Sina đưa tin Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc triệu tập hơn 20 công ty giải trí, văn phòng làm việc của nghệ sĩ để chấn chỉnh các dịch vụ liên quan đến người nổi tiếng tại nước này. Trong đó, văn hóa fan và thái độ ứng xử của nghệ sĩ lẫn công ty đại diện là nội dung được đưa ra thảo luận tại cuộc họp.
Động thái quyết liệt của giới chức Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Ngô Diệc Phàm vướng vụ kiện về án hiếp dâm. Từ đầu tháng 8 đến nay, cơ quan quản lý đã đưa hàng loạt quy định mới nhằm “dẹp loạn” ngành giải trí.
Xóa bỏ vấn nạn “fan nuôi, fan chiến”
Theo Sina, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ mạnh tay chấn chỉnh tình trạng fan cuồng có tư duy và hành vi lệch lạc, cụ thể là vấn nạn “fan nuôi, fan chiến”.
Trong đó, cơ quan quản lý nhấn mạnh nghệ sĩ và công ty quản lý sẽ chịu trách về hành vi của fan. Họ có nhiệm vụ định hướng cho người hâm mộ cách hành xử chừng mực, thể hiện sự ủng hộ và bảo vệ thần tượng văn minh.
|
Hàng trăm người hâm mộ của Ngô Diệc Phàm kéo đến đồn cảnh sát “làm loạn”. Ảnh: Sina. |
Để loại bỏ tư tưởng tôn thờ thần tượng quá đà, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương yêu cầu các cộng đồng fan dừng hoạt động góp tiền “nuôi” nghệ sĩ, chấm dứt sự hỗn loạn và tranh cãi không lành mạnh trên mạng xã hội.
Việc này giao cho công ty giải trí thực hiện, báo cáo với cơ quan quản lý. Nếu đơn vị nào phát hiện sai phạm, nhưng cố tình dung túng, tiếp tay cho nhóm fan sẽ bị xử phạt nặng.
Thời gian qua, sự xuất hiện của bộ phận fan cuồng khiến công chúng có nhìn phản cảm về văn hóa thần tượng. Theo Tân Hoa Xã, việc người hâm mộ có hành động cực đoan không đơn thuần là thể hiện tình cảm yêu mến với nghệ sĩ, mà còn cho thấy sự xuống cấp chuẩn mực đạo đức, hành vi của người trẻ.
Họ bảo vệ thần tượng mù quáng, bất chấp đúng sai ngay cả khi idol vướng vào tranh cãi hay scandal gây phẫn nộ dư luận. Điển hình là nhóm fan cuồng của Ngô Diệc Phàm.
Sau khi anh bị bắt, một bộ phận người hâm mộ đã kêu gọi chung sức, chung lòng “giải cứu” nam ca sĩ. Trên Weibo và nhiều nền tảng mạng xã hội, họ chiêu mộ thành viên, đóng góp tiền và lên kế hoạch đòi tự do cho thần tượng.
Chứng kiến hành động quá khích của fan Ngô Diệc Phàm, CCTV bình luận: “Đã đến lúc cảnh tỉnh những người hâm mộ điên cuồng, không phân rõ trắng đen và coi thường pháp luật”. Tối 2/8, nhận lệnh của cơ quan quản lý, Weibo khóa hoạt động toàn bộ fanpage và nhóm chat của người hâm mộ giọng ca 31 tuổi để răn đe.
Tháng 3/2020, fan của Tiêu Chiến gây bức xúc khi đánh sập trang AO3 và Lofter ở Trung Quốc – hai trang web tập hợp các bài viết, tranh ảnh hư cấu về người nổi tiếng – bằng cách báo cáo sai phạm.
Nguyên nhân là người hâm mộ nam diễn viên bất mãn với các bài viết, tranh vẽ hư cấu về mối quan hệ của Tiêu Chiến và Vương Nhất Bác, cũng như hình ảnh của tài tử bị “nữ tính hóa”. Hành động quá khích của người hâm mộ khiến Tiêu Chiến bị tẩy chay diện rộng.
Tiêu Chiến lao đao sự nghiệp thời gian dài vì người hâm mộ có hành vi thiếu kiềm chế. Ảnh: Sohu. |
Theo China Daily, hai tháng qua, Cục quản lý Mạng Trung Quốc đã xử lý hàng loạt hành vi không lành mạnh của fan trên mạng xã hội như xóa bỏ 150.000 tin độc hại, 4.000 tài khoản và 1.300 nhóm chat cuồng ngôn, gỡ 39 app quyên góp tiền phi pháp.
