Tối 11/5, trên trang cá nhân, Kiều Minh Tuấn, Nam Thư, Khả Như… quảng cáo cho tiền mã hóa, sau đó nhanh chóng xóa bài. Chuyên gia tài chính khẳng định đây là dự án lừa đảo, hoạt động theo mô hình đa cấp.
Một tuần trôi qua, không ai trong số những người đã kêu gọi khán giả “chơi” tiền mã hóa lên tiếng về hành động của bản thân, không giải thích, không xin lỗi, cũng không đính chính.
|
Nam Thư, Kiều Minh Tuấn giữ im lặng sau khi quảng cáo cho tiền mã hóa. |
Không khó để nhận ra tại các nền công nghiệp giải trí phát triển mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, nghệ sĩ và ê-kíp đứng sau họ luôn sẵn sàng lên tiếng trong bất kỳ trường hợp nào, khi ồn ào xảy ra. Khi mắc lỗi, bị hiểu nhầm, vướng tin đồn sai lệch… đại diện ê-kíp hoặc đích thân nghệ sĩ sẽ đăng bài đính chính vấn đề hoặc xin lỗi khán giả.
Nhưng ở showbiz Việt, nghệ sĩ thường chọn cách im lặng, né tránh trách nhiệm lên tiếng.
Khi bị cuốn vào tranh cãi thị phi, nghệ sĩ né tránh truyền thông. Khi quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, nghệ sĩ im lặng. Khi kêu gọi khán giả tham gia hình thức tiền mã hóa lừa đảo, nghệ sĩ xóa bài và coi như không có chuyện gì xảy ra.
Anh Lương Trọng Nghĩa – chuyên gia truyền thông có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giải trí – nhận định nghệ sĩ Việt lười xin lỗi.
“Có hai lý do nghệ sĩ Việt lười xin lỗi. Thứ nhất, họ lớn lên và bị nhiễm thói quen tiết kiệm lời xin lỗi từ xã hội. Họ làm sai, nhưng không dám đối diện với sự thực bẽ bàng. Hơn nữa, nghệ sĩ sợ rằng xin lỗi đồng nghĩa việc thừa nhận bản thân đã sai, và có thể họ sẽ phải chịu trách nhiệm, nhẹ là với khán giả, và nặng là với pháp luật.
Thứ hai, một số nghệ sĩ đã quen với việc phụ thuộc vào ê-kíp truyền thông, có thể ê-kíp sẽ tư vấn từng đường đi nước bước. Nhưng nhiều người làm truyền thông lại không có chuyên môn, họ thậm chí tung hô nghệ sĩ quá đà, khiến nghệ sĩ như bước trên mây, đưa họ vào thế giới ảo diệu. Khi gặp vấn đề, những người chưa vững chuyên môn và yếu về mặt kinh nghiệm sẽ lúng túng, không biết cách xử lý khủng hoảng. Và thường họ sẽ chọn cách im lặng – là cách dễ nhất có thể tư vấn cho người nổi tiếng”, anh Lương Trọng Nghĩa chia sẻ với Zing.
|
Nhà báo Nguyễn Phong Việt cho rằng không có nhiều nghệ sĩ có ý thức xin lỗi khi phạm sai lầm. |
Cùng quan điểm trên, nhà báo, chuyên gia truyền thông Nguyễn Phong Việt cho rằng phần lớn nghệ sĩ chọn cách im lặng để mọi chuyện xảy ra với bản thân lắng xuống, và hy vọng khán giả sẽ quên. Nhưng anh khẳng định ở thời buổi mạng xã hội phát triển, bất kỳ câu chuyện nào cũng sẽ được nhắc lại nhiều lần, không có cách nào chôn vùi một câu chuyện mãi mãi.
Anh Nguyễn Phong Việt khẳng định vẫn có những nghệ sĩ có ý thức xin lỗi, nhưng không nhiều.
