Tối 18/10, Công an TP.HCM đã thông tin về việc bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng “Lò Vôi”) đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về việc người phụ nữ này bị ông Võ Hoàng Yên và 4 luật sư đi cùng hành hung tại trụ sở cảnh sát.
Theo Công an TP.HCM, không có chuyện bà Nguyễn Phương Hằng bị nhóm người của ông Võ Hoàng Yên hành hung.
Trả lời Zing, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm sức khỏe, thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Vì vậy những hành vi bịa đặt, vu khống nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác đều là những hành vi bị pháp luật cấm và bị xử phạt nếu vi phạm.
Theo luật sư Hà Hải, đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định mức phạt trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Như vậy, mức phạt với cá nhân là từ 5-10 triệu đồng, tổ chức từ 10-20 triệu đồng.
Đối với xử lý hình sự, trường hợp bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị khởi tố về tội Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, người phạm tội tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Về trách nhiệm dân sự, luật sư Hà Hải cho biết theo khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi người bị xâm phạm có yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Mức bồi thường dựa trên các khoản chi phí theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự như: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, có thể phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo Zing.vn