Thị trường phim Việt trải qua một năm ảm đạm, đóng băng hơn 5 tháng vì dịch. Hơn 15 dự án điện ảnh xếp hàng dài, chờ ngày ra rạp.
Phim càng lùi lịch công chiếu sẽ phát sinh chi phí lớn về sản xuất, marketing, truyền thông. Nhưng nếu rạp mở cửa, nhà sản xuất cũng phải cân não trong việc lựa chọn thời điểm ra mắt và nghiên cứu thị hiếu của khán giả.
Đó là thế khó của các nhà sản xuất Việt hiện nay.
578: Phát đạn của kẻ điên của Lương Đình Dũng chịu chung “số phận” với nhiều dự án điện ảnh khác. Nam đạo diễn cho hay kinh phí phát sinh riêng khâu sản xuất của dự án đã lên tới gần 17 tỷ đồng.
– Dự án ”578: Phát đạn của kẻ điên” từng lên kế hoạch công chiếu vào tháng 12/2020. Sau gần một năm, số phận “con đẻ” của anh ra sao?
– Ban đầu, phim dự kiến quay vào tháng 5/2020 và lên kế hoạch công chiếu vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát liên tiếp nên ê-kíp nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam. Đến tận tháng 11/2020, phim mới chính thức khởi quay.
Đầu năm nay, phim hoàn thành các cảnh quay chính. Lịch phát hành vì thế phải thay đổi.
Dự án lần này thuộc thể loại hành động nên ảnh hưởng khá lớn bởi dịch bệnh. Ngoài công tác chuẩn bị vài năm trước, ê-kíp phải tập trung trước nhiều tháng để tập luyện võ thuật, diễn xuất và tính toán phương án hành động.
Số lượng diễn viên tham gia lên đến vài trăm người. Ngoài ra, chúng tôi phải huy động khối lượng phương tiện từ xe tải đến xe phân khối lớn cho nhiều cảnh hành động.
– Khó khăn lớn nhất phải kể đến là gì?
– Với riêng dự án lần này, chúng tôi không chỉ đối mặt với khó khăn ở khâu phát hành mà còn cả trong khâu sản xuất tiền kỳ. Tôi lấy ví dụ trong quá trình tiền sản xuất, bộ phim có nhiều ê-kíp đến từ nước ngoài. Việc đưa họ về Việt Nam trong thời điểm đó cũng khó khăn vì nhân sự đông, lại thường xuyên di chuyển qua các tỉnh thành.
Đến khi quay phim xong, tất cả khâu trong giai đoạn hậu kỳ đều bị kéo dài vì dịch. Tôi không thể ước lượng được chính xác và cụ thể con số thiệt hại. Nhưng theo chia sẻ từ nhóm sản xuất, riêng kinh phí phát sinh đã lên tới gần 17 tỷ đồng.
Tôi muốn làm bộ phim hành động đúng nghĩa nhằm thuyết phục khán giả Việt
– 17 tỷ đồng phát sinh trong khâu sản xuất là con số rất lớn. Anh và ê-kíp đã có những giải pháp gì để khắc phục?
– Cái khó lớn nhất của tôi là tạo ra sự khác biệt cho dự án lần này của mình. Tôi muốn làm bộ phim hành động đúng nghĩa nhằm thuyết phục khán giả.
Còn với nhà sản xuất, họ gặp quá nhiều sự việc bất khả kháng như dịch bệnh và thời tiết. Họ cực kỳ áp lực bởi chi phí phát sinh lớn. Chúng tôi chỉ biết đồng cam cộng khổ và động viên nhau vượt qua mọi việc thôi.
– Quảng bá là khâu quan trọng cho một bộ phim chiếu rạp. Nhiều nhà sản xuất khác đang lo lắng về hướng đi marketing, truyền thông mới để tạo sức hút cho phim khi ra rạp trong thời gian tới. Đó có phải là bài toán của anh?
– Về công tác marketing, truyền thông, dự án có một team khác thực hiện. Tôi chỉ đảm nhận phần đạo diễn và đã hoàn thành. Hiện tại, tôi chuẩn bị cho một dự án phim kinh dị khác.
Tuy nhiên, theo góc nhìn tôi, so với các bộ phim khác sắp ra rạp, dự án của tôi đặc biệt về phần hành động, nhiều gương mặt diễn viên mới mẻ với khán giả nên hy vọng là điểm cộng trong khâu truyền thông.