Theo Sina, vấn đề fan cuồng, góp tiền cho thần tượng như động không đáy, đã hai lần được đại biểu Quốc hội Trung Quốc đưa ra thảo luận tại cuộc họp thường niên.
Vào tháng 3, nhà phát triển Star Aid App bị kết án 5 năm tù vì thu lợi gần 1 triệu USD khi đứng ra làm trung gian chuyển tiền cho nhóm fan của Thái Từ Khôn. Số tiền hội nhóm đóng góp cho ca sĩ trẻ đến 15 triệu USD.
Đánh giá lại toàn bộ nghệ sĩ
Ngày 8/8, mạng xã hội Weibo thông báo loại bỏ, đóng cổng bình chọn Bảng xếp hạng quyền lực ngôi sao. Bảng đánh giá này xuất hiện vào năm 2014 khi văn hóa thần tượng manh nha ở Trung Quốc.
Mục đích là đo mức độ nổi tiếng của nghệ sĩ qua lượng người tìm kiếm, lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ trên Weibo. Dần dần bảng xếp hạng trở thành kênh tham khảo chính thống, ảnh hưởng trực tiếp đến hợp đồng quảng cáo, tài nguyên phim ảnh của ngôi sao.
Cơ quan quản lý đề ra nhiều biện pháp giảm sức ảnh hưởng của sao lưu lượng sau bê bối của Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm. Ảnh: Weibo. |
Nhiều năm qua, đây được xem là chiến trường ảo để fan thể hiện sự yêu mến, giúp thần tượng nâng tầm ảnh hưởng. Theo QQ, để nâng giá trị của sao trên bảng xếp hạng, người hâm mộ phải mua vật phẩm ảo với nhiều hạng mức khác nhau từ vài NDT cho đến hàng nghìn NDT.
Vì vậy, những năm gần đây, một bộ phận quần thể fan đã gian lận, mua bình chọn, công kích hoặc tung tin nhảm về các đối thủ… dẫn đến bảng xếp hạng không còn phản ánh khách quan sức ảnh hưởng của minh tinh với xã hội.
Theo Sina, việc gỡ bỏ bảng xếp hạng là giải pháp đưa hệ sinh thái fan chân chính, tương tác lành mạnh trở về quỹ đạo vốn có, giúp người hâm mộ theo đuổi ngôi sao lý trí, chấm dứt tình trạng fan dùng tiền đưa thần tượng vào danh sách “sao hot”.
“Ngô Diệc Phàm và Trịnh Sảng đã cho thấy sự sai lầm khi chỉ đánh giá tên tuổi nghệ sĩ dựa vào số liệu ảo trên mạng. Thành công của sao lưu lượng hiện nay đều do fan dùng thời gian, tiền bạc tạo ra. Chúng ta cần dẹp bỏ hành vi xấu này để người nổi tiếng tự bước đi trên đôi chân của mình”, Vương Hải Yến – giám sát viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc tuyên bố.
Năm 2018, album Antares của Ngô Diệc Phàm gây bất ngờ khi dẫn đầu bảng xếp hạng iTunes của Mỹ, đẩy bản hit đình đám của loạt ngôi sao nổi tiếng như Ariana Grande, Lady Gaga, Zedd, Shawn Mendes xuống top dưới.
Sau đó không lâu, iTunes đã gỡ toàn bộ sản phẩm của Ngô Diệc Phàm vì cáo buộc thao túng, gian lận nhạc số. Người hâm mộ của ngôi sao sinh năm 1990 bị tố cáo dùng tài khoản Itunes giả, vung tiền mua các bài hát trong album để tăng hạng cho thần tượng.
Ngô Diệc Phàm và fandom bị chỉ trích “lách luật”, cạnh tranh không sòng phẳng và làm xấu mặt cộng đồng người hâm mộ chân chính ở Trung Quốc. Việc này cũng khiến nam nghệ sĩ ảo tưởng về thực lực, bởi trong giới rap Ngô Diệc Phàm luôn bị đánh giá kém. Khi ngồi ghế nóng The Rap of China, anh bị thí sinh mỉa mai thực lực, không xứng làm huấn luyện viên.
Giám sát chặt chẽ show tuyển chọn thần tượng
Theo Nhân dân Nhật báo, Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã có cuộc thanh tra toàn diện kéo hơn một tháng, nhằm chỉnh đốn mặt tiêu cực ở mảng show giải trí.
