logo
Thứ năm, 09/05/2024 06:28:10

Tưởng nhớ giáo sư Toshihide Masukawa – Một nhà vật lý ‘lãng mạn’


(Dispatch.vn) - Làng khoa học thế giới vừa qua đón nhận một tin buồn khi Giáo sư Toshihide Masukawa – nhà Vật lý người Nhật Bản đã từ giã cuộc đời ở tuổi 81. Không chỉ là cá nhân xuất chúng với giải Nobel Vật lý 2008 và những đóng góp cho hoạt động vì hòa bình, Giáo sư Masukawa còn là một người truyền cảm hứng bằng những câu chuyện giản dị về đam mê nghiên cứu khoa học của mình.

Giáo sư Toshihide Masukawa (1940 – 2021)

Lãng mạn và khao khát trong khoa học làm nên “cú đột phá”

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống kinh doanh đường, ngay từ khi còn nhỏ, Giáo sư Masukawa đã được kỳ vọng sẽ nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, sau khi nhận ra mình có niềm đam mê mãnh liệt dành cho nghiên cứu khoa học, cậu thanh niên Masukawa đã kiên quyết đấu tranh với cha để đi theo con đường của riêng mình. Trong một lần nhà bị trộm đột nhập và cảnh sát phải vào cuộc điều tra, chính tấm bằng Tiến sĩ về hạt cơ bản của Masukawa đã khiến cho cảnh sát thay đổi cách đối xử với gia đình ông, vì họ nghĩ cha của Masukawa mới là chủ nhân của tấm bằng. Kể từ đó, Masukawa xem việc nghiêm túc nghiên cứu khoa học là cách duy nhất để ông báo hiếu cha mẹ.

Khi đã trở thành một nhà Vật lý lỗi lạc, bản thân Giáo sư Masukawa vẫn vô cùng khiêm tốn. Hạnh phúc đối với ông đơn giản chỉ là được các nhà khoa học khác công nhận nghiên cứu của mình. Suốt quá trình truyền cảm hứng về đam mê khoa học cho những lớp thế hệ trẻ, Giáo sư Masukawa luôn nhất quán cho rằng một trong những bí quyết dẫn đến thành công của ông chính là “sự lãng mạn và lòng khao khát trong nghiên cứu”.


Giáo sư Mas
ukawa Toshihide (bên phải) và cộng sự cùng đoạt giải Nobel 2008 – Giáo sư Makoto Kobayashi.

Người ta thường nói khoa học khô khan bởi những lý thuyết, nhưng trên thực tế, khoa học lại bắt nguồn từ sự lãng mạn. Từ nguồn cảm hứng dành cho sự cân đối, hài hoà của cái đẹp thiên nhiên, trong phạm vi Vật lý hạt cơ bản, nhiều nhà khoa học đã cho ra đời khái niệm “đối xứng”. Nhưng càng đi sâu nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng trong các tương tác cơ bản của thiên nhiên (lực hấp dẫn, lực điện từ, lực hạt nhân) thì có lực hạt nhân yếu vi phạm phép “đối xứng”. Giáo sư Masukawa và cộng sự của ông là Makoto Kobayashi đã trở thành những nhà Vật lý tiên phong tìm hiểu cơ chế của sự vi phạm này, và cuối cùng họ đã phát hiện ra nguồn gốc của sự vi phạm nằm ở cấu tạo của các hạt cơ bản: phải có ít nhất sáu quark (ba “họ” hạt quark).

Điều gì đến cũng đến, giải Nobel Vật lý 2008 chính thức gọi tên 3 nhà vật lý ngành hạt cơ bản. Trong đó, 1/2 giải thưởng thuộc về Giáo sư Toshihide Masukawa, khi ấy 68 tuổi, và người cộng sự Makoto Kobayashi, 64 tuổi, do “phát hiện nguồn gốc của phá vỡ đối xứng, từ đó dự đoán sự tồn tại của ít nhất 3 họ hạt quark trong tự nhiên”, giúp hiểu rõ những gì xảy ra bên trong các cấu trúc nhỏ nhất của vật chất; 1/2 giải còn lại thuộc về Yoichiro Nambu, 87 tuổi, nhà khoa học Mỹ gốc Nhật Bản, do “phát hiện cơ chế phá vỡ đối xứng tự phát trong các hạt hạ nguyên tử”, giúp giới khoa học giải thích tại sao vũ trụ được tạo thành từ các hạt vật chất, chứ không phải hạt phản vật chất.

Cùng trong năm 2008 khi được giải Nobel, Giáo sư Masukawa cũng được chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Văn hoá, vì những đóng góp đáng quý của ông trong việc bảo vệ Hiến pháp hoà bình Nhật Bản và các hoạt động vì hoà bình khác.

Những mối nhân duyên đẹp

Năm 2013, Giáo sư Masukawa từng có chuyến công tác tại Việt Nam ở cương vị “cầu nối” ngoại giao giữa 2 trường Đại học Nagoya và Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhân dịp này, ông đã được Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng tấm bằng Tiến sĩ danh dự vì những thành tựu đáng tự hào của mình.


Giáo sư Maskawa Toshihide phát biểu tại buổi giao lưu với giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2013.

Trong bài phát biểu tại buổi giao lưu với giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư Masukawa không ít lần bày tỏ rằng, mong muốn lớn nhất của đời ông chính là truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cơ bản cho giới trẻ, bởi những hiểu biết mới trong khoa học cơ bản sẽ mang lại những giá trị to lớn và quan trọng với nhân loại. Ông nói:“Cho dù khả năng con người có giới hạn và điều kiện nghiên cứu hết sức khiêm tốn, nhưng với những nỗ lực tối đa, các sáng kiến khoa học vẫn có thể được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Có thể nói, khoa học ngày càng trở nên vĩ đại và đang ở tầm phát triển mới dù chúng ta có yêu quý nó hay không. Khoa học chính là một công cụ không thể thiếu để chúng ta tiếp tục tồn tại và phát triển”.


Một cửa hàng thuộc Thương hiệu Mỹ phẩm Menard tại Việt Nam.

Cũng trong chuyến thăm Việt Nam năm 2013 của mình, Giáo sư Masukawa đã đến thăm Menard Việt Nam ở cương vị một người bạn thân thiết và đáng kính suốt nhiều năm. Trên thế giới, Menard là một trong số ít các thương hiệu mỹ phẩm đầu tư chuyên sâu vào nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng những thành tựu nghiên cứu độc quyền của mình trong việc sản xuất các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe. Sự hợp tác nghiên cứu chặt chẽ giữa Viện nghiên cứu Menard và Đại học Nagoya đã tạo nên mối nhân duyên gắn bó giữa Menard với các nhà khoa học lớn của Nhật Bản, trong đó có Giáo sư Masukawa. Tưởng nhớ Giáo sư Masukawa, mỗi thành viên Menard Việt Nam sẽ luôn hoài niệm về ông với hình ảnh một nhà khoa học lỗi lạc, một nhân cách lớn, một trái tim giản dị yêu hoà bình.

Xin cầu chúc cho những công trình nghiên cứu, triết lý sống của Giáo sư Masukawa sẽ tiếp tục được lĩnh hội và khơi nguồn cảm hứng cho tất thảy những người đam mê khoa học trên khắp thế giới.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan