Tân Hoa Xã nhận xét showbiz Hoa ngữ trải qua 6 tháng đầu năm 2021 với liên tiếp scandal về lối sống, hành xử của những ngôi sao hạng A. Trong đó, sự sụp đổ chóng vánh của hai thần tượng thống trị ngành giải trí một thập kỷ qua là Trịnh Sảng và Ngô Diệc Phàm, gây chấn động dư luận.
Văn bản cấm hoạt động nghệ thuật của cơ quan quản lý văn hóa, sự chỉ trích gay gắt từ các phương tiện truyền thông cùng việc hàng loạt thương hiệu phũ phàng buông tay Ngô Diệc Phàm và Trịnh Sảng, cho thấy mức độ nghiêm trọng của hai vụ bê bối.
“Trong thời đại này, khi nhắc về hai chữ ‘thần tượng’, đôi khi người ta nhớ về tai tiếng, thay vì tài năng. Có chăng ngành giải trí và công chúng đã dung túng cho một lớp nghệ sĩ mục ruỗng đạo đức sống dai, sống khỏe trong showbiz thời gian dài”, QQ đặt câu hỏi.
Những ngày cuối tháng 7, bê bối tình dục của Ngô Diệc Phàm là vấn đề được quan tâm nhất trong giới giải trí Hoa ngữ. Kết quả điều tra của cảnh sát chứng minh nam nghệ sĩ có quan hệ tình ái với Đô Mỹ Trúc, lợi dụng danh tiếng dụ dỗ các cô gái trẻ tuổi.
Thanh Niên (thuộc tờ Nhân Dân Nhật báo) có bài viết dài thể hiện quan điểm gay gắt về thực trạng đạo đức bấp bênh trong nền văn hóa thần tượng, nhìn từ góc độ bê bối của Ngô Diệc Phàm.
Theo Thanh Niên, Ngô Diệc Phàm là nghệ thần tượng nhưng trình độ chuyên môn kém cỏi, không thể dùng tác phẩm để so bì với người khác, chỉ có thể “mài” hình tượng để kiếm cơm. Điều này đồng nghĩa với việc bất kể hình tượng được xây dựng là thật hay giả, Ngô Diệc Phàm cũng phải duy trì, đây là yêu cầu cơ bản của “nghề thần tượng”.
Tờ báo chỉ ra trang cá nhân của Ngô Diệc Phàm có hơn 50 triệu người theo dõi, chủ yếu là thanh thiếu niên ở độ tuổi chưa trưởng thành. Vì vậy, đời sống và hành vi của anh không chỉ đơn giản là có vi phạm pháp luật hay không, mà còn phải đáp ứng được đạo đức xã hội. Hơn nữa, còn phải là tiêu chuẩn đạo đức cao hơn người bình thường. Nhưng, nam nghệ sĩ đã không làm tròn bổn phận.
Thanh Niên đánh giá: “Ngô Diệc Phàm là sản phẩm thần tượng được sản xuất theo lô của ngành giải trí. Giá trị tồn tại duy nhất của anh chính là hình tượng hoàn hảo được thiết kế sẵn để đạt hiệu quả tối đa”.
Tuy nhiên, từ scandal lộ ảnh nóng với Tiểu GNa cho đến lùm xùm tình ái hỗn loạn, cáo buộc cưỡng gian, săn gái vị thành niên hiện tại, cho thấy Ngô Diệc Phàm là “sản phẩm thần tượng lỗi”.
Thanh Niên nhận định Ngô Diệc Phàm đáng bị đào thải khỏi ngành giải trí từ 5 năm trước, thời điểm anh vướng hàng loạt cáo buộc liên quan đến phụ nữ. Nhưng sao nam tiếp tục kiếm tiền tỷ ở Trung Quốc suốt 7 năm.
Tờ báo đi đến kết luận, cho dù Ngô Diệc Phàm có ngồi tù hay không, với tư cách là một sản phẩm thần tượng thất bại, không có tài năng lại thiếu đạo đức, anh không còn phù hợp để xuất hiện trước công chúng.
“Đạo đức của nghệ sĩ còn thua kém cả người hâm mộ là điều khó chấp nhận. Nếu thần tượng có đạo đức còn không bằng người hâm mộ, vậy fan học được gì? Ngô Diệc Phàm bị thị trường đào thải, đây có lẽ là chuyện tốt cuối cùng anh có thể làm cho showbiz Trung Quốc”, tờ này bình luận.
Trong bài bình luận của mình, tờ Thanh Niên Đạp Sóng chỉ ra thực trạng tồn tại nhiều năm qua trong ngành giải trí Trung Quốc, đó là tôn sùng sắc vóc, xem trọng mức độ nổi tiếng dựa trên giá trị thương mại và lượng người hâm mộ mà bỏ qua tài năng và phẩm cách nghệ sĩ.
“Ngô Diệc Phàm chính là ví dụ tiêu biểu về cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng trong ngành giải trí. Ở đó, người ta phát hiện ra rằng một nghệ sĩ không có năng khiếu âm nhạc, kỹ năng diễn xuất, chà đạp lên đạo đức và quy tắc xã hội, vẫn có thể vươn lên đỉnh cao danh vọng, kiếm tiền tỷ từ showbiz. Thế mới thấy chúng ta dễ dãi ra sao”, Thanh Niên bình luận.
Tờ China Daily cho rằng lối sống bê tha, tư tưởng lệch lạc của các nghệ sĩ trẻ “đang làm rung chuyển giới giải trí Trung Quốc”, hé lộ mảng tối đáng sợ nhất và phơi bày nhân cách giả tạo của các ngôi sao thần tượng.
