Sáng: Mặc quần short, áo ba lỗ, đội mũ lưỡi trai và lội xuống ruộng để cắt rau muống.
Trưa: Sau khi cột kỹ, đóng bao, chất lên xe rùa để đưa rau ra ngoài đường đất. Tiếp đó, nhóm lại dùng xe máy để chở rau ra đường nhựa, chất lên xe tải.
Chiều: Giao rau ở các bệnh viện dã chiến, người dân nơi phong tỏa.
Hơn một tháng qua, NTK Thuận Việt và nhóm bạn ròng rã đi hơn 30 km từ quận 1 xuống Hóc Môn để gom rau muống, trao tặng các bếp ăn của bệnh viện và người dân tại khu phong tỏa, cách ly.
Với Thuận Việt, đó là một hành trình khó quên, đầy nhọc nhằn, mồ hôi nhưng cũng lắm niềm vui, hạnh phúc.
– Một nhà thiết kế vốn quen với vải vóc, kim chỉ lại xuống ruộng đầy bùn để cắt rau muống trong thời dịch. Hành trình làm nông dân bất đắc dĩ của anh có gì đáng nhớ?
– Khoảng giữa tháng 7, vào dịp sinh nhật, tôi và nhóm bạn mới rủ nhau làm điều gì đó khác biệt trong thời dịch thay vì những lời chúc như thường lệ. Tôi cùng một người bạn gia nhập vào nhóm tình nguyện viên làm tài xế thu gom rau củ quả để gửi đến các bếp ăn của bệnh viện.
Những ngày sau đó, tôi tự chạy xe ra điểm tập kết gần Long An để nhận rau, củ, bánh trái… của các nhà hảo tâm từ miền Tây gửi lên.
Thế rồi, giai đoạn giãn cách xã hội, nhận thấy nhu cầu rau xanh của bà con ở nhiều khu phong tỏa, cách ly ngày càng tăng, tôi mới tự mình tìm thêm các nguồn rau củ. Tình cờ tôi biết đến một số chủ ruộng ở huyện Hóc Môn có mong muốn tặng rau cho người dân tại TP.HCM chịu ảnh hưởng bởi dịch. Không chần chừ, tôi cùng bốn người khác đã đến nơi, tiến hành thu gom rau, phân loại và gửi đến các địa điểm đã lên danh sách từ trước.
Tôi nhớ những bữa ăn đơn sơ với rau muống luộc, trứng vịt dằm. Trên người lấm lem bùn đất và mủ rau muống
Vì xe lớn chở rau không thể vào tận các ruộng sâu bên trong nên nhóm tôi cắt xong, cột và đóng bao rồi đẩy xe rùa ra ngoài đường đất. Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục dùng xe máy chở ra đường nhựa rồi mới vận chuyển được lên xe để đi giao.
Thật sự, tôi không nghĩ công việc này vất vả, gian nan như vậy. Chỉ cần khom lưng lên xuống vài lần thôi cũng đủ mệt sống lưng, nhất là với những người thành thị không quen chuyện đồng áng như tôi. Những ngày đi gom rau, nắng mưa thất thường khiến mọi người dễ bị cảm lạnh.
Thế nhưng, cả nhóm không ngưng việc giữa chừng vì sợ rau để lâu sẽ bị héo, già và không tươi ngon khi đến tay bà con. Hơn một tháng qua, tôi và các thành viên trải qua vô số kỷ niệm.
Đó là những giấc ngủ trưa dã chiến trên chiếc ghế đá dọc bờ sông. Đó là những bữa ăn đơn sơ, qua loa với ít rau muống luộc, trứng vịt dằm nước tương. Cả nhóm tay chân ai cũng lấm lem bùn đất, dính đầy mủ rau muống. Mỗi ngày, chúng tôi chạy chặng đường hơn 60 km cả đi lẫn về từ quận 1 xuống Hóc Môn, phải vượt qua mấy chục cái chốt chặn.
– Trên trang cá nhân, anh viết: “Có người đã đôi lần gục ngã vì đi giúp người khác nhưng họ vẫn cứ làm. Đôi khi chỉ đơn giản là họ tự đặt ra cho bản thân mình những thử thách để vượt qua. Mà cái giá có khi là sự sống và cái chết”. Đó là tổng kết về những trải nghiệm của anh trong một tháng qua?
– Những ngày đầu tham gia công việc này, cả tôi và bạn bè đều rất sợ bị lây bệnh, rồi đem nguồn bệnh về cho người thân trong gia đình. Vài đêm đầu, tôi cứ suy nghĩ và lo lắng đến mất ngủ.
