Chuyện Hoài Linh kêu gọi hơn 13 tỷ đồng ủng hộ miền Trung nhưng 6 tháng không giải ngân, thực hiện công việc thiện nguyện gây ồn ào dư luận thời gian qua.
Anh Nguyễn Tiến Danh, chủ tịch Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng và Giám đốc dự án của Quỹ hy vọng, đã gửi tới Zing bài viết chia sẻ về câu chuyện từ thiện ở Việt Nam. Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng được thành lập từ năm 2001.
Đa số nghệ sĩ làm từ thiện tự phát
Tôi và tổ chức của mình đã có 20 năm làm công việc thiện nguyện. Bản thân tôi luôn dành tình cảm cho những người có tâm thế phục vụ cộng đồng, xã hội.
Với Hoài Linh, cũng không phải là ngoại lệ. Anh ấy là nghệ sĩ có tiếng nói, tầm ảnh hưởng lớn mới kêu gọi quyên góp được số tiền lớn. Về cách quản trị số tiền đó, tôi không bình luận vì không hiểu thực sự nội tình của anh.
Hoài Linh giữ tiền từ thiện suốt 6 tháng, chưa giải ngân. Ảnh: Phương Lâm.
Tuy nhiên, nếu kêu gọi được hơn 13 tỷ đồng, tôi nghĩ có thể làm được nhiều chuyện. Số tiền đó đóng góp nhằm hỗ trợ miền Trung vượt qua lũ lụt nhưng mục đích đó không kịp hoàn thành, có thể làm cách khác cho người dân ở đây. Chẳng hạn, ở giai đoạn này, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tổ chức có thể trích tiền mua vaccine cho người dân.
Ngoài mua vaccine, chúng ta có thể phối hợp với các tổ chức khác thực hiện các công trình dân sinh như xây cầu đường, trường học. Thực tế, chỉ cần hơn một tỷ đồng, chúng tôi có thể cùng các đơn vị khác xây được một ngôi trường khang trang.
Khi đó, dù mục đích từ thiện thay đổi, người đóng góp chắc cũng hài lòng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho dịch, đâu nhất thiết phải có mặt ngoài đó vì các tỉnh thành đều có các tổ chức tình nguyện rất uy tín để có thể thực hiện theo nhu cầu ủy thác với cộng đồng.
Nhìn chung, tôi thấy nghệ sĩ Hoài Linh cũng như một số nghệ sĩ khác kêu gọi từ thiện theo hướng tự phát (cấp bách) nhưng chưa có kế hoạch thực hiện. Tôi nghĩ nghệ sĩ muốn có hoạt động thiện nguyện chuyên nghiệp hơn cần đồng hành với các tổ chức, quỹ từ thiện uy tín. Cách đơn giản nhất là dựa vào nhu cầu thực tế chúng ta có thể thực hiện theo số lượng hay theo chất lượng mà mục tiêu chúng ta đặt ra.
Bạn có thể một mình làm các chương trình thiện nguyện nhưng liệu có đủ sức lực một mình trên con thuyền rất lớn, nhiều sóng gió? Vì vậy, việc đồng hành cùng các tổ chức từ thiện giúp bạn có thêm sức mạnh, chuẩn bị và kế hoạch tốt.
Tôi được biết những tổ chức cộng đồng hiện nay đều hoạt động không vì lợi ích. Họ tự túc kinh phí đi lại, không hề đụng tới tiền quyên góp. Họ hoạt động âm thầm, đứng ở phía sau hỗ trợ, không cần đính tên, cầu danh tiếng.
Điều quan trọng, khi cá nhân đồng hành cùng tổ chức, mọi thu chi có thể kiểm soát chéo, đối chiếu với nhau. Nếu làm một mình, bạn nói sao người ta nghe vậy. Chỉ đến khi bạn nói sai, bị cộng đồng đặt câu hỏi, uy tín mới bị ảnh hưởng.
Từ thiện cấp bách, phân phối tiền trong 30 ngày
Với kinh nghiệm 20 năm tổ chức các chương trình cộng đồng, tôi nghĩ ban đầu luôn phải lập kế hoạch cụ thể. Chúng tôi thường hoạt động theo hai mảng gồm hoạt động phát triển bền vững và cấp bách.
Về các hoạt động thiện nguyện dành cho phát triển bền vững, chúng tôi xây dựng kế hoạch 2-3 năm hoặc dài hơn, tùy theo các đối tượng, xã hội cần như thế nào.
Hoài Linh trần tình về số tiền hơn 13 tỷ đồng. Ảnh: Chụp màn hình.
Ví dụ sau khi đi khảo sát các tỉnh miền Tây, tôi thấy có nhiều đứa trẻ đi học phải qua những cây cầu gỗ, nguy hiểm, xập xệ. Từ đó, tôi lập kế hoạch xây dựng những cây cầu vững chắc hơn bằng bê tông.
Tổ chức của tôi không tài trợ địa phương nào 100% cây cầu, mà khai thác thêm nguồn lực của địa phương, nhà nước. Trung bình chỉ tài trợ 25% giá trị cho mỗi cây cầu. Khi khai thác như vậy, trong một năm, chúng tôi không bỏ ra quá nhiều tiền nhưng xây dựng được rất nhiều cầu.
Với các hoạt động cấp bách như lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh, chúng tôi luôn kết hợp với chính quyền, đoàn thể ở địa phương. Hai năm gần đây, chúng tôi đồng hành với các tuyến biên giới, đường mòn về hệ thống đèn năng lượng mặt trời. Ở những khu vực đó điện sẽ không tới và đèn sạc không đủ lượng điện.
Để kêu gọi các cá nhân, tổ chức đóng góp thực hiện kế hoạch thiện nguyện, chúng tôi thường lên chương trình chi tiết, tiến độ thực hiện, số tiền dự kiến.
Với dự án bền vững, thời gian dài thực hiện thường kéo dài trong 2-3 năm. Với chương trình cấp bách, chúng tôi chỉ kêu gọi, hỗ trợ trong thời gian ngắn. Cụ thể, chúng tôi chỉ quyên góp trong khoảng 10 ngày. Sau đó bắt đầu bước vào thực hiện. Ở từng quá trình thực hiện, chúng tôi đều có giấy tờ, công khai hình ảnh, thông báo công khai cụ thể lộ trình, thu chi ở từng giai đoạn nhỏ.
Thông thường, các chương trình ngắn hạn, từ kêu gọi đến phân phối tiền chỉ kết thúc trong 30 ngày.
Theo tôi, khi cá nhân, đơn vị tin tưởng mình, họ mới đóng góp tiền bạc. Vì vậy, nhiệm vụ của người tổ chức phải đảm bảo thông tin minh bạch, không phụ lòng sự tin tưởng đó.
Nguyễn Tiến Danh, chủ tịch Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng.
Một số hoạt động tình nguyện anh từng thực hiện như Góp gạch xây trường (Mỗi năm xây dựng 10-15 trường học), Em nuôi chung tay vì cộng đồng (Hỗ trợ kinh phí học cho 600 em nhỏ từ lớp 6-12), Cầu hy vọng (Mỗi năm giúp bà con miền Tây xây dựng 100 cây cầu), Cơm chay vì cộng đồng.