– Hơn 15 phim điện ảnh “đắp chiếu” trong thời gian dài, chờ ngày ra rạp. Nếu rạp phim được mở cửa trở lại trong thời gian tới, liệu anh có dám đưa tác phẩm của mình công chiếu hay chọn lựa thời điểm khác?
– Nhà sản xuất và toàn bộ ê-kíp đều nóng lòng muốn đưa phim ra rạp càng sớm càng tốt. Bởi ngoài việc chờ đợi để giới thiệu với khán giả thì việc chậm phát hành sẽ tiêu tốn thêm nhiều kinh phí cùng các cơ hội khác.
Thật ra, trong thời kỳ dịch bệnh, ngành nghề nào cũng khó khăn. Chúng tôi đang dự kiến ra mắt phim vào đầu năm 2022.
– Quyết định đưa phim chuyển qua công chiếu vào năm 2022 vì anh muốn tránh đối đầu với nhiều dự án khác hay bản thân chưa thực sự tự tin vào sản phẩm của mình?
– Tôi không đánh giá hay nhận xét đến phim của các đồng nghiệp. Tôi chỉ cạnh tranh với chính mình và có một mục tiêu thực sự lớn với dòng phim hành động.
Với dự án lần này, tôi hoàn toàn tự tin và hy vọng làm thỏa mãn yêu cầu của khán giả trong nước cũng như có nhiều cơ hội phát hành quốc tế.
Việc lựa chọn thời điểm phát hành phim cũng là yếu tố quan trọng. Tất nhiên, phim hay, phim tốt là lợi thế rồi. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, việc truyền thông lại chiếm ưu thế cực mạnh và là cầu nối để đến được với khán giả.
Thực tế cho thấy nhiều bộ phim hay nhưng vẫn thất thu bởi khâu truyền thông chưa mạnh. Nên ở mỗi dự án, ngoài việc nỗ lực tạo ra một bộ phim tốt từ phía đạo diễn, nhà sản xuất cũng phải chú trọng đến khâu truyền thông.
Rất khó để dự đoán rằng phim nào thu về doanh thu trăm tỷ để cứu phòng vé dịp cuối năm
– Một bộ phim sẵn sàng ra rạp sau thời gian ngành điện ảnh đóng băng là phép thử đối với thị trường. Theo dự đoán của anh, trong số các dự án xếp hàng chờ công chiếu, đâu là phép thử có thể tạo ra bước đột phá, để cứu phòng vé trong những tháng cuối năm?
– Có một thực tế, không ai dám chắc được điều gì đón chờ phía trước kể cả những nhà làm phim giàu kinh nghiệm, nổi tiếng. Nhiều nhà sản xuất Hollywood vẫn thất bại với sản phẩm của mình đấy thôi.
Thời gian tới, nhiều phim bom tấn trong nước và quốc tế chờ ra rạp tại Việt Nam, cá nhân tôi mong tất cả phim phát hành đều thành công.
Nhưng để chọn phim nào tạo ra bước đột phá mạnh mẽ thì tôi vẫn mong cú hích đó thuộc về dự án đến từ Việt Nam.
– Liệu có một tác phẩm tạo ra cú hích như ”Bố già” hay ”Tiệc trăng máu” trước đây từng làm được sau mỗi đợt dịch?
– Rất khó để dự đoán rằng phim nào thu về doanh thu trăm tỷ để cứu phòng vé dịp cuối năm. Vì hiện tại, tôi chưa nắm được danh sách phim sẵn sàng ra rạp. Như tôi đã nói ở trên, bản thân chỉ mong các dự án của đồng nghiệp đều thành công.
– Khán giả có tâm lý “lười” ra rạp hơn sau quãng thời gian nghỉ dịch kéo dài. Ngoài ra, kinh tế bị ảnh hưởng khiến họ thận trọng hơn trong việc chi tiêu cho các sản phẩm giải trí. Điều đó khiến các nhà làm phim hiện nay áp lực ra sao?
– Tôi nghĩ xem phim ở nhà thông qua các nền tảng trực tuyến cũng là điểm hay. Nhưng cái gì cũng có giá trị riêng của nó. Bạn xem một bộ phim hành động trên màn hình tivi hay điện thoại, theo cá nhân tôi, cảm xúc sẽ giảm đi cực kỳ lớn.
