Trong 13 năm qua, Britney Spears đã phải chịu sự giám hộ cực kỳ khắt khe của cha cô, Jamie Spears. Ngôi sao nhạc pop bị buộc phải sử dụng vòng tránh thai mặc dù muốn có con. Thuốc của cô cũng bị đổi thành lithium, trái với ý muốn của cô.
“Tôi không ở đây để làm nô lệ của bất kỳ ai”, Britney Spears nói trong phiên điều trần ngày 23/6. Những góc khuất được đưa ra ánh sáng đã khiến công chúng Mỹ phải đặt nhiều nghi vấn đối với luật giám hộ tại quốc gia này.
Trong đám đông biểu tình bên ngoài tòa án nơi Spears đến để đòi chấm dứt tình trạng bị giám hộ, một số người là người hâm mộ cô, một người là các nhà vận động đòi cải cách hệ thống giám hộ của Mỹ. Họ không chỉ vận động cho Spears mà còn hơn 1,3 triệu người Mỹ trưởng thành khác.
Britney Spears trong một buổi ra mắt phim ở Hollywood vào năm 2019. Ảnh: AFP.
Quyền giám hộ trong luật pháp Mỹ là gì?
Tại California, nơi xảy ra trường hợp của Britney Spears, quyền giám hộ được định nghĩa là “một vụ án, trong đó thẩm phán chỉ định một người, hoặc tổ chức có trách nhiệm (gọi là “người giám hộ”) chăm sóc cho một người lớn khác (gọi là “người được giám hộ”) không thể tự chăm sóc mình hoặc tự quản lý tài chính của mình”.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, uớc tính có khoảng 1,3 triệu người trưởng thành ở Mỹ đang phải chịu sự giám hộ tương tự Britney Spears. Tổng tài sản bị kiểm soát có giá trị ít nhất 50 tỷ USD. Phần lớn người được giám hộ là người cao tuổi dễ bị bóc lột.
Một người có thể bị coi là mất năng lực hành vi nếu bị bệnh tâm thần, khuyết tật hoặc nghiện ma túy. Ngoài ra, luật cũng áp dụng đối với người bị sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer hoặc hôn mê.
Những người biểu tình #FreeBritney bên ngoài Tòa án Thượng thẩm Los Angeles. Ảnh: NPR.
Nếu được tòa chỉ định, người giám hộ có thể đảm nhận các quyền hạn được ủy quyền trong thời hạn và phạm vi nhất định. Người được giám hộ sẽ không còn quyền quyết định đối với các vấn đề như tài sản, nơi ở hoặc chăm sóc y tế.
Nhưng người được giám hộ không mất tất cả các quyền công dân. Hội đồng Tư pháp California quy định rằng người được giám hộ vẫn có thể tham gia vào các quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến tài sản và cuộc sống của mình.
Elizabeth Adinolfi, luật sư của công ty luật Phillips Nizer, cho biết người được giám hộ sẽ vẫn có quyền bầu cử, kết hôn, gặp gỡ bạn bè, gọi điện thoại và kiểm soát tiền lương.
Người được giám hộ có thể nêu quan ngại đối với các hành động và quyết định của người giám hộ trước tòa. Mặc dù quyền của người được giám hộ trên các bang là khác nhau, nhưng quyền cơ bản là có thể yêu cầu thẩm phán chấm dứt quyền giám hộ.
Một số quyền giám hộ chỉ là tạm thời. Đối với một người bị tai nạn nghiêm trọng hoặc hôn mê, quyền giám hộ chỉ được áp dụng cho tới khi sức khỏe hồi phục.
Đối với các trường hợp khác, một bên có thể đơn phương yêu cầu tòa án chấm dứt quyền giám hộ nếu muốn.
Kẽ hở trong luật giám hộ
Luật giám hộ được đưa ra nhằm bảo vệ những cá nhân dễ bị tổn thương khỏi bị bóc lột hoặc lạm dụng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà hoạt động lo ngại rằng tác dụng của hệ thống này hoàn toàn trái ngược.
Một nghiên cứu năm 2010 của Văn phòng Giải trình trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) đã xác định hàng trăm cáo buộc lạm dụng, bỏ bê hoặc bóc lột người được giám hộ.
