2021 là năm đầy biến động với giới giải trí Hàn Quốc. Trước loạt cáo buộc liên quan tới đạo đức và pháp luật, sự nghiệp của nhiều ngôi sao nổi tiếng bỗng sụp đổ trong phút chốc.
Gần đây, nam diễn viên Kim Seon Ho trở thành tiêu điểm chú ý với bê bối lừa dối bạn gái cũ, ép cô phá thai. Tuy nhiên, sau khi Dispatch tiết lộ sự thật đằng sau sự việc, phản ứng của khán giả lập tức thay đổi. Họ lên tiếng bênh vực nam diễn viên, hy vọng anh tiếp tục hoạt động tích cực trong giới giải trí.
Khi văn hóa tẩy chay nhắm vào người nổi tiếng ngày càng trở nên gay gắt, vụ việc của Kim Seon Ho được xem như “trường hợp đặc biệt”. SCMP nhận xét: “Kim Seon Ho tự tẩy chay ‘văn hóa tẩy chay’ chống lại anh ấy”.
Theo SCMP, trước khi scandal của Kim Seon Ho nổ ra, ngôi sao 35 tuổi “dường như là người đàn ông nổi tiếng nhất Hàn Quốc”. Bên cạnh việc đảm nhận vai chính trong bộ phim ăn khách Hometown Cha-Cha-Cha, anh còn là thành viên cố định của một trong số chương trình thực tế có nhiều người theo dõi nhất Hàn Quốc, 2 Days 1 Night.
Tuy nhiên, sau khi bài viết ẩn danh tố cáo nam diễn viên ép người yêu cũ phá thai bắt đầu thu hút sự chú ý từ công chúng, sự nghiệp của Kim Seon Ho đột ngột lao dốc.
Đối với người hâm mộ ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, đây hoàn toàn không phải điều xa lạ. Tại xã hội nơi cuộc sống diễn ra với nhịp độ nhanh, con người dễ dàng bị ảnh hưởng bởi Internet và thông tin có khả năng lan truyền khắp quốc gia chỉ trong vài giây, có quan niệm phổ biến cho rằng “ngôi sao sáng chói nhất cũng có thể rơi xuống mặt đất nếu đối mặt với cáo buộc ẩn danh trên mạng xã hội”.
Nam diễn viên Kim Ji Soo, người từng đảm nhận vai chính trong phim truyền hình River When The Moon Rises, buộc rút khỏi bộ phim sau khi bạn học cũ tố cáo anh từng có hành vi bạo lực học đường nghiêm trọng. Không còn cơ hội hoạt động trong giới giải trí, Kim Ji Soo quyết định nhập ngũ. Vai diễn của anh trong bộ phim bị thay thế bởi nam diễn viên khác.
Tương tự, nữ diễn viên Seo Ye Ji cũng đánh mất vai diễn trong bộ phim Island và loạt hợp đồng quảng cáo quan trọng sau khi truyền thông Hàn Quốc đưa tin cô thao túng tâm lý bạn trai cũ Kim Jung Hyun, yêu cầu anh giữ khoảng cách với tất cả đồng nghiệp nữ trên phim trường.
Trong mắt công chúng, Kim Seon Ho vốn nổi tiếng với hình ảnh trong sạch, hiền lành và ngay thẳng. Điều này khiến tổn hại nam diễn viên phải chịu đựng từ vụ bê bối càng trở nên nặng nề hơn.
Sau khi đăng tải, bài viết tố cáo nam diễn viên lập tức trở thành chủ đề được chú ý nhất tại Hàn Quốc, thu hút hơn 3,6 triệu lượt truy cập chỉ trong vài ngày. Kim Seon Ho đối mặt với làn sóng chỉ trích và tẩy chay nghiêm trọng từ công chúng.
4 ngày sau khi scandal nổ ra, nam diễn viên chính thức gửi lời xin lỗi tới bạn gái cũ và người hâm mộ. Lời xin lỗi của anh tưởng chừng đặt dấu chấm hết cho toàn bộ vụ việc, tuy nhiên, báo cáo của Dispatch về sự thật đằng sau bê bối đã làm thay đổi toàn bộ cục diện.
Theo Dispatch, bạn gái cũ của Kim Seon Ho – người về sau được tiết lộ danh tính là cựu phát thanh viên Choi Young Ah – thường xuyên lừa dối nam diễn viên xuyên suốt thời gian cả hai hẹn hò. Tờ báo đặt ra nghi vấn về tính xác thực trong cáo buộc Choi Young Ah đưa ra, khẳng định cô mới là người “có hành vi tệ bạc” trong mối quan hệ.