Đầu năm nay, Trịnh Sảng – diễn viên nổi lên nhờ văn hóa thần tượng – tự đưa mình vào phễu lọc, chấm hết sự nghiệp nghệ thuật ở tuổi 30 vì chính thái độ sống xấu xí của bản thân.
Trước khi vướng ồn ào và chịu sự tẩy chay từ công chúng, vây quanh Trịnh Sảng là danh vọng, sự ngưỡng mộ từ hàng triệu người hâm mộ. Thế những trái ngược với hình tượng “nữ tú”, hoàn hảo trên phim, đời thực người đẹp Cùng ngắm mưa sao băng bị đánh giá là ngôi sao thị phi.
Cô thường xuyên khiêu chiến với antifan, bị tố cáo thiếu chuyên nghiệp, tùy hứng trong quá trình làm việc, có nhiều phát ngôn gây sốc và coi thường khán giả, đời sống tình cảm ồn ào.
Vướng không ít scandal đời tư, nhưng cũng giống Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng nhiều lần được công chúng tha thứ. Điều đó khiến cô cho rằng mình là ngôi sao quyền lực, tiếp tục lối sống buông thả dưới sự bảo hộ của người hâm mộ.
Theo Sina, ngành giải trí Hoa ngữ hiện nay không chỉ “hứng bão” vì lớp thần tượng lão làng, mà thần tượng trẻ “xuất xưởng” vài năm trở lại đây, cũng cho thấy nhiều mặt trái.
Sự bùng nổ của các show tuyển chọn thần tượng đưa vào giới giải trí lượng lớn nghệ sĩ trẻ có tài năng hạn chế, nhân phẩm bị đặt dấu hỏi lớn. Dương Siêu Việt và Ngu Thư Hân được khán giả nhớ tới vì những màn khóc lóc hay phong cách điệu đà cùng những phát ngôn gây tranh cãi, thay vì tài năng nghệ thuật.
Bảy trên tổng số 11 thành viên của nhóm nhạc thần tượng R1SE lần lượt bị phơi bày đời tư rắc rối như Hà Lạc Lạc vạ miệng với phát ngôn thích mua phần mềm lậu, sao chép nhạc, Yên Hủ Gia và Nhậm Hào bị bạn gái cũ tố ngoại tình với nhiều người…
Vương Hạo, CEO của công ty Zhuoying Entertainment, trả lời trên Tân Hoa Xã rằng ngành giải trí Hoa ngữ chưa từng hướng đến sự hoàn hảo, thậm chí dễ dãi với nghệ sĩ. Họ không cần phải sống như “thiên thần”, tuân theo các quy tắc ứng xử nghiêm ngặt, vẹn toàn từ ngoại hình đến tính cách như các đồng nghiệp ở showbiz Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, việc chạy đua lợi nhuận của nhà sản xuất đang biến quy trình tuyển chọn nghệ sĩ trở nên buông thả, thiếu cơ chế sàng lọc ngay từ đầu. Chưa kể, tình yêu mù quáng dành cho thần tượng khiến người hâm mộ chấp nhận sự kém cỏi về tài năng, những sai sót và scandal của họ.
Theo Tân Hoa Xã, sau thời gian dài để cho ngành công nghiệp thần tượng tự do “vùng vẫy”, giới nghệ sĩ thỏa sức tung hoành, các cơ quan quản lý văn hóa bắt đầu mạnh tay trong việc xử lý những đơn vị, cá nhân có hành vi đi ngược chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.
“Tài năng, quyền lực đến đâu, cũng không có ‘đãi ngộ’ hay ‘ngoại lệ’ nào dành cho nghệ sĩ khi họ mắc sai lầm. Khán giả vỡ mộng đến đâu, chúng tôi xử lý triệt để đến đó”, đại diện của Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình tuyên bố trên Tân Hoa Xã.
Phía Hiệp hội diễn viên Trung Quốc cũng nêu rõ nếu nghệ sĩ phạm pháp sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Nếu không vi phạm pháp luật, mà vi phạm trật tự công cộng, đi ngược đạo đức chung, tạo thành ảnh hưởng xấu trong xã hội, hiệp hội cũng sẽ xử lý không nương tay.
Với việc gây ra bê bối lớn nhất trong giới thần tượng Trung Quốc, Trịnh Sảng và Ngô Diệc Phàm bị cấm hoạt động nghệ thuật, tiếp nhận điều tra sai phạm.
Trong đó, Trịnh Sảng trở thành nghệ sĩ đầu tiên bị Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc nêu đích danh trong thông báo cấm sóng, gỡ tất cả sản phẩm có sự góp mặt của cô trên mọi phương tiện truyền thông.
Đầu tháng 5, chương trình tuyển chọn thần tượng Thanh xuân có bạn 3 buộc phải tạm dừng ghi hình vì bê bối trong quá trình bầu chọn thí sinh. Thông báo được đưa ra sau vụ người hâm mộ đổ bỏ 270.000 chai sữa xuống cống rãnh, nhằm quét mã QR, bầu chọn cho các thực tập sinh thuộc chương trình, gây phẫn nộ dư luận.
Ngay lập tức, Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình nghiêm cấm nghệ sĩ, công ty quản lý, show truyền hình tổ chức hoạt động quyên góp tiền từ người hâm mộ. Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) tuyên bố chấn chỉnh tình trạng đầu cơ trục lợi từ hình thức bình chọn và nạn bắt nạt trực tuyến.
Theo Zing.vn