Giống bạn tập thể dục và chạy bộ trên sân thượng sẽ không thích thú bằng việc đi giữa một công viên rộng lớn. Hoặc việc bạn đi ăn ở nhà hàng một tháng một lần khiến bản thân có cảm giác hưởng thụ.
Điện ảnh sinh ra để chiếu trên màn ảnh rộng. Ở đó, bạn mới cảm nhận được chất riêng của nó.
Điện ảnh sinh ra để chiếu trên màn ảnh rộng. Ở đó, bạn mới cảm nhận được chất riêng của nó
– Dịch vụ phát trực tuyến về cơ bản đã thay đổi ngành công nghiệp giải trí ở nhiều nước trên thế giới. Chính sách phát hành song song phim tại rạp và trên ứng dụng cũng đưa các rạp phim vào tình thế khó khăn. Rạp phim truyền thống không còn là lựa chọn đầu tiên của khán giả?
– Đây là xu hướng chung của điện ảnh thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi phương tiện đều có giá trị riêng nên điện ảnh chiếu rạp sẽ không thể mất đi được.
Tôi luôn mong các tác phẩm điện ảnh sẽ đến được rạp chiếu. Rạp chiếu thực sự là nơi lý tưởng để mang đến mọi cảm nhận và giá trị thưởng thức ngôn ngữ điện ảnh đầy đủ nhất tới khán giả. Có những cảm giác mà bạn chỉ có thể trải nghiệm khi xem phim tại rạp.
– Thế nhưng, ngoài áp lực cạnh tranh từ các nền tảng chiếu phim trực tuyến, nguyên nhân quan trọng nhất khiến khán giả lười xem phim Việt đến từ điểm yếu trong khâu kịch bản và chất lượng sản phẩm?
– Khán giả bây giờ khó tính hơn nhiều. Họ muốn chọn những bộ phim mới mẻ thay vì sự lặp đi lặp lại đến nhàm chán. Hơn nữa, giờ đây khán giả có nhiều lựa chọn trong các hình thức giải trí, đến từ nhiều nguồn khác nhau.
Phim phải có nội dung hấp dẫn là điều kiện cần ở bất thời kỳ nào. Theo tôi, tại thời điểm này, một bộ phim Việt có nhiều màu sắc sinh động về diễn viên, bối cảnh biến đổi đa dạng, có dấu ấn riêng dễ thu hút được khán giả.
Tôi không thể lượng hóa được vị thế và tầm ảnh hưởng điện ảnh của quốc gia nào trong khu vực để so sánh. Nhưng điện ảnh Việt Nam chúng ta đang tiến nhanh. Tôi nghĩ là sớm thôi điện ảnh Việt không chỉ phát triển mạnh mà còn tạo được vị thế và dấu ấn riêng của mình trên bản đồ điện ảnh thế giới.
– Thách thức, khó khăn luôn là cơ hội cho sự thay đổi. Theo anh, những nhà làm phim Việt cần thay đổi gì để hội nhập với điện ảnh thế giới?
– Muốn làm được một bộ phim tốt cần một ê-kíp tốt. Cá nhân tôi luôn tìm mọi cơ hội để cọ xát, học hỏi và kết hợp với những ê-kíp không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Thông qua những lần làm việc chung với nhà làm phim quốc tế, chúng ta sẽ đốt cháy được nhiều giai đoạn. Mỗi người tự học hỏi, đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm làm phim hơn.
Điện ảnh là một phương tiện hiệu quả để quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hoá, con người, du lịch. Điện ảnh bây giờ cũng là một ngành công nghiệp có thể xuất khẩu ra quốc tế, nếu ta làm phim tốt. Tôi mong Nhà nước quan tâm và đầu tư cho điện ảnh cũng như tạo điều kiện cho các nhà làm phim nhiều hơn.
Lương Đình Dũng là đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất phim Việt. Tác phẩm Cha cõng con của anh từng giành nhiều giải thưởng quan trọng ở trong và ngoài nước. Năm 2018, Cha cõng con đại diện cho điện ảnh Việt Nam trên đường đua hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài của Oscar lần thứ 90. Ngoài ra, một số bộ phim khác của Lương Đình Dũng được chú ý như Hạnh phúc đỏ, Xẩm đỏ, The Boat Man…