Những ngày gần đây, trên fanpage phim truyền hình Việt, khán giả tranh luận về việc các nhân vật người mẹ được xây dựng xấu xí, làm nổi bật tính cách khắc nghiệt, cực đoan.
Những bà mẹ ghê gớm trên màn ảnh
Trong Hãy nói lời yêu, hình ảnh bà Hoài (Nguyệt Hằng đóng) khiến nhiều người cảm thấy sợ. Bị ám ảnh bởi hình mẫu một gia đình hoàn hảo, Hoài luôn tạo áp lực lên chồng và các con. Sự áp đặt của bà khiến các thành viên trong gia đình ngột ngạt.
Nhất là sau khi ông Tín lộ chuyện ngoại tình, tính cách bà Hoài càng trở nên điên loạn, mất kiểm soát. Vì sợ mất thể diện, bà quyết không ly dị, song gần như ngày nào cũng nhiếc móc chồng. Hoài còn tìm đến tận nhà nhân tình của chồng để đánh ghen, thuê người đạp ngã Trâm khi cô này đang mang thai.
Thất vọng về chồng, bà Hoài càng dồn áp lực lên hai con – Hoàng My (Quỳnh Kool) và Minh (Quang Anh). Minh bị ép học đến mức hoảng sợ. My chưa bao giờ được mẹ lắng nghe, thấu hiểu. Khi My phản kháng, bà Hoài giả vờ cắt tay tự tử để con gái phải nghe lời.
Bà Hoài (ảnh trái) và bà Sa là những nhân vật người mẹ khiến khán giả ức chế.
Trong Hương vị tình thân, hai bà mẹ khác khiến khán giả phản ứng là nhân vật Bích (Tú Oanh đảm nhận) và Sa (Thu Hạnh). Bích là mẹ nuôi của Nam (Phương Oanh). Bà luôn ác cảm, chưa bao giờ đối xử tốt với Nam. Ngay cả khi bà Bích bị vỡ nợ, Nam phải đứng ra gánh vác, bà vẫn đổ lỗi cho cô mang vận xui đến nhà.
Bà Sa bị chỉ trích vì đối xử khắc nghiệt với con gái Khánh Thy (Thu Quỳnh). Bà luôn nói nuôi Thy tốn công sức và tiền của. Vì thế, Sa ép con phải tìm mọi cách để làm dâu nhà giàu. Khi nhận thấy Long (Mạnh Trường) không thích Thy, bà Sa khuyên con chuyển mục tiêu sang Huy (Anh Vũ).
Khi Thy uất ức phản đối, bà Sa tát cô và nói: “Có tiền, có quyền thì sẽ có mọi sự tôn trọng. Đạo đức hay liêm sỉ chỉ là sự ngụy biện của sự thất bại mà thôi”.
Nhiều khán giả bày tỏ không cảm nhận được tình cảm mẹ con giữa bà Sa và Khánh Thy. Mối quan hệ của bà Sa với Thy thiên về tính thực dụng.
“Cách bà Sa đối xử, dạy dỗ Thy rất lạnh lùng, hoàn toàn không giống một người mẹ. Chẳng lẽ mẹ đẻ lại kể công nuôi con như vậy? Theo tôi dự đoán, Thy chỉ là con nuôi của bà Sa”, khán giả Hương Ly chia sẻ.
Mỹ Duyên vào vai bà Ích trong Cây táo nở hoa.
Bạn Anh Trang nêu ý kiến: “Nếu bà Sa là mẹ đẻ của Thy thì tình tiết phim thực sự vô lý và bị làm quá. Ít nhất cách hành xử của bà Hoài còn hiểu được là vì con. Những hành động của nhân vật Sa khó chấp nhận”.
Ngoài ra, trong những bộ phim đang phát sóng như Cây táo nở hoa hay Mùa hoa tìm lại, một số nhân vật nữ khác cũng gây tranh cãi. Vai bà Ích của Mỹ Duyên trong Cây táo nở hoa là một bà mẹ vô trách nhiệm, từng có ý định bán con gái cho quán rượu. Thỉnh thoảng, bà trở về tìm con trai Ngọc (Thái Hòa) để vòi vĩnh tiền.
Làm quá hay phản ánh thực tế?
Thực tế, phim truyền hình Việt trước đây từng có những bà mẹ khá tai quái như bà Phương (Sống chung với mẹ chồng), bà Mai (Gạo nếp gạo tẻ)… Các nhân vật này mang đến màu sắc mới, sinh động, góp phần tạo nên thành công của bộ phim.