Đặc biệt, theo báo cáo Dispatch đăng tải, một người bạn của Kim Seon Ho cho biết nam diễn viên “không muốn tranh luận về cuộc sống cá nhân của mình trước toàn thể đất nước”, do vậy anh quyết định xin lỗi thay vì đưa ra biện pháp chống trả.
Trước tiết lộ đầy bất ngờ từ Dispatch, phản ứng của công chúng Hàn Quốc lập tức thay đổi. Hàng loạt người hâm mộ lên tiếng bênh vực Kim Seon Ho. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 190 lá đơn yêu cầu nam diễn viên quay lại 2 Days 1 Night được gửi tới đài truyền hình KBS. Hình ảnh của anh bắt đầu xuất hiện lại trên tài khoản mạng xã hội và trang chủ chính thức của những nhãn hàng anh làm người mẫu đại diện.
Theo SCMP, hậu quả Kim Seon Ho phải gánh chịu từ bê bối làm dấy lên nỗi lo ngại xoay quanh văn hóa tẩy chay tại giới giải trí, nơi công chúng sẵn sàng quay lưng với người nổi tiếng chỉ vì bài đăng cáo buộc ẩn danh trên mạng xã hội.
“Nếu không có sự giúp đỡ của Dispatch, chẳng phải Kim Seon Ho sẽ đánh mất sự nghiệp một cách oan ức sao?”, khán giả bày tỏ băn khoăn.
Công chúng Hàn Quốc thường được nhận xét là “nghiêm khắc và lạnh lùng”. Mỗi khi bê bối nổ ra, ngôi sao lập tức đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội, dù thực tế đa phần cáo buộc không đảm bảo tính xác thực. Nếu lời tố cáo đó là thông tin chính xác, người nổi tiếng buộc công khai xin lỗi khán giả và tạm dừng hoạt động để tự kiểm điểm bản thân, nghiêm trọng hơn là rút khỏi giới giải trí.
Trước đó, vào tháng 2, khi loạt cáo buộc bạo lực học đường nhắm vào thần tượng Kpop, diễn viên và vận động viên bắt đầu lan truyền khắp diễn đàn thảo luận trực tuyến Hàn Quốc, các hiệp hội trực thuộc ngành giải trí lên tiếng cảnh báo công chúng “không nên vội vàng đưa ra phán xét”.
Họ khẳng định: “Lời cáo buộc chưa được điều tra kỹ càng không nên bị sử dụng để tấn công người vô tội”. Hiệp hội đồng thời chỉ ra rằng khi người nổi tiếng bị loại khỏi đoàn làm phim, album hoặc chương trình thực tế, đồng nghiệp và nhân viên tham gia dự án chung với họ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đặc biệt, sức lan tỏa của mạng xã hội có thể khiến văn hóa tẩy chay bị lợi dụng như phương thức bôi nhọ, nhục mạ người khác. Tại thời điểm làn sóng tố cáo bạo lực học đường đạt đỉnh điểm, công chúng không khỏi bất ngờ khi hàng loạt cái tên nổi tiếng như Min Gyu (Seventeen), Jo Byung Gyu, HyunA, Ki Hyun (Monsta X)… bị đề cập. “Có tới hàng trăm bài đăng cáo buộc người nổi tiếng chỉ trong một ngày”, khán giả nhận xét.
Các ngôi sao kể trên nhanh chóng phủ nhận cáo buộc sai lệch, đồng thời tuyên bố họ sẽ đưa ra biện pháp xử lý thích đáng theo pháp luật với người tung tin đồn sai lệch. Tuy nhiên, lời phủ nhận của người nổi tiếng đôi khi là không đủ để xóa bỏ ngờ vực từ công chúng. Hậu quả, nhiều ngôi sao tiếp tục chịu chỉ trích một cách “oan ức và không công bằng”.
Một trong những ngôi sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ văn hóa tẩy chay là nam diễn viên Jo Byung Gyu. Sau khi cơ quan chức năng tiến hành điều tra cáo buộc bạo lực học đường xoay quanh nam diễn viên, người tố cáo anh đã lên tiếng xin lỗi, thừa nhận sai lầm của mình và rút lại cáo buộc. Ngày 18/9, Jo Byung Gyu lần đầu xuất hiện trước công chúng sau 7 tháng tạm ngưng hoạt động qua video do công ty quản lý đăng tải. Anh đồng thời thông báo kế hoạch ghi hình cho dự án mới.