Cơ quan này cấm tất cả chương trình truyền hình bắt khán giả chi tiền để mua phiếu bầu, thông qua hình thức như mua vật phẩm, trả phí thành viên VIP trên nền tảng video… Đồng thời, quy định mới cũng nghiêm cấm hành vi gian lận phiếu bầu, tạo chiêu trò thị phi tăng sức ảnh hưởng cho show.
Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình ra chỉ thị hạn chế show thực tế tìm kiếm, đào tạo nghệ sĩ thần tượng. Cơ quan quản lý yêu cầu nhà sản xuất xây dựng format, phương thức bình chọn mới, tránh lặp lại “bệnh cũ” không xem trọng năng lực chuyên môn, nghĩ đủ cách trục lợi từ khán giả.
Động thái cứng rắn của giới chức diễn ra sau khi Thanh xuân có bạn 3 vướng bê bối dùng chiêu trò “móc hầu bao” khán giả. Người hâm mộ đổ bỏ 270.000 chai sữa xuống cống rãnh, nhằm quét mã QR, bầu chọn cho các thực tập sinh thuộc chương trình.
Hành động này khiến dư luận phẫn nộ giữa bối cảnh Trung Quốc vừa thông qua luật chống lãng phí thực phẩm. Thanh xuân có bạn 3 bị Cục phát thanh và truyền hình Bắc Kinh yêu cầu ngừng ghi hình.
Mới đây, cảnh sát thông báo gia đình thí sinh Dư Cảnh Thiên không liên quan đến công việc làm ăn phi pháp như tố cáo trước đó. Điều này khiến khán giả nghi vấn Thanh xuân có bạn 3 tạo chiêu trò trước đêm chung kết, nhưng cuối cùng gây ra phản ứng ngược.
Siết chặt nhiều lệnh cấm
Theo 163, Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình có kế hoạch hạn chế và cấm nghệ sĩ có quốc tịch nước ngoài hoạt động nghệ thuật.
Đây là hệ quả từ vụ bê bối tình dục chấn động của Ngô Diệc Phàm. Anh có quốc tịch Canada nhưng hoạt động chủ yếu tại thị trường Trung Quốc, và hiện bị bắt giam vì tình nghi cưỡng hiếp các cô gái trẻ.
Củng Lợi và Lý Liên Kiệt đã đổi sang quốc tịch Singapore nhiều năm trước. Ảnh: iFeng. |
163 cho rằng các nghệ sĩ thu lợi từ thị trường nghệ thuật Trung Quốc phải nghiêm túc tuân thủ quy định về pháp luật và đạo đức tại đây. Biện pháp hạn chế người nước ngoài hoạt động nghệ thuật, cũng nhằm thúc đẩy, trao cơ hội cho giới nghệ sĩ Trung Quốc.
Trước đó, cảnh sát Trung Quốc từng nhiều lần “đả kích” vấn nạn hai quốc tịch trong giới nghệ sĩ. Theo luật định được ban hành vào năm 1980, đất nước tỷ dân “không thừa nhận công dân có hai quốc tịch”.
Tuy nhiên, theo thời gian, vấn đề này không còn được quan tâm và xử lý “rắn”. Củng Lợi, Lý Liên Kiệt, Trương Quốc Lâm, Tư Cầm Cao Oa… đều đổi sang quốc tịch nước ngoài để hưởng lợi về thuế, chính sách thị thực.
Lệnh cấm này nếu được ban hành sẽ gây khó khăn cho nhiều ngôi sao bởi nếu muốn hoạt động ở Trung Quốc họ phải cân nhắc từ bỏ quốc tịch nước ngoài.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng thông qua quy định Kiểm soát vấn nạn ma túy trong ngành giải Hoa ngữ.
Quy định nêu rõ những người nghiện ma túy hoặc dính líu đến chất gây nghiện dưới mọi hình thức với tư cách là người của công chúng, sẽ không được xuất hiện trên phương tiện truyền thông, tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm nghệ thuật, kể cả công việc hậu trường.
Các tác phẩm điện ảnh và truyền hình do nghệ sĩ vướng bê bối sử dụng chất kích thích thực hiện, sẽ không được phát sóng, kể cả trên Internet.
Theo Tân Hoa Xã, các đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Bộ Văn hóa ban hành quy tắc ứng xử, phát ngôn đối với người nổi tiếng. MC Mã Vi Vi, biên kịch Lục Lục hay Tô Mang – cựu tổng biên của tạp chí Harper’s Bazaar vừa qua bị khóa tài khoản mạng xã hội vì cổ xúy hành vi nghệ sĩ ngủ với fan.
Theo Zing.vn