Anh nói: “Nghệ sĩ như bao người, có thể mắc lỗi hoặc họ không biết chắc chắn hậu quả có thể xảy ra với hành động của mình. Nhưng trong trường hợp nào đi chăng nữa, không xin lỗi là không văn minh. Nghệ sĩ có được danh tiếng phần lớn nhờ sự hỗ trợ của khán giả. Do đó, nếu vô tình tạo ra tác động xấu đến ai đó, họ phải xin lỗi, như một hành động công bằng tới những người đã hỗ trợ, yêu mến tin tưởng mình”.
Trả lời Zing về văn hóa xin lỗi trong showbiz nói chung và nghệ sĩ nói riêng, chị Minh Hiền – cựu quản lý của một nhóm nhạc nam – cho biết: “Ngay cả những người bình thường sai cũng sẽ xin lỗi, đó là điều tất yếu trong cuộc sống. Huống hồ nghệ sĩ là người của công chúng, nếu nghệ sĩ làm điều gì đó sai, gây ảnh hưởng đến khán giả, họ nhất định phải lên tiếng xin lỗi, như vậy mới là tôn trọng khán giả”.
Có kinh nghiệm làm việc tại nhiều môi trường nghệ thuật khác nhau, từng tiếp xúc và học hỏi cách làm của đơn vị quản lý nghệ sĩ của nước ngoài (nay đã chuyển nghề), chị Minh Hiền đưa ra quan điểm nghệ sĩ có thể không trực tiếp phát ngôn, nhưng công ty quản lý hoặc người đứng đầu ê-kíp hỗ trợ của nghệ sĩ nên lên tiếng.
“Khi tôi vẫn còn làm việc với nghệ sĩ, nếu nghệ sĩ có lỗi, tôi hoặc đại diện khác của công ty quản lý sẽ thay mặt lên tiếng, gửi lời xin lỗi khán giả”, chị Minh Hiền chia sẻ thêm.
Chị V. – project manager kiêm người phụ trách truyền thông của nhiều nghệ sĩ Gen Z – quan niệm: “Sai ở đâu, nên xin lỗi ở đó”.
“Tôi quan niệm cảm ơn và xin lỗi là nền tảng của mọi mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ với công chúng, bởi đây không đơn thuần là tình cảm cá nhân, mà đây là mối quan hệ đòi hỏi nhiều trách nhiệm và sự tôn trọng. Sai ở đâu, xin lỗi ở đó”, chị V. nói.
|
Khả Như và Gin Tuấn Kiệt cũng chia sẻ bài đăng về tiền mã hóa trên trang cá nhân. Ảnh: Bá Ngọc, Phương Lâm. |
Với kinh nghiệm làm truyền thông cho nhiều nghệ sĩ, chị cho biết: “Ngay cả khi nghệ sĩ không hẳn sai, nhưng tin tức về họ làm phiền tới người khác, họ vẫn nên xin lỗi những người bị ảnh hưởng. Trong một vài trường hợp, có thể ê-kíp cần thời gian để phân tích vấn đề, dẫn đến phản hồi chậm, nhưng cần thể hiện rõ thái độ lắng nghe, tiếp thu và tôn trọng khán giả”.
Anh Lương Trọng Nghĩa khẳng định: “Tôi sẽ khuyên nghệ sĩ phải nhận sai ngay tức thì, với động thái rõ ràng nhất có thể. Ai chẳng có đôi ba lần sai trong đời. Sai thì làm lại, xin lỗi không có gì xấu, bởi ông bà ta vẫn có câu: ‘đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại’. Xin lỗi cũng cần phải học, học cách xin lỗi, học cách chịu trách nhiệm và dũng cảm đối diện với cái sai của mình”.
Hàn Quốc được xem là cường quốc về giải trí với ngành công nghiệp âm nhạc thần tượng đã lan tỏa khắp thế giới, cũng như hệ thống phim ảnh đủ sức đáp ứng đủ mọi nhu cầu từ giải trí đơn thuần đến dự thi liên hoan phim hàn lâm. Cùng với sự phát triển cực thịnh của showbiz, nghệ sĩ Hàn cũng được đào tạo, quản lý nghiêm ngặt từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ hành vi, giữ gìn hình ảnh.
