Xung quanh dự thảo về bộ quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Zing có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
– Theo ông, vì sao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho giới nghệ sĩ?
– Sở dĩ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành bộ quy tắc ứng xử vì thời gian qua nhiều nghệ sĩ có hành vi ứng xử lệch chuẩn, không phù hợp cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời sống.
Những gì chưa tốt cần phải lên án. Bởi nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng, có thể tác động tiêu cực đến công chúng, nhất là đối tượng khán giả trẻ.
Ở các môi trường giải trí khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, làn sóng tẩy chay rất mạnh mẽ khi nghệ sĩ vướng scandal. Tất nhiên, chúng ta không hoàn toàn dựa vào đó để áp dụng điều tương tự đối với môi trường giải trí Việt Nam vì nền văn hóa, xã hội cũng có sự khác biệt.
Nhưng, điều cốt lõi là chúng ta luôn mong muốn nghệ sĩ phải là tấm gương tốt. Bộ quy tắc đang được soạn thảo giống như một kênh để định hướng hành vi cho nghệ sĩ. Nghệ sĩ ứng xử lệch chuẩn xuất phát từ nhiều lý do.
– Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
– Một trong số đó là họ nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với công chúng, về việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín cá nhân trong bối cảnh mới.
Đôi khi, họ cũng nhầm lẫn giữa vai trò của một nghệ sĩ và người sử dụng mạng xã hội thông thường. Phát ngôn, ứng xử trên mạng xã hội thế nào là nên, thế nào không nên, dường như họ chưa nắm rõ.
Theo tôi, bộ quy tắc sắp được ban hành tới đây không chỉ tốt đối với giới nghệ sĩ, mà còn tốt cho xã hội nói chung. Hình ảnh nghệ sĩ trong sáng, chuẩn mực sẽ góp phần định hướng đạo đức cho chính người hâm mộ của nghệ sĩ ấy.
– Tuy nhiên, bộ quy tắc này không phải văn bản quy phạm pháp luật, không có quy định cấm sóng, cấm diễn với các nghệ sĩ ứng xử thiếu chuẩn mực. Như vậy liệu có khả thi và đủ mạnh để thay đổi tình trạng hiện tại, thưa ông?
– Bản chất của những bộ quy tắc ứng xử không có chế tài, mà chỉ mang tính hướng dẫn hành vi. Giống như bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành trước đây, trong đó đề cao nguyên tắc “trách nhiệm, tôn trọng, lành mạnh, an toàn”.
Nhưng không có nghĩa vì thế mà không khả thi. Nó vẫn có giá trị nhất định. Bộ quy tắc sẽ cung cấp một cơ sở đánh giá chung cho xã hội, từ đó hình thành dư luận xã hội để đánh giá nghệ sĩ. Ai vi phạm chuẩn mực đạo đức ắt sẽ bị thanh lọc.
Còn về chế tài, chúng ta đã có quy định xử phạt trong các nghị đinh của Chính phủ hay thông tư của Bộ.
Tôi muốn nhắc lại rằng, trong bối cảnh hiện nay, ban hành quy tắc ứng xử là điều nên làm.
– Ở quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, dự thảo nhấn mạnh nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong việc quyên góp từ thiện, làm công tác xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
– Vừa qua có nhiều tranh cãi, dư luận trái chiều xung quanh chuyện nghệ sĩ làm từ thiện. Tất nhiên, việc làm từ thiện rất phức tạp, không thể nói 1-2 câu hoặc lấy một vài trường hợp mà bao quát được tất cả.
Về cơ bản, theo tôi, nghệ sĩ làm từ thiện bắt nguồn từ tấm lòng của họ, mong muốn được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn lũ lụt hoặc dịch bệnh… Một số cá nhân đã truyền cảm hứng cho nhiều người trong xã hội cũng làm từ thiện. Điều đó nên được lan tỏa.
Còn về những vấn đề tranh cãi, tôi cho rằng đến từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thứ nhất, chúng ta chưa có hệ thống quy định hoặc văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tài trợ nói chung, từ đó tạo ra một hành lang pháp lý cho việc kêu gọi, sử dụng nguồn tài trợ.
Thứ hai, theo tôi, nghệ sĩ không có hiểu biết sâu rộng về vấn đề này. Họ làm thiện nguyện theo kiểu “nghệ sĩ”, không chuyên nghiệp. Và tất nhiên, có thể có những trường hợp trục lợi nữa.
Để hướng đến sự minh bạch, rõ ràng, không vụ lợi, chúng ta cần có những quy định liên quan. Bộ quy tắc sẽ góp phần định hướng nghệ sĩ làm thiện nguyện, tránh trục lợi.
– Nhìn vào bức tranh showbiz Việt thời gian gần đây, có thể thấy rõ tình trạng lộn xộn đáng báo động. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
– Giới showbiz phản ánh một phần tồn tại xã hộị, sẽ có người tốt, người xấu, chuyện hay, chuyện không hay. Chúng ta lên án những hành vi lệch chuẩn, nhưng cũng cần ca ngợi các tấm gương tốt. Lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu, lấy cái thiện để đẩy lùi cái ác. Đó là những nguyên tắc đạo đức dẫn đường cho sự phát triển xã hội bền vững.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã hoàn thiện dự thảo và có văn bản gửi 6 đơn vị trực thuộc gồm Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ. Các đơn vị này có trách nhiệm tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo để Bộ sớm ban hành.
Nội dung bộ quy tắc bao gồm quy tắc ứng xử chung, quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp, quy tắc ứng xử đối với khán giả, công chúng, quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Theo Zing.vn