Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi được Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 14/9. Dự thảo có một số nội dung thay đổi, trong đó, vấn đề kiểm duyệt được giới làm phim quan tâm.
Theo khoản 3 Điều 31 quy định: “Hội đồng thẩm định và phân loại phim có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền trước khi cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng”.
Ngoài ra trình tự, thủ tục cấp giấy phép, phân loại phim được quy định tại khoản 5 Điều 27 có lưu ý: “Trường hợp phim phải điều chỉnh hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, thời hạn cấp giấy phép phân loại phim được tính từ ngày nhận được bản phim đã điều chỉnh nội dung hoặc thông tin đã được bổ sung”.
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, khi đọc những quy định này anh cảm thấy quan ngại. “Điều này có nghĩa nếu Luật Điện ảnh sửa đổi được thông qua, hội đồng thẩm định phim có quyền yêu cầu các nhà sản xuất, nhà làm phim thay đổi nội dung theo yêu cầu của họ”, anh nói.
Đạo diễn phim Dành cho tháng sáu cho rằng theo Luật Sở hữu trí tuệ về quyền nhân thân của tác giả quy định bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm mà không cho người khác sửa chữa, cắt xén. Vì thế nếu Luật Điện ảnh sửa đổi cho phép hội đồng kiểm duyệt yêu cầu nhà làm phim chỉnh sửa tác phẩm, điều này có thể dẫn tới tranh cãi.
Nguyễn Hữu Tuấn mong Luật Điện ảnh sửa đổi không có điều khoản quy định về việc Hội đồng thẩm định được can thiệp vào nội dung tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ nên phân loại độ tuổi phù hợp với từng bộ phim.
Trao đổi với Zing về vấn đề kiểm duyệt phim được quy định trong Luật Điện ảnh sửa đổi, đạo diễn Nguyễn Quang Dung cũng bày tỏ mong muốn loại bỏ khâu kiểm duyệt mà chỉ có hội đồng phân loại phim.
“Hàn Quốc, Mỹ và các nước phát triển đã bỏ khâu kiểm duyệt. Họ chỉ lập hội đồng để phân loại phim phù hợp với các lứa tuổi khác nhau. Thực tế điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc khi bỏ khâu kiểm duyệt phim”, anh nhấn mạnh.
Nam đạo diễn cho rằng phim điện ảnh cũng như một tác phẩm nghệ thuật khác là tiếng nói phản ánh, phản biện của xã hội. Đã là tiếng nói phản biện xã hội vì vậy cần có sự tự do. Sự phản biện có giá trị giúp xã hội tốt hơn do đó ở các nước phát triển đa số là văn hóa ở đó được tự do sáng tạo.
Theo Nguyễn Quang Dũng, bỏ qua khâu kiểm duyệt không có nghĩa chất lượng phim không đảm bảo hay có thể vi phạm các quy định pháp luật. Anh cho rằng khi hội đồng phân loại phim là đã xếp từng phim phù hợp với các độ tuổi khác nhau.
“Hơn nữa, các nhà phát hành hay làm phim ai cũng sợ mất khán giả. Và dù họ sáng tạo thế nào cũng phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình trước pháp luật. Đối với nhà làm phim, điều đáng sợ nhất với họ là phim bị tẩy chay, lên án”, anh nói.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng việc Hội đồng thẩm định phim có thẩm quyền yêu cầu cắt xén phim là điều không đúng. Theo anh, khi áp dụng nguyên tắc hạn chế lứa tuổi, phim đã điều chỉnh nội dung phù hợp.
So với Trung Quốc, hay các nước Hồi giáo, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhìn nhận việc kiểm định phim ở Việt Nam không khó. Nhưng sự khó lại nằm ở những điều khác. Đạo diễn Tiệc trăng máu lý giải: “Cái khó là luật bị phụ thuộc vào người hành luật. Nhiều khi họ suy diễn quá, ngoài mục đích, ý tưởng của nhà làm phim. Và cái khó của kiểm duyệt phim còn là sự khó đoán của hội đồng. Với nội dung giống nhau nhưng có thể một phim được cấp phép, còn phim khác phải sửa”.
Anh cho hay sự khó đoán của hội đồng kiểm duyệt bắt nguồn từ những quy định chung chung, không rõ ràng về nội dung cấm những nội dung, hành vi vi phạm quy định tại Điều 10.
Theo Nguyễn Quang Dũng, từ sự khó đoán của hội đồng thẩm định khiến nhà làm phim mang tâm lý “sợ đủ thứ”. Dần dần, Việt Nam trở thành thị trường phải sản xuất phim an toàn, ít màu sắc. Do đó, điện ảnh Việt khó thực hiện được một tác phẩm màu sắc, có khả năng bứt phá, vươn tầm quốc tế.
Đồng quan điểm, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Charlie Nguyễn ủng hộ việc bỏ khâu kiểm duyệt với phim điện ảnh. Theo anh, cách làm này đã được các nền điện ảnh phát triển trên thế giới từ lâu.
Anh cho biết: “Ở Mỹ, không có điều luật nào cấm hay hạn chế sự sáng tạo của người làm phim. Trước khi phim công chiếu, nhà sản xuất chỉ chiếu phim cho một hội đồng phụ huynh gồm nhiều bậc cha mẹ xem. Hội đồng này sẽ xem xét phim phù hợp với độ tuổi nào. Họ chỉ quyết định việc gắn mác độ tuổi phù hợp dành cho phim nhưng không can thiệp việc sáng tạo của nhà làm phim”.
Charlie Nguyễn cho rằng Luật Điện ảnh được lập ra nên để thúc đẩy nền điện ảnh phát triển, chứ không phải gây khó khăn, tạo rào cản cho người làm phim. Cũng như Nguyễn Quang Dũng, anh cảm thấy thực hiện được một bộ phim đột phá, sáng tạo, gây tiếng vang khi mọi thứ đều bị bó hẹp.
Sự siết chặt về nội dung, đề tài phim theo đạo diễn Dòng máu anh hùng sẽ khiến khán giả không được rung động, thỏa mãn khi đến với tác phẩm. Từ đây, khán giả sẽ quay lưng với phim Việt, chọn xem nước ngoài.
Theo Zing.vn