Những người mẹ với tính cách áp đặt, cực đoan, thực dụng… ngoài đời không phải là không có. Các biên kịch cũng phần nào dựa trên thực tế để xây dựng nhân vật, câu chuyện phim điển hình. Đương nhiên, khi lên màn ảnh, mọi thứ đều được “bồi đắp” để đẩy cao trào, kịch tính.
Không khó hiểu khi vào giai đoạn này, những vai diễn bà mẹ như thế lại bị phản ứng mạnh. Nguyên nhân là các bộ phim kể trên lên sóng cùng lúc, gây cảm giác khó chịu cho khán giả khi phải chứng kiến liên tiếp hình ảnh người mẹ xấu tính.
Khai thác nhiều dẫn đến hiệu ứng ngược?
Trao đổi với Zing, Huyền Lê, biên kịch của phim Hãy nói lời yêu, cho biết ngoài đời sống có nhiều bà mẹ giống nhân vật Hoài. Họ áp đặt, luôn muốn các con làm theo ý mình, mà không quan tâm đến cảm xúc của đứa trẻ.
“Nhiều ông bố, bà mẹ nghĩ rằng mình là người lớn, có kinh nghiệm nên luôn đúng. Họ vạch sẵn đường đi cho con, không chia sẻ, không thấu hiểu. Đó là yêu thương sai cách. Tôi biết có những đứa trẻ căng thẳng đến trầm cảm. Thông qua các nhân vật, tôi mong muốn mỗi chúng ta sẽ có sự nhìn nhận thế nào là đúng, sai để không mắc lỗi”.
Khi được hỏi “Chị có nghĩ việc chỉ khai thác khía cạnh tiêu cực ở hình ảnh người mẹ sẽ tác động xấu đến khán giả?”, nữ biên kịch cho rằng đó là hiện thực trần trụi ngoài xã hội. Mỗi người nhìn vào câu chuyện trên phim sẽ hiểu hơn và học cách yêu những người thân trong gia đình.
“Tôi nghĩ có thể khán giả bị cuốn theo nhân vật, nên bộc phát cảm xúc ức chế. Nhưng khi lắng lại, chúng ta sẽ thấy đó là bài học cho các bậc cha mẹ, những người con và cả người đi phá hoại hạnh phúc gia đình khác. Các nhân vật thường được xây dựng không ai đúng và cũng không ai sai hoàn toàn”.
Cô nói thêm: “Mỗi bà mẹ yêu con theo cách riêng của họ, chứ không phải xấu hay kinh khủng quá. Còn nếu họ lỡ xấu, cảm giác không cứu vãn được thì cũng có nguyên nhân đằng sau. Mong rằng khán giả sẽ theo dõi đến cuối”.
Biên kịch Huyền Lê cho rằng vẫn có những nhân vật người mẹ gây xúc động cho người xem.
Biên kịch Huyền Lê đồng tình rằng các bộ phim trên được chiếu cùng thời điểm là nguyên nhân khiến khán giả tranh luận những ngày qua. Cô luôn theo dõi bình luận, phản hồi từ cộng đồng mạng để rút kinh nghiệm.
“Khán giả bây giờ rất kỹ tính. Bản thân biên kịch cũng áp lực khi xây dựng nội dung. Với những tình tiết liên quan đến pháp luật hay đặc thù nghề nghiệp trong phim, chúng tôi đều phải nhờ chuyên gia tư vấn. Nếu khán giả góp ý đúng, tôi sẵn sàng tiếp thu.
Hơn nữa, không phải tất cả bà mẹ trên phim đều xấu. Chẳng hạn trong Hãy nói lời yêu, mẹ của Phan là một hình ảnh đẹp, từng khiến người xem xúc động.
Về những ý kiến nhận định phim truyền hình Việt đang lạm dụng chuyện ngoại tình, mâu thuẫn gia đình, biên kịch Huyền Lê cho rằng phim Hàn cũng khai thác nhiều đề tài này. Theo cô, các biên kịch bám sát thực tế.
“Tôi không nghĩ là chúng ta thiếu đề tài. Như bạn cũng thấy, chuyện ngoại tình, tiểu tam bây giờ rất nhiều. Chúng ta đọc hàng ngày trên mạng. Khi sáng tạo, mỗi biên kịch sẽ có hướng đi riêng để không trùng lặp. Và mỗi bộ phim đều ẩn chứa thông điệp riêng”.
Theo Zing.vn