỡi và việc thành người thứ ba chưa bao giờ là điều chị muốn làm: “Tôi đến với chương trình cảnh báo mọi người đừng nên nghe lời ngọt ngào của đàn ông. Chúng ta phải cảnh giác hơn, yêu thương bản thân nhiều hơn. Dù bản thân tôi hôm nay không đủ tự tin để bật đèn, tôi không muốn con ảnh hưởng sau này”.
“Người thứ 3 được phát sóng định kì vào lúc 20:00 thứ ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show và App Jtivi.
Người thứ 3 – Tập 22