Một nghiên cứu của Trung tâm Tòa án Quốc gia vào năm 2018 cũng xem xét 31 trường hợp bóc lột tài chính đối với người được giám hộ tại bang Minnesota. Phần lớn người giám hộ là thành viên gia đình và nạn nhân là phụ nữ.
Zoe Brennan-Krohn, nhân viên của Dự án Quyền của Người khuyết tật thuộc Liên minh Tự do Dân sự Mỹ, cho biết: “Quyền giám hộ có nghĩa là tước bỏ quyền tự do dân sự của một người và trao cho người khác. Tòa án nói rằng bạn không còn có thể đưa ra quyết định về bản thân và sinh kế”.
“Một khi tòa án đã đặt một người vào diện giám hộ thì chỉ có tòa án mới có thể dỡ bỏ”, ông khẳng định.
Luật sư Adinolfi nhận xét nhiều tòa án có nguồn lực hạn chế và thiếu năng lực để xem xét các vụ việc một cách thấu đáo.
“Luôn luôn có khả năng lạm dụng trong hệ thống luật pháp. Tất cả chúng ta phải lưu ý và đề phòng nó. Lạm dụng quyền giám hộ đã xảy ra quá nhiều”, cô nói.
Sự bất thường trong quyền giám hộ của nhà Spears
Quyền giám hộ thường được sử dụng đối với những người bị suy giảm nhận thức nghiêm trọng. Thông thường, quyền giám hộ sẽ được chỉ định cho những người lớn tuổi và những người khuyết tật.
Vào thời điểm được giám hộ, Britney Spears mới chỉ 26 tuổi. Cô không phải là trường hợp điển hình phải giám hộ. Năm 2008, cô bị áp quyền giám hộ sau những biểu hiện bị gán là bất ổn tâm lý.
Quyền bảo hộ cho phép cha ruột hoặc người bảo hộ kiểm soát hầu hết hoạt động của Britney ngay cả việc dùng điện thoại ra sao, được thăm con hay đi chơi khi nào. Thậm chí, cô bị ép sử dụng lithium trong 5 tháng.
Britney Spears là một ngôi sao nhạc pop, nổi tiếng ngay từ tuổi thiếu niên. Cô đã dành 13 năm để hát, làm giám khảo chương trình The X Factor và kiếm được khoảng 138 triệu USD khi biểu diễn tại Las Vegas.
“Tôi không nên chịu giám hộ nếu tôi có thể làm việc, kiếm tiền cho bản thân và trả tiền cho người khác. Luật pháp cần phải thay đổi”, cô nói với tòa án.
Britney Spears biểu diễn ở Los Angeles vào năm 2016. Ảnh: iHeartMedia.
Leslie Salzman, giáo sư tại Trường Luật Cardozo, cho biết: “Thông thường người chịu giám hộ không phải là một cá nhân trẻ, đang làm việc và thành công trong lĩnh vực của họ”.
“Có vẻ khá bất thường khi cô ấy có khả năng ra ngoài và thực hiện tất cả các loại hoạt động nghề nghiệp nhưng lại bị cho là không có khả năng quản lý công việc cá nhân hoặc tài sản”, ông nhận xét.
Đã có nhiều cải cách đáng kể đối với luật giám hộ tại Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Quyền giám hộ có thể chỉ được áp dụng đối với những lĩnh vực mà người được giám hộ không thể tự quản lý.
Nhưng trong trường hợp của Britney Spears, theo lời khai, quyền giám hộ bao trùm tất cả các khía cạnh trong đời sống của cô. Công việc, đời sống cá nhân, quản lý tài sản đều bị kiểm soát rất chặt chẽ.
Cá nhân được giám hộ cũng có thể tự chọn người giám hộ cho mình. Tuy nhiên, điều này cũng không xảy ra trong trường hợp của Britney Spears.
Theo các báo cáo, ngay từ năm 2014, ca sĩ này đã đề nghị tòa án loại bỏ vai trò giám hộ chính của cha mình. Năm 2020, cô tiếp tục yêu cầu tòa án đình chỉ hoàn toàn quyền giám hộ của ông. Britney Spears từ chối biểu diễn nếu ông còn phụ trách sự nghiệp của cô.
Sau đó, một công ty quản lý tài sản đã được thành lập với tư cách giám hộ tài chính cho Britney. Mặc dù vậy, cha cô vẫn là người giám hộ chính đối với những khía cạnh khác.
Theo Zing.vn