Thế nhưng, chỉ qua hôm sau, khi nghĩ đến những người nghèo ngoài kia còn đang vất vả, không tìm được miếng ăn thì mọi lo lắng tan biến. Ban đầu, tôi chỉ định gặt hái khoảng 1, 2 ruộng rau rồi đem phát cho các bếp ăn của bệnh viện. Sau đó, nhu cầu của bà con nghèo về rau củ ngày càng tăng, nhóm lại quyết định góp tiền để mua thêm nhiều ruộng rau nữa.
Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi phải ra ngoài nhiều hơn và nguy cơ rủi ro cũng lớn. Có ai dám nói trước là nếu mình nhiễm bệnh sẽ vượt qua như thế nào đâu. Làm thiện nguyện không bao giờ là điều dễ dàng, nhất là trong tình hình dịch bệnh.
Tôi hay các bạn trong nhóm phải vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân trước, sau đó mới nghĩ đến chuyện giúp đỡ người khác.
Để đảm bảo an toàn, cứ cách mấy ngày, tôi lại tự bỏ tiền túi đi xét nghiệm Covid-19. Khi có kết quả âm tính, tôi mới thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục hành trình thiện nguyện.
– Vượt qua nỗi sợ, anh và nhóm bạn đã làm được những gì so với kế hoạch ban đầu?
– Hơn một tháng qua, cả nhóm tự gặt hái và trao tặng khoảng 20 tấn rau muống, hơn 15 tấn rau, củ, quả các loại. Đa số ruộng rau muống đều nhận được sự chia sẻ của các chủ ruộng nên chúng tôi mua với giá tốt. Còn chuyến rau, củ, quả thì nhóm được các anh chị mạnh thường quân khác hỗ trợ.
Trong một lần nói chuyện, tôi biết chị Phương Thanh cần rau để đi phát và hỗ trợ các hộ nghèo ở khu phong tỏa nên cả nhóm đã đồng lòng tiếp sức. Mỗi ngày, chị chạy xuống tận ruộng rau, cắt cùng mọi người và đem đi phát 4-5 bao. Sự xuất hiện của chị tạo thêm niềm vui cho cả nhóm.
– Covid-19 khiến cho mỗi người trong chúng ta thay đổi cách nhìn về cuộc sống, đưa đến những trải nghiệm khác nhau. Với anh thì sao?
– Trước giờ, tôi vốn là người sống chậm. Ngoài công việc, tôi cũng ít tụ tập. Phần lớn thời gian là ăn cơm ở nhà, đạp xe tới các nhà thờ mà mình chưa biết đến, quãng đường có khi dài 60 km. Thời điểm dịch bệnh kéo dài, tôi thấy mọi người lo lắng cho nhau nhiều hơn. Bản thân tôi cũng được bạn bè gửi tặng hoa khi thấy mình làm việc vất vả. Điều đó chứng tỏ cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có cơm áo gạo tiền.
Đi làm thiện nguyện, tiếp xúc với nhiều người nghèo khổ, tôi thấy khó khăn của mình chỉ như một cơn gió thoảng
Tuy là nhà thiết kế quen với việc sáng tạo nhưng mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày, tôi toàn tự mình làm và ít khi nhờ vả ai. Nhiều người thấy các bức ảnh tôi chụp trên ruộng rau đẹp, nên thơ, lãng mạn đấy. Nhưng thật ra đó là cả một quá trình lao động miệt mài, vất vả, phải chịu nắng trên đầu và ẩm ướt dưới chân (Cười).
Chưa khi nào tôi cảm thấy quần áo mình sau những cơn mưa mà bẩn đến vậy. Hoặc tay chân tôi đầy bùn sình, không có nước rửa phải để nguyên như vậy chạy về nhà.
Nhưng phải nói thật là tôi vui lắm. Nhiều đêm về trễ, tôi đặt mình cái là ngủ ngay được và rất ngon. Tôi biết những việc mình làm rất ý nghĩa cho cộng đồng.
Hơn một tháng qua, tôi nhập vai làm nông dân, shipper quen rồi. Đến khi cắt vai, chắc tôi sẽ hụt hẫng không chừng.
– Hơn hai tháng không đi làm, thu nhập bằng 0, anh vẫn ổn chứ?
– Những ngày này, hầu như ai cũng phải sống tiết kiệm và tôi cũng không là ngoại lệ. Tôi tự nấu ăn một cách đơn giản, không sơn hào hải vị. Tôi thấy vui khi tay nghề của mình ngày một tốt hơn.
Lắm khi tôi cũng có chút bi quan vì công việc của mình bị ngưng trệ, phải lo toan lương bổng cho nhân viên, tài chính gia đình. Nhưng rồi khi đi làm thiện nguyện, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn, tôi thấy nỗi khổ của mình chỉ như một cơn gió thoảng.
Theo Zing.vn