Và ở Hàn Quốc, xin lỗi và cảm ơn đã trở thành nét văn hóa đặc trưng ăn sâu vào đời sống, đặc biệt ở showbiz. Chỉ cần gõ từ khóa “sao Hàn xin lỗi” trên Google, sẽ có hơn 58 triệu kết quả xuất hiện sau một giây. Nội dung hiển thị rất đa dạng, từ xin lỗi vì nói dối, xin lỗi vì hẹn hò, xin lỗi vì đi hộp đêm, xin lỗi vì treo ảnh phụ nữ trong phòng ngủ, cho đến những vụ việc nghiêm trọng hơn như xin lỗi vì bạo lực với bạn học, xin lỗi vì hành vi lái xe khi say rượu…
Công ty quản lý thường thay mặt các nghệ sĩ Hàn Quốc xin lỗi khán giả. |
Như chia sẻ của chị Minh Hiền, do có công ty quản lý chuyên nghiệp, nghệ sĩ hoặc tự lên tiếng, hoặc thông qua công ty quản lý để xin lỗi công chúng. Từ những vấn đề được xem là “lông gà vỏ tỏi” như đi chơi với bạn, mặc nhầm áo có in dòng chữ kém lịch sự… tới những chuyện nghiêm trọng liên quan đến pháp luật, nghệ sĩ Hàn không thể giữ im lặng.
Nghệ sĩ ở Hàn Quốc, hay nói chính xác hơn ê-kíp sau lưng họ, phải có câu trả lời cho mọi vấn đề, dù nhiều khi đáp án (và lời xin lỗi) chưa hẳn làm hài lòng khán giả.
Tương tự, ở showbiz Trung Quốc, các nghệ sĩ cũng có ê-kíp hỗ trợ, quản lý mọi công việc cũng như có đại diện lên tiếng phát ngôn. Nếu ở Hàn Quốc các nghệ sĩ và công ty quản lý sẽ phát ngôn thông qua một đơn vị báo chí, thì ê-kíp của nghệ sĩ Hoa ngữ thường trực tiếp đăng văn bản thanh minh hoặc xin lỗi lên tài khoản mạng xã hội chính thức. Các văn bản này được trình bày đúng quy chuẩn văn phong, dùng từ ngữ tôn trọng (gọi nghệ sĩ ông hoặc bà, kèm tên) và đóng dấu mộc đỏ của công ty.
Một số trường hợp như Kha Chấn Đông, Phòng Tổ Danh (con trai Thành Long) còn mở họp báo và cúi đầu xin lỗi trước sự chứng kiến của hàng chục ống kính phóng viên vì phạm những lỗi liên quan đến pháp luật.
Tại Nhật Bản, thói quen xin lỗi của nghệ sĩ thậm chí ở mức độ nghiêm trọng hơn hẳn Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu mắc phải sai lầm, đa phần nghệ sĩ Nhật sẽ quay video cúi đầu xin lỗi khán giả. Có trường hợp sao nữ từng quay video vừa khóc vừa cạo trọc đầu vì bị phát hiện vào khách sạn với bạn trai.
Với những trường hợp ngoan cố không lên tiếng, khán giả tại các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển sẽ thẳng thừng tẩy chay. Sức ảnh hưởng của khán giả cũng sẽ khiến các nhãn hàng và đơn vị sản xuất cũng ngừng hợp tác với ngôi sao có vết nhơ trong đời tư.
So sánh với ba thị trường giải trí lớn nhất châu Á để thấy rõ ràng nghệ sĩ Việt chưa ý thức được tầm quan trọng của lời xin lỗi. Như phần chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Phong Việt với Zing, anh cho rằng chỉ cần không phạm phải lỗi lầm quá nghiêm trọng liên quan đến pháp luật và đạo đức, khán giả sẽ không tuyệt đường làm nghề của nghệ sĩ nếu họ nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và biết hối lỗi.
|
Nữ ca sĩ Nhật đăng video cạo đầu, diễn viên Trung Quốc mở họp báo xin lỗi khi vướng scandal. |
Theo Zing.vn