Dù vậy, khán giả Hàn Quốc vẫn có thái độ gay gắt dành cho anh. Dưới mỗi bài báo liên quan tới Jo Byung Gyu xuất hiện hàng trăm bình luận cho rằng nam diễn viên “cố tình che giấu sự thật”. Có thể nói, mặc cho Jo Byung Gyu thành công chứng minh sự vô tội của bản thân theo đúng quy trình pháp luật, danh tiếng xấu từ vụ bê bối và khoảng thời gian dài tạm ngưng hoạt động đã để lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp, hình ảnh của nam diễn viên.
Không thể phủ nhận, trường hợp của một số ngôi sao như Kim Seon Ho và Jo Byung Gyu thể hiện rõ ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa tẩy chay.
Công chúng Hàn Quốc đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này. Không ít khán giả cho rằng văn hóa tẩy chay đang trở nên “thái quá, vượt ngoài tầm kiểm soát, gây tác động xấu tới sức khỏe tinh thần của người nổi tiếng”.
Tuy nhiên, một số cá nhân khẳng định văn hóa tẩy chay đóng vai trò quan trọng trong xã hội ngày nay, khi văn hóa này có thể giúp nạn nhân thực sự có đủ can đảm, sức mạnh và quyền lực đứng lên tố cáo kẻ thủ ác, yêu cầu họ chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Chia sẻ với SCMP, Michael Hurt, giảng viên lý thuyết văn hóa tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc, cho thấy góc nhìn tích cực về văn hóa tẩy chay. Theo Michael Hurt, nhờ quyền lực mạng, toàn bộ cá nhân liên quan tới bê bối vi phạm đạo đức và pháp luật buộc đứng ra giải thích sự thật đằng sau sự việc, thay vì tìm cách chối bỏ trách nhiệm.
Một trong những sự kiện nổi bật nhất liên quan tới vấn đề này là bê bối của nam ca sĩ Jung Joon Young. Năm 2019, Jung Joon Young bị điều tra dưới nhiều tội danh khác nhau như cưỡng hiếp tập thể, quay lén và phát tán video nhạy cảm bất hợp pháp. Cuối cùng, nam ca sĩ bị kết án 5 năm tù giam.
Xoay quanh diễn biến vụ việc, không ít ý kiến cho rằng quyền lực mạng là yếu tố quan trọng giúp vụ án của Jung Joon Young được điều tra kỹ lưỡng.
Từ khi bê bối nổ ra, công chúng chưa từng có thái độ khoan nhượng. Họ liên tục gây áp lực lên cơ quan chức năng, yêu cầu cảnh sát điều tra kỹ càng vụ việc và bắt kẻ thủ ác chịu hình phạt thích đáng. Do vậy, Jung Joon Young không thể trốn tránh hay tìm cách che giấu hành vi sai trái của mình.
“Người dùng mạng xã hội chỉ đơn thuần sử dụng quyền của họ dưới tư cách người tiêu dùng sản phẩm. Họ đang từ chối những điều họ không thích”, Michael Hurt nhận định.
Hurt cho biết mạng xã hội cho phép công chúng tạo ra một “môi trường kỳ lạ”, nơi người nổi tiếng có thể buộc chịu trách nhiệm cho những điều họ thực hiện từ rất lâu trong quá khứ, đôi khi là gần chục năm về trước. Nguyên nhân đằng sau xu hướng này là sự thay đổi nhanh chóng trong chuẩn mực xã hội của thế giới.
Hurt nhận xét: “Văn hóa tẩy chay người nổi tiếng là hệ quả tự nhiên của thời đại trực tuyến”.
Tại ngành công nghiệp giải trí, công chúng hành động như một “tòa án ngầm”. Họ điều tra, suy luận và đưa ra phán quyết “thích đáng” – theo tiêu chuẩn của riêng họ – dành cho người nổi tiếng. Sức mạnh của “tòa án ngầm” này giúp vạch trần kẻ thủ ác, nhưng đồng thời có thể phá đổ sự nghiệp của người vô tội chỉ trong phút chốc.
“Điều công chúng Hàn Quốc cần không phải là ‘loại bỏ văn hóa tẩy chay’. Điều họ cần là cái đầu lạnh và khả năng quan sát kỹ càng để nhìn nhận rõ toàn bộ sự việc, thay vì vội vàng đưa ra kết luận dù chưa có đầy đủ chứng cứ và ‘phá hủy’ những người vô tội”, một khán giả để lại bình luận.
Theo Zing.vn